An Giáp Vương quảng cáo “quá đà”, “nổ” công dụng

24/02/2022 09:25

Mặc dù chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe song sản phẩm An Giáp Vương lại đang được “quảng cáo quá đà”, “nổ” công dụng y như thuốc điều trị các bệnh lý về tuyến giáp, có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về Luật Quảng cáo.

Ngang nhiên quảng cáo như thuốc điều trị

Pháp luật đã có những quy định rõ ràng về việc quảng cáo các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Nhưng vì lợi ích, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn dùng đủ chiêu trò gian dối quảng cáo, “tung hô” các loại thực phẩm chức năng như “thần dược”.

Đáng nói, thông qua hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) trên internet, môi trường mạng và phản ánh của báo chí. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tiếp xử phạt hàng loạt công ty thực phẩm chức năng vi phạm. Nhưng nạn thổi phồng công dụng các loại TPBVSK vẫn tồn tại.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, thực phẩm bảo vệ sức khỏe An Giáp Vương - do Công ty TNHH Dược Mộc Khang (có địa chỉ tại số nhà 24, ngách 30, ngõ 155 Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm - là quảng cáo không đúng bản chất, vi phạm quy định của pháp luật về Luật Quảng cáo tại nhiều website cùng các trang mạng xã hội.

Cụ thể, tại website angiapvuong... sản phẩm An Giáp Vương mặc dù chỉ là TPBVSK nhưng lại đang được “nổ” với công dụng điều trị dứt điểm bệnh tuyến giáp giống một loại thuốc đặc trị. Phóng đại sự thật hơn nữa, sản phẩm này còn được quảng cáo như “thần dược” có khả năng chữa dứt điểm bệnh tuyến giáp ngay tại nhà mà chẳng cần trải qua phẫu thuật.

Website này dùng các từ “điều trị” để quảng cáo cho TPBVSK An Giáp Vương.

Để lôi kéo khách hàng, sản phẩm này còn được cố tình thổi phồng công dụng với nhiều nội dung: Làm teo u, đào thải nhân u ra ngoài, cắt nguồn nuôi u; tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, không cần mổ; điều hòa hàm lượng hormone tuyến giáp nhanh, giảm viêm sưng, ổn định khối u tuyến giáp, phục hồi chức năng tuyến giáp...

Không chỉ thổi phồng công dụng của các thành phần dược liệu có trong thuốc, các trang web bán hàng còn ngang nhiên gọi TPBVSK An Giáp Vương là “thuốc”.

Ngang nhiên gọi TPBVSK là “thuốc”.

Trong khi, luật quảng cáo quy định nghiêm cấm các đơn vị quảng cáo TPBVSK có thể gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc chữa bệnh hoặc dùng từ “chấm dứt”, “chữa khỏi”, “đẩy lùi”, “xóa tan”, “giải quyết dứt khoát”, “điều trị”, “thoát khỏi”...

Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông luật: “Việc quảng cáo các loại TPBVSK với hứa hẹn "chữa khỏi", là "giải pháp hoàn hảo", "vĩnh biệt căn bệnh", "điều trị tận gốc bệnh"... mà chưa được kiểm chứng về chất lượng, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép quảng cáo là vi phạm pháp luật.

 

 

Người dùng cẩn trọng “sập bẫy” với những quảng cáo “nổ” công dụng của An Giáp Vương.

Bên cạnh các website, tại một số fanpage hoạt động công khai, An Giáp Vương còn có những công dụng có thể khiến ngành y học thế giới phải “ngả mũ thán phục”.

 

 

Fanpage này quảng cáo “thần thánh” hoá công dụng của sản phẩm An Giáp Vương, lừa dối người tiêu dùng.

Cũng giống như những loại TPBVSK trá hình là thuốc chữa bệnh khác, “công thức” quảng cáo của An Giáp Vương cũng được gắn với một loạt hình ảnh các bác sĩ và người tiêu dùng khắp các nơi để đánh giá công dụng sản phẩm, tạo niềm tin cho những người khác. Trong khi, Luật Quảng cáo nghiêm cấm sử dụng hình ảnh thầy thuốc, bác sĩ để quảng cáo cho sản phẩm thực phẩm chức năng.

 

Các trang web thường sử dụng những video khách hàng với những nội dung được “thần thánh hóa” công dụng.

Sai phạm... có hệ thống?

Ngoài những nội dung có dấu hiệu vi phạm Luật Quảng cáo nêu trên, sản phẩm An Giáp Vương còn được các đơn vị kinh doanh quảng cáo dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần.

 

Hành vi quảng cáo sản phẩm TPBVSK dưới dạng liệt kê thành phần.

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết: Nghị định 158/2013/NĐ-CP và Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi thì quy định mức phạt đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo TPCN dưới dạng liệt kê công dụng từng thành phần của sản phẩm là từ 20 - 30 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo luật sư Diệp Năng Bình, mức xử phạt hiện tại đối với các hành vi lạm dụng quảng cáo để trục lợi như vậy là chưa đủ sức răn đe. Các sản phẩm vẫn được rao bán tràn lan như hiện tại là hệ quả của việc cơ quan chức quản lý còn lỏng lẻo.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên sản phẩm An Giáp Vương của Công ty TNHH MTV Dược Mộc Khang bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo. Trước đó, đầu tháng 12/2021, Cục đã phát cảnh báo đơn vị này trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, hoạt động quảng cáo “nổ” công dụng của loại sản phẩm này vẫn tràn lan khắp các trang mạng.

Câu hỏi đặt ra là, liệu rằng các website vi phạm kể trên có phải thuộc Công ty TNHH MTV Dược Mộc Khang hay không? Nếu đúng thì phải chăng công ty đang cố tình phớt lờ cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm, bất chấp quy định pháp luật và sức khỏe của người tiêu dùng?

Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng xác minh và xử lý, người tiêu dùng nên cẩn trọng, tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, công dụng trước khi chi tiền mua sản phẩm TPBVSK để đảm bảo quyền lợi cho chính bản thân và tránh “tiền mất tật mang”.


Theo Cục An toàn thực phẩm, hiện nay, việc quảng cáo, bán TPBVSK qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng rất phổ biến. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật. Nhiều trường hợp sản phẩm không có địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định, khách đặt hàng được người giao hàng đưa hàng và thu hộ tiền cho người bán, không có hóa đơn bán hàng, do vậy, không rõ nguồn gốc sản phẩm để có thể truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm không đúng như quảng cáo.

Bạn đang đọc bài viết "An Giáp Vương quảng cáo “quá đà”, “nổ” công dụng" tại chuyên mục Tiêu Dùng. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).