2024 sẽ tiếp tục là năm khó đối với ngành ngân hàng

27/12/2023 09:19

Tăng trưởng tín dụng chậm, nợ xấu cao, khiến bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2023 được dự báo tăng trưởng thấp.

Theo thống kê, trong 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023, có tới 8 tổ chức có lợi nhuận chưa qua mốc 50% kế hoạch năm du đã hết 3 phần 4 chặng đường, thậm chí có ngân hàng mới thực hiện được 15 - 30% kế hoạch. Phần còn lại đã hoàn tất được 50 - 60% kế hoạch năm.

Mặc dù vậy, đến nay, hầu hết ngân hàng đều chưa điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận, mà vẫn kỳ vọng trong quý còn lại của năm.

Trong khi đó, VNDirect cho biết, Vietcombank đã hạ mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2023, ngân hàng này dự kiến tăng trưởng lợi nhuận từ hơn 15% đã giảm xuống dưới 10%, điều này đã phản ánh khó khăn trong lĩnh vực bất động sản, nhu cầu tín dụng suy yếu cũng như khẩu vị rủi ro của ngân hàng.

Năm 2024 sẽ tiếp tục là năm khó đối với ngành ngân hàng
Hình minh họa.

Tính đến thời điểm cuối quý III/2023, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank mới chỉ đạt 3,8%, thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống (khoảng 7%). VNDirect dự báo, tăng trưởng cho vay của Vietcombank trong năm 2023 là 7,5% so với mức dự báo cũ là 10%, thấp hơn hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp là 14%.

Bên cạnh đó, áp lực nợ xấu cũng đang là vấn đề đáng lo ngại trong năm 2023. Cụ thể, theo thống kê 27/29 ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trong quý III/2023 đã tăng từ 2,09% lên 2,24%. Nếu quan sát mối quan hệ giữa tỷ lệ nợ xấu (nợ từ nhóm 3 trở lên) và nợ quá hạn (nợ từ nhóm 2 trở lên), thì mức gia tăng trong nợ quá hạn nhanh hơn nhiều so với nợ xấu trong những quý gần đây.

Dư nợ của các ngân hàng niêm yết hiện chiếm 60 - 70%, chưa bao gồm trái phiếu doanh nghiệp, có nghĩa là mức rất cao. Khi chất lượng bị suy giảm thì chi phí dự phòng của các ngân hàng sẽ gia tăng. Trong giai đoạn bình thường, chi phí dự phòng chiếm trên 20% thu nhập các ngân hàng kiếm được, do vậy chất lượng tài sản là yếu tố đang được quan tâm.

Theo giới chuyên gia, năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm khó đối với các ngân hàng, theo các chuyên gia, nợ xấu tăng cao sẽ ăn mòn lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2024. Ngoài ra, các ngân hàng đã dần cạn của để dành, nên khó tăng trích dự phòng ở mức cao, làm giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu.

Theo dự báo của SSI Research, ngành ngân hàng có thể tăng trưởng lợi nhuận 17% trong năm 2024 với giả định tăng trưởng tín dụng năm sau khá hơn năm nay, đặc biệt là kỳ vọng vào nửa cuối năm sau, khi kinh tế thế giới phục hồi, xuất khẩu tăng rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, biên lãi thuần (NIM) của ngân hàng gặp áp lực lớn trong năm 2023, khi chi phí đầu vào lớn, nhưng sang năm 2024, kỳ vọng áp lực sẽ giảm dần do mức lãi suất trung bình thấp hơn. Ngoài ra, thu nhập từ phí của ngân hàng năm 2023 yếu, tạo cơ sở để năm 2024, các ngân hàng sẽ thu phí tốt hơn từ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn thị trường tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, không chỉ nợ xấu tăng, mà tín dụng nền kinh tế cũng sẽ khó trong năm 2024, khi thị trường bất động sản chưa sớm ấm trở lại, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. Nợ xấu tiếp tục tăng trong quý III/2023, nhưng dự phòng rủi ro không tăng tương xứng, khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "2024 sẽ tiếp tục là năm khó đối với ngành ngân hàng" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).