Nếu áp giá sàn vé máy bay sẽ tước bỏ cơ hội đi máy bay giá rẻ của người dân. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nhiều hành khách bày tỏ lo ngại rằng nếu áp giá sàn vé bay sẽ không còn giá vé 0 đồng hay vài chục nghìn đồng như các hãng hàng không thường xuyên công bố khuyến mãi như trước. Và như vậy, cơ hội được bay của nhiều hành khách, nhất là công nhân lao động đi làm việc xa quê mỗi dịp Tết đến lại trở nên xa vời...
Sẽ chỉ là tạm thời?
Quê tận Vĩnh Phúc nhưng vào Đồng Nai làm công nhân, chị Phạm Thị Hương nhớ lại những năm trước kia, để sắm được chiếc vé bay Tết là cả một gánh nặng chi phí, thậm chí bỏ cả gần tháng lương mới sở hữu trên tay được vé về quê.
“Vài năm gần đây, hành khách mua vé xa ngày khởi hành và khung giờ khuya sẽ có giá tốt hơn. Vé bay giá rẻ đã tạo cơ hội cho người lao động nghèo về quê ăn Tết, hay gia đình có những kỳ du lịch Hè. Mua vé máy bay cũng tương tự như nhu cầu chọn phân khúc khách sạn 2-3 sao hay 5 sao để du lịch. Vì thế, nếu áp chung giá sàn cho các hãng là không hợp lý," chị Hương chia sẻ.
Thế nhưng, với dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa mà Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ Giao thông Vận tải thì chị Hương cũng như nhiều hành khách đi máy bay sẽ không có cơ hội được mua vé rẻ nữa, bởi các quy định mới về giá sàn.
Theo đó, dự thảo Thông tư này đưa ra quy định áp mức giá sàn vé máy bay tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định và thời gian áp dụng là 12 tháng (từ 1/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021) đến khi thị trường hàng không nội địa phục hồi.
Với đường bay dưới 500km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế, xã hội là là 320.000 đồng/vé/chiều, tối đa là 1,6 triệu đồng vé/chiều. Nhóm đường bay khác dưới 500km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng.
Với đường bay từ 500-850km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng. Đường bay từ 850km-dưới 1.000km, mức giá tương ứng là 560.000 đồng và tối đa 2,79 triệu đồng. Đường bay từ 1.280km trở lên, mức giá tối thiểu là 750.000 đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam lý giải việc đề xuất áp giá sàn vé máy bay như một chính sách áp dụng mang tính khẩn cấp, tạm thời nhằm giải quyết các khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Khung giá trên sát với thực tế về mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không Việt Nam; xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt (ghế ngồi mềm điều hòa) và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ.
Thế nhưng, chính lãnh đạo Cục Hàng không cũng thừa nhận chính sách này còn tồn tại bất cập, hạn chế cơ bản và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cụ thể, chính sách này gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa các hãng hàng không, hạn chế tính cạnh tranh trong thị trường kinh doanh vận chuyển hàng không nội địa do với cùng một mức giá tối thiểu. Người tiêu dùng sẽ có xu hướng lựa chọn hãng hàng không có điều kiện dịch vụ tối ưu hơn, làm hạn chế khả năng tiếp cận của một bộ phận người tiêu dùng khi đi máy bay, gây cản trở cho nỗ lực kích cầu của các hãng hàng không...
Cửa hẹp cho du lịch giá rẻ và hãng bay mới
Đây không phải lần đầu tiên đề xuất áp giá sàn được nhắc đến, trước đây, Vietnam Airlines cũng đã đề xuất áp giá sàn vé máy bay và gặp phải sự phản ứng dữ dội từ các hãng bay khác bởi những thương hiệu tồn tại lâu năm trên thị trường tạo được danh tiếng chắc chắn luôn là sự ưu tiên của người dùng khi có nhu cầu dịch vụ. Và như vậy, cơ hội cho các hãng hàng không mới ra đời sẽ là cánh cửa hẹp.
Hiện tại, ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam đã khiến thị trường du lịch cả nội địa, quốc tế đều đã về số không. Khi được mở lại, các doanh nghiệp du lịch cần phải kích cầu mạnh bằng nhiều gói du lịch giá rẻ để thu hút hành khách. Trong khi đó, nếu áp giá sàn vé máy bay sẽ làm mất đi thị trường du lịch giá rẻ.
Nhiều đơn vị lữ hành du lịch cũng bày tỏ sự lo lắng tới triển vọng hồi phục của ngành du lịch là rất thấp nếu áp giá sàn vé máy bay. Các doanh nghiệp này kỳ vọng khi dịch được kiểm soát tốt có thể sớm kích cầu trở lại và kích thích nhu cầu đi lại bằng đường hàng không... Do đó, việc áp giá sàn vé máy bay có thể hạn chế nhu cầu đi máy bay của người dân.
Hành khách sẽ ít có cơ hội mua vé máy bay giá rẻ hay vé khuyến mãi 0 đồng của các hãng bay. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Theo ông Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ngành hàng không và du lịch đang có nhiều kế hoạch kích cầu du lịch, kích cầu đi máy bay thì việc áp giá sàn vé máy bay sẽ khó thu hút được hành khách.
“Việc áp giá sàn vé máy bay sẽ tước bỏ cơ hội đi máy bay giá rẻ của người dân. Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan quản lý Nhà nước cần đánh giá kỹ lưỡng đề xuất việc áp giá sàn vé máy bay ai là người được hưởng lợi, liệu có còn sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường? Mỗi hãng hàng không đều có kế hoạch, chiến lược phát triển hoạt động kinh doanh riêng biệt, nên việc áp giá sàn sẽ thực hiện thế nào cho công bằng?,” ông Tống băn khoăn.
Các chuyên gia cho rằng thị trường hàng không Việt Nam đã phát triển đủ mạnh để có thể vận hành với sự cạnh tranh lành mạnh. Các hãng hàng không đều đang tự xoay xở để cứu mình bằng cách tiết giảm chi phí và chuyển đổi sang vận tải hàng hóa đồng thời mong muốn có sự hỗ trợ từ Chính phủ. Nếu áp giá sàn vé máy bay như đề xuất, hành khách sẽ mất đi các cơ hội được bay giá rẻ.
Liên quan tới đề xuất trên, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đây là vấn đề có tính tác động rất lớn, nên quan điểm của bộ là hết sức cẩn trọng, khách quan, có sự tính toán khoa học. Bộ đang chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu và đưa ra nhiều kịch bản khác nhau, xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia và người dân để xem xét, quyết định./.