Biến động bất ngờ của cổ phiếu IBC từ đầu tháng 2 đến nay.
Sau khi bà Vũ Cẩm La Hương thôi làm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings (mã IBC - HOSE), bố mẹ chồng bà Hương ngay lập tức đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu tại doanh nghiệp này.
Mới đây, bố chồng bà Vũ Cẩm La Hương là ông Trần Quốc Phổ đã đăng ký bán ra toàn bộ 10.656 cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 0,013%. Mẹ chồng bà Vũ Cẩm La Hương là bà Trần Thị Lưu cũng đăng ký bán ra toàn bộ 21.756 cổ phiếu. Thời gian thực hiện từ ngày 12/3/2021 đến ngày 10/4/2021.
Động thái bán cổ phiếu diễn ra ngay sau khi bà Vũ Cẩm La Hương đã có đơn từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc và được HĐQT thông qua. Bà Hương đồng thời không còn là đại diện phần vốn góp tại các công ty con của Apax Holdings, không còn là người đại diện theo pháp luật của công ty như trước đây. Thay cho vị trí của bà Hương là ông Travis Richard Stewart, sinh năm 1978, quốc tịch Canada.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu IBC đã có chuỗi tăng giá liên tiếp kể từ ngày 1/2/2021 khi có báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2020. Đến nay IBC đang được giao dịch xung quanh mức 23.000 đồng/cổ phiếu, tăng 15% so với thời điểm đầu tháng 2. Nếu tính theo giá thị trường ở thời điểm này, bố mẹ chồng bà Hương có thể thu về 745 triệu đồng. Giao dịch này mục đích “lấy tiền đi khám chữa bệnh” của bố mẹ chồng bà Hương.
Cũng trong giai đoạn giá cổ phiếu tăng liên tục, ông Quách Mạnh Hào - thành viên HĐQT đã bán 450.000 cổ phiếu trên 1.000.000 cổ phiếu đã đăng ký. Qua đó, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 660.000 cổ phiếu (chiếm 0,8%) theo phương thức khớp lệnh, từ ngày 18/2-1/3/2021. Ngay sau đó, ông Hào tiếp tục đăng ký bán ra tiếp 550.000 cổ phiếu, thời gian thực hiện từ ngày 5/3 đến 3/4/2021. Nếu bán thành công lô này, ông Hào chỉ còn lại 110.000 cổ phiếu, tỷ lệ 0,135%.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup (công ty mẹ của IBC) từ đầu năm nay cũng liên tiếp bán ra cổ phiếu, hạ tỷ lệ sở hữu từ 67% xuống còn 60,8%.
Giá cổ phiếu IBC tăng liên tục thời gian gần đây có thể do tâm lý nhà đầu tư kỳ vọng vào bức tranh tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp. Bất chấp dịch bệnh khiến việc học tập (chủ yếu là dạy tiếng anh và mẫu giáo) bị giãn đoạn trong thời gian dài, doanh thu năm 2020 của Apax Holdings vẫn tăng trưởng khá tốt, đạt 1.952 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2019. Song, giá vốn tăng cao đã kéo lợi nhuận gộp của công ty xuống còn 720 tỷ đồng, giảm 7,2% so với năm ngoái. Nhờ doanh thu tài chính tăng IBC vẫn lãi thuần 115 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2019.
Đáng chú ý, trong khoản mục doanh thu hoạt động tài chính của Apax Holdings có ghi nhận 42,6 tỷ đồng là "Lãi dự thu khoản đặt cọc với ông Nguyễn Ngọc Thủy" (ông Nguyễn Ngọc Thủy - hay còn được biết đến với tên gọi Shark Thủy, là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Apax Holdings). Trước đó tháng 1/2020, Apax Hodings đã đặt cọc mua 5,8 triệu cổ phần Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax của ông Nguyễn Ngọc Thuỷ. Trên thực tế, phần lãi dự thu từ khoản này, dù chưa thu được, Apax Holdings vẫn đưa vào lợi nhuận thu về của công ty.
Một chi tiết đáng lưu ý khác là trong báo cáo tài chính của Apax Holdings khoản mục "chi phí lãi vay" được ghi nhận là 13,7 tỷ đồng, giảm 66% so với năm 2019. Tuy nhiên, trong phần thuyết minh, "chi phí lãi vay" lại được ghi nhận tới hơn 58,6 tỷ đồng, một con số chênh lệch khá lớn.
Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Apax Holdings đạt 3.303 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2019. Tuy vậy, mức tăng này chủ yếu đến từ mức tăng ở các khoản phải thu của doanh nghiệp, trong khi tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh từ 530 tỷ năm 2019 xuống còn 203 tỷ trong năm 2020.
Cụ thể, các khoản phải thu của IBC tính đến cuối năm 2020 là 1.174 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với cuối năm 2019. Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng 29,7 tỷ đồng, trả trước cho người bán 126,6 tỷ đồng. Còn lại 833 tỷ đồng chủ yếu là các khoản đặt cọc cho các dự án như Tổ hợp công trình hỗn hợp thương mại dịch vụ, văn phòng, nhà ở, nhà trẻ và trường học; đặt cọc mua cổ phần của Công ty CP Anh ngữ Apax; đặt cọc thi công thiết kế nội thất… Đối với một số công trình như dự án trường học tại 423 Minh Khai hay dự án thi công thiết kế nội thất tiến độ hoàn thành là cuối năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa xong.
Vốn bị kẹt ở các dự án, khách hàng, trong khi kinh doanh gặp khó đã khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Apax Holdings âm 736 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần trong năm âm 327 tỷ đồng.
Để có tiền hoạt động kinh doanh, Apax Holdings tiếp tục vay nợ. Kết thúc năm 2020, tổng nợ phải trả của Apax Holdings là 2.245 tỷ đồng, tăng 13,7%, gấp đôi vốn chủ sở hữu. Trong đó, riêng vay nợ tài chính đã lên đến 1.081 tỷ đồng, tăng 70% so với con số đầu năm. Chủ nợ lớn của IBC như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Xuân cho vay 681 tỷ đồng, còn lại là các ngân hàng khác như Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered 18,2 tỷ…
Trong năm 2020, IBC cũng đã phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất huy động lên đến 12,5%/năm. Tổng nợ vay qua trái phiếu của doanh nghiệp này lên đến 403 tỷ đồng tính đến cuối năm 2020. Mới đây, ngay sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, Apax Holdings đã công bố phát hành 2 triệu trái phiếu (tương đương 200 tỷ đồng) để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.