5 lý do Nga chưa chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine

07/07/2022 17:16

Nga được cho là có những lý do để tiếp tục duy trì chiến dịch quân sự tại Ukraine sau hơn 5 tháng triển khai, bất chấp tổn thất trên nhiều mặt trận.

5 lý do Nga chưa chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine - 1

Lực lượng Nga tiếp quản nhà máy ở Mariupol, Ukraine (Ảnh: Reuters).

Mỹ và các nước phương Tây đã tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine với hy vọng sẽ đảo chiều cuộc xung đột theo hướng có lợi cho Kiev và buộc Tổng thống Vladimir Putin dừng chiến dịch quân sự. Ukraine và phương Tây cho rằng Nga cũng phải hứng chịu những tổn thất nặng nề sau 5 tháng triển khai chiến dịch.

Con số thương vong gần đây nhất của quân đội Nga được Moscow công bố vào ngày 25/3. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga nói rằng 1.351 binh sĩ đã thiệt mạng và 3.825 người bị thương trong cuộc xung đột tại Ukraine. 

Tuy nhiên, các nhà quan sát Ukraine và phương Tây cho rằng con số thực tế cao hơn so với dữ liệu do phía Nga công bố. Tổng thống Ukraine hồi tháng 6 cho biết hơn 30.000 quân nhân Nga đã thiệt mạng. 

Tuy nhiên, Nga cho đến nay vẫn chưa kết thúc cuộc xung đột tại Ukraine vì một số lý do.

Lý do thứ nhất, Nga tin rằng chiến dịch quân sự đang bước vào giai đoạn quan trọng cả ở trong và ngoài chiến trường, sau khi Nga kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine. Các lực lượng Nga đã kiểm soát hoàn toàn thành phố chiến lược Severodonetsk vào cuối tháng 6. Hôm 3/7, Nga tiếp tục kiểm soát thành phố Lysychansk ở vùng Donbass, thiết lập quyền kiểm soát hoàn toàn vùng trung tâm công nghiệp của Ukraine, nơi có các nhà máy sắt thép với trữ lượng than và khoáng sản chất lượng cao.

Sau khi thiết lập xong hành lang trên bộ nối bán đảo Crimea, khu vực Nga sáp nhập vào năm 2014, với đất liền Nga, Moscow đang tìm cách kiểm soát các cảng biển của Ukraine. Trước khi điều kiện tác chiến gặp bất lợi do thời tiết xấu sau 3 tháng tới, Nga có thể đạt được nhiều lợi ích chiến lược hơn trong các cuộc giao tranh với Ukraine.

Lý do thứ 2, Tổng thống Putin tin rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế đã phản tác dụng và tác động ngược trở lại phương Tây, nơi đang phải đối mặt với giá dầu và khí đốt tăng vọt cũng như tình trạng thiếu lương thực.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có của phương Tây đối với Nga không những không phá hủy nền kinh tế Nga mà còn tăng cường sức mạnh cho Moscow. Doanh thu từ dầu mỏ của Nga tăng vọt, trong khi đồng rúp mạnh nhất trong 7 năm, cho phép Nga tiếp tục hỗ trợ tài chính cho chiến dịch quân sự.

Nền kinh tế Đức đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ, kéo theo phần còn lại của châu Âu suy thoái, khi phải hạn chế sử dụng khí đốt tự nhiên do Nga cắt giảm dòng chảy. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ cũng gần như rơi vào suy thoái.

Lý do thứ 3, Nga nhận thấy tâm lý mệt mỏi vì cuộc chiến ở Ukraine đang bắt đầu nhen nhóm trong nội bộ phương Tây, bất chấp việc Mỹ và các nước châu Âu vẫn công khai ủng hộ Kiev. Các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đang mất niềm tin vào khả năng giành chiến thắng của Ukraine và đang thảo luận về khả năng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải nhượng bộ lãnh thổ cho Nga.

Lý do thứ 4, châu Âu đang phải đối mặt với bài toán năng lượng khó khăn và Nga có thể đánh vào điểm yếu này để gây sức ép với châu Âu.

Khi mùa đông tới gần và Tây Âu bắt đầu cảm nhận thời tiết lạnh, sự ủng hộ của châu lục này dành cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga cũng sẽ giảm dần. Việc Nga cắt giảm khí đốt có thể khiến các nhà lãnh đạo châu Âu từ bỏ lập trường ủng hộ Ukraine. Trong khi đó, Mỹ cũng tập trung vào cuộc bầu cử giữa kỳ và giảm bớt sự ưu tiên dành cho chiến sự ở Ukraine.

Lý do thứ 5, kết quả của cuộc xung đột ở Ukraine là vấn đề mang tính sống còn đối với Nga. Tổng thống Putin tuyên bố Ukraine là "lằn ranh đỏ" đối với sự mở rộng của NATO vì Nga luôn coi Kiev là một phần trong vành đai an ninh chiến lược.

Bạn đang đọc bài viết "5 lý do Nga chưa chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).