Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có thể mạnh lên thành bão

29/06/2022 14:54

Hồi 1h ngày 29/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 116,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 500km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, hồi 1h ngày 29/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 116,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 500km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và có xu hướng mạnh thêm. Đến 01 giờ ngày 30/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 115,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 420km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 15,0 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 113,5 đến 117,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 

1-1656477156.gifVị trí áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 01 giờ ngày 01/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 114,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 370km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông trong 24-48 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 16,0 đến 20,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 112,0 đến 117,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên ở vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao từ 2,0-4,0m; biển động. Trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) gió Tây Nam mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2,0-3,0m; biển động.

Bộ Công an ra công văn "khẩn" chủ động ứng phó

Ngày 28/6, Văn phòng Bộ Công an có Công điện gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (Ban Chỉ huy ƯPT) các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Truyền thông CAND; Cục Trang bị và kho vận; Ban Chỉ huy ƯPT Công an các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa về việc chủ động ứng phó với diễn biến vùng áp thấp trên Biển Đông.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do vùng áp thấp có khả năng mạnh lên, Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA) đề nghị Ban Chỉ huy ƯPT Công an các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai, trong đó tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó thiên tai.

Theo dõi sát diễn biến của vùng áp thấp để triển khai các phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện và điều kiện ứng phó, bảo đảm phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu của lực lượng CAND trên mặt trận phòng, chống thiên tai. Đảm bảo ANTT tại các địa phương, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra thiên tai.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương.

Chủ động các phương án phòng, chống thiên tai trong cơ quan, đơn vị Công an; bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng CAND.

Kịp thời thông tin về hình ảnh, hoạt động của lực lượng CAND trong phòng, chống thiên tai. Tổ chức tốt công tác trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Văn phòng Bộ (SĐT: 069.2341042, 0913.555.323; Fax: 069.2341044).

Bạn đang đọc bài viết "Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có thể mạnh lên thành bão" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).