BaF Việt Nam và 'ma trận phải thu - phải trả' trong hệ sinh thái Tân Long Group

10/10/2021 08:42

Trong năm 2021, tài sản của BaF Việt Nam tăng 33% lên mức 7.000 tỷ đồng, tuy nhiên đơn vị này cũng đang đối diện với nhiều vấn đề ở các khoản phải thu-phải trả.

Như đã thông tin, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 78 triệu cổ phiếu của CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam, vốn điều lệ tương ứng là 780 tỷ đồng.

BAF Việt Nam (BaF) được thành lập năm 2017, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến và cung ứng thực phẩm sạch, hướng đến mục tiêu xây dựng mô hình chuỗi khép kín từ nguyên liệu thô, nhà máy cung cấp cám, trang trại chăn nuôi, nhà máy giết mổ và chế biến thức ăn – mô hình 3F (Farm-Food-Feed). Công ty này được biết tới là một thành viên của Tân Long Group do ông Trương Sỹ Bá làm Chủ tịch.

Trong nửa đầu năm 2021, kết quả kinh doanh của BAF Việt Nam tăng đột biến so với cùng kỳ, với khoản lợi nhuận hơn 200 tỷ đồng. Năm 2019, BAF Việt Nam ghi nhận khoản vay ngân hàng tới hơn 1.800 tỷ đồng nhưng đã được trả hết vào cuối năm 2020.

Báo cáo tài chính cũng hoạt động kinh doanh của các đơn vị trong hệ sinh thái của Tân Long Group cho thấy, giữa các đơn vị thành viên có những hợp đồng giao dịch, các khoản phải thu-phải trả, các hợp đồng ghi nợ được bảo lãnh từ một ngân hàng thân thiết… tất cả tạo ra một chuối mối quan hệ chằng chịt.

Tính đến cuối tháng 6/2021, tổng tài sản của BaF Việt Nam đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm.

Cụ thể, hàng tồn kho giá trị 1.233 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn, ghi nhận hơn 4.626 tỷ đồng, chiếm 66% tổng tài sản. Tài sản cố định của BAF là 398 tỷ đồng, tức là chỉ hơn 5% tổng tài sản.

Điểm đặc biệt trong các khoản thu ngắn hạn của BaF đều đến từ các đơn vị nằm trong hệ sinh thái của Tân Long Group. Các đơn vị cụ thể như: CTCP Tập đoàn Tân Long (645 tỷ đồng), Công ty TNHH Thương mại và Phát triển dịch vụ Sơn La (567 tỷ đồng), Công ty TNHH Dịch vụ Thượng mại XNK Tân Thành Nam (430 tỷ đồng, Công ty TNHH ĐT Kinh doanh Nhật Tân (362 tỷ đồng), Công ty TNHH Nông nghiệp T&T (278 tỷ đồng)…

Ngoài các khoản phải thu ngắn hạng thì BaF Việt Nam cũng đang đối diện với khoảng 5.800 tỷ đồng phải trả trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, cũng rất bất ngờ là những đối tác mà BaF Việt Nam phải trả trong ngắn hạn cũng là các thành viên liên quan Tân Long Group cụ thể như: CTCP Kinh doanh thương mại Thịnh Phát hơn 954 tỷ đồng, CTCP CBOT Việt Nam 545 tỷ đồng, Công ty Nông nghiệp Bờ Biển Ngà hơn 552 tỷ đồng, Công ty TNHH SXTM DV Sơn Hưng gần 494 tỷ đồng, CTCP Nông Sản MOGB Quốc Tế hơn 410 tỷ đồng, CTCP Nông Nghiệp An Điền là 369 tỷ đồng …

Bạn đang đọc bài viết "BaF Việt Nam và 'ma trận phải thu - phải trả' trong hệ sinh thái Tân Long Group" tại chuyên mục Doanh Nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).