Bất thường đà tăng cổ phiếu CFV

14/09/2022 08:55

Thị giá cổ phiếu CFV của Công ty cổ phần Cà phê Thắng Lợi tăng hơn… 10 lần chỉ trong vòng 1 tháng qua, dù doanh nghiệp đang thua lỗ.

Cổ đông nhỏ chỉ nắm chưa đầy 3% vốn của CFV

Cổ đông nhỏ chỉ nắm chưa đầy 3% vốn của CFV

Tính đến hết phiên giao dịch ngày 9/9/2022, cổ phiếu CFV có 18 phiên tăng trần liên tiếp. Đóng cửa phiên cuối tuần qua, thị giá CFV đạt 45.500 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 10,5 lần so với phiên giao dịch 11/8/2022 - phiên cổ phiếu tạo đáy ở mức giá 4.300 đồng/cổ phiếu. Ngay trong mấy phiên cuối tuần, dù thị trường chung điều chỉnh mạnh, cổ phiếu này vẫn giữ được sắc tím.

Thông thường, một cổ phiếu tăng giá mạnh khi kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến, hoặc đến từ kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện nhờ dự án mới, hay có “game” M&A…, nhưng gần đây trên thị trường lại không xuất hiện những thông tin như vậy xung quanh cổ phiếu CFV.

Báo cáo giải trình về việc giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp (từ ngày 23/8 đến 29/8/2022), do ông Đỗ Hoàng Phúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị ký, cũng cho biết, hiện Công ty không có bất kỳ thông tin có lợi liên quan làm ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Thậm chí, Công ty còn có thông tin bất lợi về kết quả kinh doanh. Theo đó, ngày 15/8/2022, Công ty công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 với việc ghi nhận lợi nhuận sau thuế là con số âm.

“Xét theo tình hình thực tế thì Công ty không có căn cứ giải trình liên quan đến việc giá cổ phiếu đã tăng trần 5 phiên liên tiếp”, báo cáo viết.

Báo cáo tài chính bán niên của Cà phê Thắng Lợi cho thấy, trong kỳ, Công ty ghi nhận doanh thu 221 tỷ đồng, nhưng giá vốn hàng bán lên đến 217 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp chỉ còn 4 tỷ đồng. Trừ đi chi phí tài chính (1,6 tỷ đồng), chi phí bán hàng (4,97 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp (3,9 tỷ đồng)…, Công ty lỗ gần 4 tỷ đồng trong nửa đầu năm.

Năm nay, CFV đặt mục tiêu doanh thu đạt 398 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế đạt 4 tỷ đồng, lần lượt tăng 113% và 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Giả sử, Công ty hoàn thành kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao này thì hiệu quả sinh lời trên vốn điều lệ năm 2022 cũng chỉ đạt hơn 3%, tức mỗi cổ phần chỉ cho thu nhập hơn 30 đồng.

Cà phê Thắng Lợi hiện có vốn điều lệ 126,5 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh Đắk Lắk sở hữu 36%, bà Phạm Thị Linh (vợ Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Hoàng Phúc) sở hữu 61,36%. Như vậy, các cổ đông nhỏ lẻ còn lại chỉ nắm 2,64% vốn điều lệ, tương ứng gần 334.000 cổ phiếu. Có lẽ cơ cấu sở hữu cô đặc, cổ phiếu trôi nổi rất ít đã giúp cổ phiếu này dễ dàng tăng trần liên tục trong một tháng qua, mà không bị phía cung hãm lại. Quan sát thanh khoản cổ phiếu cũng có thể thấy, bình quân 10 phiên gần nhất chỉ đạt 330 đơn vị.

Điểm đáng chú ý nhất trong hoạt động của Cà phê Thắng Lợi gần đây là việc Đại hội thường niên 2022 đã thông qua tờ trình về việc sửa đổi ngành nghề kinh doanh, với việc bổ sung lĩnh vực kinh doanh bất động sản, sản xuất điện.

Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương bổ sung dự án nhà máy điện gió Thắng Lợi Đắk Lắk (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, có công suất 49,5 MW, tổng mức đầu tư 2.090 tỷ đồng vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035. Chủ đầu tư chính là Công ty Cà phê Thắng Lợi.

Trước đó, tháng 9/2020, Công ty đã có tờ trình đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trương khảo sát, bổ sung quy hoạch đầu tư điện mặt trời nổi Thắng Lợi tại xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar. Dự án này có quy mô 140 ha, diện tích trên bờ 2 ha, tổng công suất dự kiến 200 MW, vốn mức đầu tư 3.000 tỷ đồng. Công ty liên kết với Công ty cổ phần Khu công nghiệp Cái Lân và Công ty TNHH và Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Nam Phương thực hiện, trong đó phần vốn góp của 3 doanh nghiệp là 600 tỷ đồng, 2.400 tỷ đồng còn lại sử dụng vốn vay tín dụng.

Ngoài lợi thế quỹ đất đang quản lý rất lớn, lên đến 2.081,19 ha tính riêng tại Đắk Lắk, việc phát triển mảng điện năng lượng tái tạo của Công ty đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Quy hoạch điện mới chưa được ban hành, thì hiện tại, các dự án điện năng lượng tái tạo hết thời hạn áp dụng cơ chế giá mua điện cố định (giá FIT). Thêm vào đó, các dự án đầu tư này đều cần nguồn vốn lớn, trong khi tại dự án điện mặt trời nổi Thắng Lợi, phần vốn góp của 3 doanh nghiệp chỉ chiếm 20%.

Việc thu xếp vốn vay trong giai đoạn này không đơn giản, khi tín dụng bị kiểm soát chặt để kiểm soát lạm phát và kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn. Do vậy, khó kỳ vọng sự đột phá ở Công ty trong thời gian tới.

Bạn đang đọc bài viết "Bất thường đà tăng cổ phiếu CFV" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).