Là một doanh nghiệp có ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là vận tải hàng không nhưng Bamboo Airways hiện nay đang đại diện Tập đoàn FLC góp vốn vào hàng loạt dự án bất động sản thuộc nhiều lĩnh vực. Cụ thể:
Dự án cung cấp dịch vụ mặt đất tại ba cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng có tổng mức đầu tư là 2.003,5 tỷ đồng. Trong đó, Bamboo Airways góp 1.045 tỷ, tương ứng với 52,2% tổng vốn đầu tư với thời gian góp 6 năm.
FLC được hưởng lợi nhuận sau thuế từ dự án tương ứng với tỷ lệ đầu tư. Ngoài ra trong thời gian khai thác, FLC được ưu tiên đáp ứng khai thác với mức phí giảm 10% so với thị trường.
Tại dự án Khu nghỉ dưỡng FLC Luxury Resort Vĩnh Phúc, Bamboo Airways đầu tư 450 tỷ đồng trong suốt thời hạn của dự án. FLC sẽ nhận được 90% lợi nhuận trước thuế và lãi vay từ hoạt động vận hành khách sạn của dự án.
Dự án Khu văn hóa đa năng Vĩnh Thịnh An Tường có tổng mức đầu tư 4.927 tỷ đồng. Trong đó, Bamboo Airways góp 1.000 tỷ đồng trong suốt thời hạn của dự án. Tập đoàn FLC nhận lợi nhuận của dự án tương ứng với tỷ lệ góp vốn.
Dự án Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways có tổng mức đầu tư 737 tỷ đồng. Trong đó Bamboo Airways góp 515 tỷ đồng, tức là xấp xỉ 70%. FLC sẽ nhận được lợi nhuận từ dự án tương đương với tỷ lệ góp vốn. Trong thời gian khai thác, Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways sẽ ưu tiên đáp ứng nhu cầu đầu tạo của FLC với mức chiết khấu 20% so với mặt bằng chung của thị trường.
Dự án Khu đô thị chức năng FLC Lux City Quy Nhơn có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng. Trong đó CTCP Đầu tư và Phát triển Bình Định góp 950 tỷ đồng (tức 63,34%). Theo hợp đồng, Bamboo Airways góp 400 tỷ đồng (tương đương 26,67%).
FLC được hưởng 62% lợi nhuận sau thuế mà CTCP Đầu tư và Phát triển Bình Định được hưởng từ hợp đồng hợp tác. Ngoài ra, FLC còn được trả 60% phần vốn góp trước ngày 31/12/2020, phần còn lại được trả khi kết thúc dự án theo giấy chứng nhận đầu tư. Thời gian hoàn trả vốn góp đã được gia hạn đến ngày 30/6/2021.
Tại Dự án FLC Sea Tower Quy Nhơn hợp tác với CTCP Đầu tư và Phát triển Chiềng An, Bamboo Airways góp 400 tỷ đồng với thời hạn 8 năm, tương ứng 55,94% tổng vốn góp của Chiềng An vào dự án trên. FLC sẽ nhận được 55,94% lợi nhuận từ dự án mà Chiềng An được hưởng.
Dự án Xây dựng nhà xưởng cung cấp thức ăn hàng không dự kiến tại Hà Nội có tổng mức đầu tư 553 tỷ đồng. Trong đó Bamboo Airways góp 305 tỷ đồng trong thời gian 6 năm, tương đương 55% tổng mức đầu tư.
FLC sẽ nhận phần chia lợi nhuận sau thuế của dự án tương ứng với tỷ lệ vốn góp. Trong thời gian khai thác, FLC sẽ được ưu tiên đáp ứng nhu cầu khai thác với mức phí giảm 50% so với thị trường.
Dự án Khu du lịch sinh thái Vạn Tường 12 (tỉnh Quảng Ngãi) có tổng mức đầu tư 1.508 tỷ đồng, do chính Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. CTCP Đầu tư và Phát triển Hải Bình góp 1.293 tỷ đồng. Theo hợp đồng góp vốn, Bamboo Airways góp 300 tỷ đồng, tương đương 23% số vốn mà Hải Bình góp vào dự án.
Thời gian hợp tác là 50 năm nhưng không quá thời gian hợp tác kinh doanh của Hải Bình vào dự án.
FLC được hưởng lãi suất 10%/năm cho số tiền đã góp đến lúc dự án đi vào vận hành, khai thác, và 23% lợi nhuận mà Hải Bình nhận được từ dự án khi đi vào khai thác.
Dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí và nhà phố tại TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum có tổng mức đầu tư 1.701 tỷ đồng, do chính Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. CTCP Đầu tư Thương mại Tổng hợp Braha góp 680,4 tỷ đồng, Bamboo Airways góp 300 tỷ đồng.
Thời gian hợp tác là 50 năm nhưng không quá thời gian hợp tác kinh doanh của Braha vào dự án.
FLC được hưởng lãi suất 10%/năm cho số tiền đã góp đến lúc dự án đi vào vận hành, khai thác và 90% lợi nhuận trước thuế và lãi vay của hạng mục khách sạn của dự án khi đi vào khai thác.
Dự án Tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai có tổng mức đầu tư gần 762 tỷ đồng, do chính Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. CTCP Thương mại và Dịch vụ GLA góp xấp xỉ 343 tỷ đồng, Bamboo Airways góp 250 tỷ đồng.
Thời gian hợp tác là 50 năm nhưng không quá thời gian hợp tác kinh doanh của GLA vào dự án. FLC sẽ được hưởng lãi suất 10%/năm cho số tiền đã góp đến lúc dự án đi vào vận hành, khai thác và 69% lợi nhuận trước thuế và lãi vay của hạng mục khách sạn của dự án khi đi vào khai thác.
Tổng cộng, Bamboo Airways phải góp vào 11 dự án nêu trên tổng cộng 4.965 tỷ đồng.
Bamboo Airways là hãng hàng không do Tập đoàn FLC thành lập ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, do FLC đóng góp 100%.
Theo thời gian, số vốn của Bamboo tăng dần lên 1.300 tỷ, 2.200 tỷ, 4.050 tỷ, 7.000 tỷ và gần đây nhất vào ngày 5/2/2021 là lên 10.500 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của FLC tại Bamboo cũng giảm dần theo năm tháng, tại ngày 5/2 vừa qua là 39,4%.
Hiện nay Bamboo Airways là công ty có vốn điều lệ lớn nhất trong nhóm doanh nghiệp liên quan tới Tập đoàn FLC, thậm chí lớn hơn số vốn 7.100 tỷ đồng của chính FLC.
Tuy không còn là công ty mẹ - con do tỷ lệ sở hữu giảm xuống dưới 50% nhưng tính chung cả Tập đoàn FLC và Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết vẫn đang sở hữu tới trên 80% vốn của Bamboo Airways. Vì vậy, về bản chất Bamboo vẫn là của FLC.
Liên quan đến việc đầu tư bất động sản của Tập đoàn FLC, chiều 11/3, UBND tỉnh đã tổ chức buổi làm việc với Tập đoàn FLC để nghe báo cáo về tình hình triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.
Tập đoàn FLC cho biết đang quan tâm đến các dự án: Tổ hợp du lịch sinh thái vui chơi giải trí và sân golf hồ Ea Nhái (huyện Cư M’gar); Khu đô thị sinh thái hồ Ea Tam (TP Buôn Ma Thuột); Khu đô thị mới Tây Tân Lợi (TP Buôn Ma Thuột); Khu đô thị mới đường Đông Tây; Khu đô thị phía Nam đường Đông Tây và Khu đô thị phía Bắc đường Đông Tây.
Trong đó, phương án quy hoạch chi tiết Tổ hợp dự án hồ Ea Nhái thuộc xã Chu Đăng huyện Cư M'gar có diện tích 190 ha gồm sân golf, khu khách sạn resort 5 sao gồm 1.000 phòng, trung tâm hội nghị quốc tế, căn hộ cao cấp khu vui chơi giải trí trung tâm mua sắm, ...
FLC cũng đề xuất tỉnh Đắk Lắk mở rộng ranh giới quy hoạch dự án tại hồ Ea Nhái thành 640 ha, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thẩm định phê duyệt quy hoạch để tiến hành giải phóng mặt bằng. Tập đoàn của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đề nghị tỉnh Đắk Lắk phê duyệt dự án và khởi công trong năm 2021.
Đối với các dự án khác mà Tập đoàn FLC đang khảo sát nghiên cứu đầu tư tại Đắk Lắk, lãnh đạo công ty đề nghị các sở ban ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ chấp thuận chủ trương và phê duyệt dự án để tiến hành trong thời gian sớm nhất.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường cam kết sẽ tạo mọi điều kiện liên quan đến các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị FLC xem xét các yếu tố để sớm thực hiện những dự án đã quan tâm, dự kiến triển khai trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành, địa phương có liên quan cần tập trung hoàn thiện quy hoạch chi tiết các khu vực có dự án mà nhà đầu tư quan tâm, đồng thời lập tiến độ triển khai để đảm bảo kịp thời và đúng thời gian quy định.