Hơn 3 năm kể từ ngày sai phạm tại khu đô thị Thanh Hà của Tập đoàn Mường Thanh được “bóc tách” trên giới truyền thông cùng sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đến nay, những sai phạm đó vẫn đang nằm trên giấy thông qua cáo trạng cụ thể. Sự mỏi mòn chờ đợi của người mua nhà, mua đất tìm kiếm một lời giải đáp cuối cùng vẫn chìm trong vô vọng. "Virus sai phạm" chồng sai phạm vẫn chưa có bất kỳ một "liều vaccine" nào được đưa ra để ngăn chặn và giải quyết.
Khi nói về sai phạm của khu đô thị Thanh Hà, một chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn nói: “Đây là những sai phạm nghiêm trọng, vi phạm các quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí cực kỳ lớn”. Vị chuyên gia này nhấn mạnh, sai phạm của dự án quy mô lớn trên địa bàn Hà Nội cho thấy cơ quan chức năng đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Vụ việc không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn tạo ra sự không công bằng, mất lòng tin của người dân vào các cấp quản lý.
Trong cuộc thanh tra, tổng rà soát các dự án bất động sản những năm qua, sai phạm khu đô thị Thanh Hà là một trong những vụ việc gây chấn động dư luận bởi các sai phạm lớn, chồng lấn và phức tạp. Vấn đề kì lạ là, giữa Thủ đô, một dự án rộng tới hơn 416 ha lại có thể vướng vào sai phạm cơ bản và mấu chốt.
“Không cấp phép xây dựng” nhưng công trình vẫn "lù lù" mọc lên. “Xây dựng sai quy hoạch” nhưng nhà vẫn nối nhà vươn cao hơn nữa. Phải đến khi báo chí phanh phui, khi dư luận xôn xao thì tất cả mới “bung” ra. Lúc đó, chính quyền mới “mạnh mẽ” bắt đầu vào cuộc, nhanh chóng xử lý các công trình chưa giấy phép. Khi ấy, sai phạm bắt đầu vạch ra rõ ràng, khách hàng "ngã ngửa" vì mua phải nhà, đất không pháp lý.
Một sai phạm có hệ thống được hình thành. Bởi không bỗng dưng một khu đô thị được mọc lên giữa quỹ đất rộng lớn đến như vậy. Không bỗng dưng, một doanh nghiệp bất động sản có thể "một tay che cả bầu trời", xây dựng các công trình lớn, rầm rộ quảng cáo và đón khách đến tham dự. Không bỗng dưng, người mua nhà vẫn nườm nượp đến thanh toán, giao dịch. Suy cho cùng, nếu không có sự "bật đèn xanh" của các cán bộ quản lý thì ắt hẳn không thể có nhiều cái bỗng dưng xuất hiện.
Những công trình sừng sững hiên ngang thách thức pháp luật tại dự án KĐT Thanh Hà (Ảnh: Việt Khoa)
Hệ luỵ của dự án sai phạm giữa thủ đô là điều trông thấy rõ ràng. Như bình luận của vị chuyên gia kinh tế nói tới, đó là thất thoát kinh tế, lãng phí tài nguyên đất đai và mất niềm tin của người dân vào xã hội.
Thất thoát về kinh tế, lãng phí tài nguyên đất đai thực tế là điều đo lường rõ ràng nhất ở thời điểm hiện tại. Thiệt hại trước hết thuộc về người dân mua nhà, cho khách hàng mua bất động sản, tiếp đến là chủ đầu tư, chính quyền quản lý.
Với người dân mua nhà, bỏ ra khoản tiền tỷ để sở hữu một căn hộ không có chứng nhận về quyền sở hữu thì vấn đề giao dịch trong tương lai hay xử lý vấn đề liên quan cá nhân như hộ khẩu, hợp đồng điện, nước trở nên hạn chế và nhiều trở ngại. Đối với khách hàng mua đất, bỏ hàng tỷ đồng nhưng họ không thể xây dựng nhà chỉ vì dự án có sai phạm về pháp lý. Đối với chủ đầu tư, thiệt hại về kinh tế còn đến từ khối tài sản bị phá dỡ (điển hình như công viên nước Thanh Hà đã bị cưỡng chế tháo dỡ). Đối với chính quyền, đó còn là chi phí nuôi dưỡng bộ máy nhân sự xử lý các vấn đề sai phạm, thực hiện tiến hành cưỡng chế tháo dỡ…
Nhìn về giá trị của đất đai, khi Hà Nội đang hụt quỹ đất sạch cho phát triển công trình xây dựng như trường học, nhà trẻ… hay nhất là những toà nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp thì giờ đây, nhiều khu đất của khu đô thị Thanh Hà vẫn trong tình trạng hoang hoá, không bóng người. Đó là lãng phí nghiêm trọng. Nếu như sai phạm của khu đô thị Thanh Hà chưa tìm ra hướng giải quyết, tiếp tục kéo dài thì lãng phí càng chồng lãng phí bởi tấc đất như tấc vàng.
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng phân tích, một dự án sai phạm còn ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh và đầu tư. Luật sư Tùng đưa ra một ví dụ minh hoạ, dự án mọc lên nhưng công trình chưa hoàn thiện về pháp lý, quy hoạch đô thị khu vực bị làm ảnh hưởng. Trong quy hoạch, một khu đô thị được quy định lượng dân cư dự kiến nhưng lại không đi vào hoàn thiện, thì dự án bên cạnh sẽ bị ảnh hưởng. “Dự án A được quy hoạch 15.000 dân cư và công trình được quy hoạch dựa theo số dân. Dự án A bị tắc thì khi dự án B cấp phép và quy hoạch thì buộc lượng dân cư bị điều chỉnh, kéo theo quy mô sử dụng các quỹ đất thay đổi”.
Mặt khác, luật sư Tùng chỉ ra, sự tắc nghẽn của quỹ đất lớn tại dự án còn ảnh hưởng tới kế hoạch sử dụng đất. Vô hình chung, thủ tục đất đai phải xin trình duyệt lại từ đầu. Mỗi thủ tục nhỏ sẽ gây lãng phí thời gian, công sức, vừa tốn kém tiền bạc.
Đánh giá hệ luỵ của sai phạm dự án, các chuyên gia còn cho rằng, nếu như thiệt hại kinh tế còn có thể đo lường bằng tiền thì giá trị văn hoá, xã hội lại mang đến ảnh hưởng lâu dài. Đó là sự suy thoái của một số cán bộ, xâm phạm tới giá trị đạo đức và về lâu dài kéo theo sự đi xuống của chất lượng sống và làm việc của một số cơ quan ban ngành.
Nhìn từ góc độ của bộ phận quản lý, nếu như không có động thái “bật đèn xanh” từ một bộ phận công viên chức thì dĩ nhiên không có sai phạm xảy ra quá lớn và để lại hệ quả nghiêm trọng đến như vậy.
Theo luật phòng chống tham nhũng 2018, một số hành vi khác cũng tác động đến làm thất thoát, lãng phí ngân sách mặc dù có thể không tác động trực tiếp hoặc không hoàn toàn làm thất thoát tiền trong ngân sách có thể kể tới như: lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì trục lợi....
Sự biến chất của cán bộ quản lý, lợi dụng chức quyền, lách luật không chỉ làm mất niềm tin của người dân, của nhà đầu tư mà còn làm sụt giảm uy tín, chất lượng môi trường kinh doanh khu vực.
Sai phạm lớn trở thành “ung nhọt”. Nếu không có "liều thuốc kháng sinh" kịp thời, không xử lý dứt điểm, tất yếu của căn bệnh này sẽ là “nhờn thuốc”. Như sai phạm của dự án bất động sản, nếu không xử lý làm gương, chặt đứt mọi gốc rễ sai phạm thì "tất lẽ dĩ ngẫu" là sự “nhờn” pháp luật của dự án khác.
Muốn đưa ra giải pháp thì trước hết phải tìm nguyên nhân gốc rễ của các sai phạm. Theo luật sư Nguyễn Sơn Tùng, đã có thời kỳ phát triển nóng, những dự án ra đời không đúng quy trình. Sau đó, các dự án này đành bị buộc phải hợp thức hoá dần khi công trình đã xây dựng, dân về ở. Nhưng hiện tại đã khác. Sai phạm của dự án cần phải xử lý dứt điểm, bởi nếu không hệ luỵ là rất lớn. Chấp nhận dỡ bỏ công trình là phương án để chấn chỉnh lại sự phép tắc của pháp luật.
Luật sư Tùng cho hay, có dự án mọc lên với quy mô lớn hàng trăm ha, được xây dựng nhưng đến khi có sai phạm, cơ quan quản lý địa phương thông báo: “Không nắm được!”. Đó là điều vô lý bởi trách nhiệm quản lý của phường (xã), quận (huyện) phải nắm được tình hình trên địa bàn của mình. Một công trình lớn, dân cư đông, nhưng không biết thì thật khó hiểu. Suy cho cùng, đó là sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.
Trong khi đó, GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ ra 1 công thức chung của dự án bất động sản sai phạm. Đầu tiên là hệ thống pháp luật đất đai còn nhiều khoảng trống, làm cho việc quản lý đất đai và tài sản gắn liền thuộc phạm vi công sản không chặt chẽ, dễ gây thất thoát.
Tiếp đến là thể chế quản lý về đất đai chưa phù hợp cơ chế thị trường. Thứ ba là việc tuyển dụng cũng chưa thực sự lựa chọn được các cán bộ có đủ năng lực chuyên môn và đạo đức tốt. Đây là nguyên nhân chính làm cho tài sản công bị lợi ích nhóm chi phối thành lợi ích riêng.
Thế nên, theo GS. Đặng Hùng Võ, cần sửa đổi pháp luật đất đai sao cho thật chuyên nghiệp; đổi mới thể chế và tổ chức quản lý đất đai sao cho tạo được hiệu quả cao về quản lý, sử dụng; tuyển dụng cán bộ quản lý sao cho thực sự chí công, vô tư. Ngoài ra, Nhà nước phải mở cửa cho người dân tham gia giám sát bởi mọi ngóc ngách đều có mặt người dân. Việc mở cửa tiếp nhận ý kiến giám sát của người dân thì tự khắc người dân sẽ tham gia giám sát và sẽ phát hiện những sai phạm.
Liên quan đến dự án Khu đô thị Thanh Hà, vấn đề xử lý dứt điểm sai phạm cần phải được đặt ra mốc cụ thể bởi càng để lâu, thì hệ luỵ càng lớn.
Sai phạm đã được cơ quan chức năng chỉ ra thì vấn đề xử phạt doanh nghiệp là điều hiển nhiên. Nhưng, bên cạnh đó, sai phạm có hệ thống từ một bộ phận cơ quan quản lý Nhà nước cần được răn đe, và chỉ rõ. Đó không chỉ là trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý cấp phường mà còn đến từ trách nhiệm của các cơ quản quản lý cấp trên. Rõ ràng, nếu không có sự buông lỏng từ trên thì sẽ không thể có sự "nhởn nhơ" của cấp lãnh đạo phía dưới. Hơn hết, đó còn trách nhiệm trong việc quản lý hệ thống của các cơ quan quản lý cấp trên phường khi một dự án bất động sản quy mô rộng tới hơn 416ha nhưng ngang nhiên sai phạm kéo dài nhiều năm, từ khâu cấp phép tới khi dự án đã bắt đầu hoàn thiện và rao bán. Trách nhiệm đó còn là thời gian thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm của một dự án kéo dài quá lâu, gây ra nhiều hệ luỵ lớn.
Một chuyên gia kinh tế (xin được giấu tên) đã thẳng thắn nói rằng: “Sai phạm này cần xử lý nghiêm, đúng người đúng tội, từ cấp chính quyền quản lý trực tiếp đến cấp chính quyền cao hơn. Vì rõ ràng, nếu anh cấp trên không buông lỏng thì anh cấp dưới không dám chạm vào sai phạm. Anh cấp trên không "bật đèn xanh" chỉ đạo, thì anh cấp dưới không dám mạnh tay xử lý.
Quan trọng nhất vấn đề xử phạt là phải truy xét tận cùng, ai liên đới đều cần đưa ra xử phạt. Không nên để tình trạng xử lý theo phương thức “Thí tốt”, tức cấp dưới bị sai phạm và kỷ luật còn có những người cấp trên ung dung, bình yên vô sự. Hình thức này xuất hiện ở nhiều dự án sai phạm. Theo tôi, đúng người đúng tội cứ nên xử lý thẳng thắn, có như vậy pháp luật mới nghiêm minh”.
Xử lý nghiêm còn là cách để đảm bảo "virus tham nhũng”, “lợi dụng chức vụ và quyền hạn” sẽ bị chặn đứng, không còn lây lan nhanh chóng và để lại nhiều "di chứng" khó chữa.
Như TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia từng trả lời phỏng vấn báo chí liên quan đến các vấn đề sai phạm đất đai rằng: “Nếu như đã có kết luận thanh tra, cần xử lý nghiêm, thậm chí có dấu hiệu vi phạm hình sự, cần chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo đúng quy định”.