Bất thường những đơn thuốc ở khoa Phụ sản - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông

09/12/2022 15:45

Hàng nghìn bệnh nhân cùng mua 1 đơn thuốc giống nhau, cùng các loại thuốc giống nhau, trong đó có cả kháng sinh. Sau thời gian dài điều tra, nhận thấy sự bất thường trong việc kê đơn thuốc tại khoa Phụ sản - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) - hành vi tận thu, móc túi người bệnh - vi phạm nghiêm trọng về quy định, về y đức.

benh-vien-da-khoa-ha-dong-ve-benh-moc-tui-1670554422.jpg

Đơn thuốc và đơn tư vấn thực phẩm chức năng được đính kèm nhau, hầu như không có bệnh nhân nào không mua thực phẩm chức năng ở đơn tư vấn. Ảnh: PV

Tất cả bệnh nhân đều được kê một đơn thuốc như nhau

"Gái chửa, cửa mả" - người xưa ví phụ nữ mang thai như vậy để nói về những nguy hiểm người phụ nữ có thể gặp phải trong quá trình mang thai, trong lúc chuyển dạ. Vì thế, khi có dấu hiệu đến ngày sinh nở, các thai phụ và gia đình đều lo lắng, háo hức, nhanh chóng vào viện thực hiện các thủ tục cần thiết, chuẩn bị đón thành viên mới.

nhan-vien-y-te-khoa-san-yeu-cau-nguoi-nha-di-mua-thuoc-ngay-khi-san-phu-vua-vao-trong-phong-cap-cuu-van-con-dang-do-huyet-ap-va-sieu-am-1670554509.png
Nhân viên y tế khoa Sản yêu cầu người nhà đi mua thuốc ngay khi sản phụ vừa vào trong phòng cấp cứu, vẫn còn đang đo huyết áp và siêu âm. Ảnh: PV

Thế nhưng, tại khoa Phụ sản - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, nhiều năm qua, ngay khi bệnh nhân nhập viện đến sinh nở tại đây, tiến hành làm hồ sơ sinh, các nhân viên y tế đưa ra một tờ phiếu đăng ký khám, yêu cầu người nhà đi đóng tiền tạm ứng nhập viện, kèm đơn thuốc bảo người nhà đi mua ngay. 

Thời điểm nhân viên y tế yêu cầu bệnh nhân mua thuốc cũng... rất bất thường: Trong khi sản phụ đang đo huyết áp, làm hồ sơ sinh ở trong phòng, nhân viên y tế mang đơn thuốc ra yêu cầu người nhà bệnh nhân phải cầm đơn thuốc phải đi mua ngay lập tức. 

Ngoài 2 lọ thuốc thụt hậu môn có thể được sử dụng trong quá trình sinh nở (rất nhiều bệnh nhân không cần sử dụng đến), chiếc vòng tay "mẹ và bé" cần dùng trong lúc sinh, toàn bộ các sản phẩm còn lại trong đơn thuốc đều là các loại thuốc sử dụng khi ra viện. Tất cả bệnh nhân đều được kê 1 loại kháng sinh, 1 loại sắt, 1 loại thuốc thụt hậu môn, 1 lọ thuốc sát trùng, rất nhiều thực phẩm chức năng được kê trong 1 tờ đơn tư vấn đính kèm vào đơn thuốc.

Trong vai người nhà bệnh nhân, phóng viên đã "mục sở thị" quy trình "móc túi" người bệnh diễn ra hằng ngày tại bệnh viện này.

Khi đi nộp tiền tạm ứng viện phí, tôi chìa tờ đơn thuốc mà nhân viên khoa Phụ sản yêu cầu đi mua để hỏi thì người thu tiền trả lời: "Đơn thuốc này mua riêng ở ngoài kia, nộp tiền xong thì đi ra mua". Rất nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng nhận được những tờ đơn như này, được yêu cầu đi mua ngay khi vừa làm thủ tục nhập viện.

Khi người nhà bệnh nhân tiếp tục hỏi: "Thuốc này mua để đẻ à?", nhân viên thu tiền tạm ứng viện phí trả lời: "Bác sĩ bảo mua, tôi biết làm sao được?".

Tại nhà thuốc bệnh viện, khi phóng viên đưa đơn thuốc ra, hỏi: "Đơn thuốc này phải mua luôn à chị?", nhân viên bán thuốc của bệnh viện chỉ cầm vào tờ đơn thuốc, không cần đọc các loại thuốc đã trả lời: "Đúng rồi, một triệu không trăm năm mươi hai nghìn". 

Khi quay trở lại phòng làm thủ tục chờ sinh tại khoa Phụ sản, phóng viên hỏi nhân viên y tế: "Thuốc đã mua xong rồi, có phải dùng luôn không?", các nhân viên y tế của khoa Phụ sản cho biết: "Không dùng luôn, lúc nào sinh thì dùng, người nhà cứ giữ lấy đi". Thế nhưng, những thứ "lúc nào sinh thì dùng" như nhân viên y tế nói chỉ là chiếc vòng đeo tay mẹ và bé. 

Vòng tay mẹ và bé lại được kê trong đơn tư vấn (kèm thực phẩm chức năng). Vì thế, tất cả các bệnh nhân bắt buộc phải mua cả đơn tư vấn kèm đơn thuốc thì mới có vòng tay mẹ và bé để sử dụng trong quá trình sinh.

khoa-san-bvdk-ha-dong-1670554551.jpg
Các sản phụ đều được kê đơn giống nhau và đều phải mua các loại thuốc, sản phẩm này ngay khi đến đăng ký sinh nở tại Khoa Sản- BVĐK Hà Đông. Ảnh: PV

Chỉ mua 1 thứ thì không bán - chiêu trò ép bệnh nhân mua thuốc

Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động, bệnh nhân N.T.C (Hà Đông- Hà Nội) cho biết, chị sinh em bé từ tháng 11.2021, đến nay chị và gia đình vẫn chưa hết bức xúc về việc bị ép mua thuốc tại khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. 

Theo chị C, khi vào bệnh viện làm hồ sơ sinh, chị được nhân viên y tế đo huyết áp, siêu âm... còn ở bên ngoài, mẹ chị C làm thủ tục khác như tạm ứng viện phí 8 triệu đồng (do sinh  mổ). Một nhân viên y tế ngồi đánh máy đã kê cho một đơn thuốc bảo người nhà đi nộp tiền tạm ứng và mua luôn đơn thuốc này. 

"Nếu như những bệnh nhân khác, người nhà sẽ đi mua luôn. Nhưng vì mẹ tôi làm ở chợ thuốc Hapulico, nên bà nghĩ rằng cái gì cần mua - sẽ mua, cái gì chưa cần dùng đến sẽ lấy tại cửa hàng nhà mình. Đơn thuốc này, họ kê thuốc kháng sinh, cốm lợi sữa, vitamin D, thuốc sát trùng, vòng tay mẹ và bé... Trong tất cả các loại trên thì chỉ có vòng tay mẹ và bé là sử dụng luôn ngay khi sinh, còn lại đều chưa dùng đến"- chị C cho hay.

Theo chị C, không chỉ đắt đỏ, gây tốn kém cho bệnh nhân mà đơn thuốc này vô cùng... lãng phí. Không ít bà mẹ vừa sinh nở tại đây cũng đã khẳng định trong quá trình sinh nở, họ không cần dùng thuốc thụt hậu môn nhưng bệnh viện vẫn bắt mua, giờ chỉ biết mang về... bỏ xó. Những lọ thuốc còn nguyên tem nguyên mác, không dùng đến, nhưng vì phải ở cữ, chăm con, nên không một sản phụ nào có ý định mang trả lại cho nhà thuốc, hầu hết họ vứt đi.  

Theo chị C, vì đang neo người, lo con gái phải ở một mình nên mẹ chị C muốn ở lại với con gái, lúc nhân viên y tế đưa đơn thuốc, mẹ chị đã hỏi nhân viên y tế là những thứ này có cần dùng luôn không để bà đi mua luôn, nếu không thì sẽ mua sau. "Nhân viên y tế nói luôn là đi mua luôn để còn dùng luôn. Họ dựa vào cái vòng đeo tay mẹ và bé kia phải dùng ngay và bắt đi mua. Khi xuống nhà thuốc bệnh viện, mẹ tôi hỏi chỉ mua mỗi vòng đeo tay cho mẹ và bé thôi chứ không mua hết cả đơn thuốc, thì nhân viên nhà thuốc nhất quyết không bán mà chỉ bán theo đơn thuốc bác sĩ kê. Mẹ tôi bắt buộc phải mua hết cả đơn thuốc và đơn tư vấn đính kèm đó, giá hơn 1 triệu đồng"- chị C bức xúc kể lại. 

Thông thường, sau khi bệnh nhân xuất viện, bác sĩ sẽ khám lại, kê đơn thuốc tùy theo tình trạng của bệnh nhân. Sau khi khám, nếu có bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng, tùy vào mức độ nặng nhẹ, bác sĩ có thể kê kháng sinh phù hợp, hoặc có bệnh nhân dị ứng, sẽ cần các loại thuốc kháng sinh để tránh bị dị ứng. Việc các bác sĩ chỉ định duy nhất 1 loại kháng sinh cho tất cả các bệnh nhân sau khi ra viện không cần khám lại như vậy, là không đúng về mặt chuyên môn.Mỗi đơn thuốc đều có giá trị tiền triệu; không phải bệnh nhân nào cũng đủ điều kiện để đáp ứng. Tuy nhiên, dù bệnh nhân có điều kiện, hay những bệnh nhân gia cảnh khó khăn, việc bắt buộc phải mua đơn thuốc này khiến cho viện phí trở thành gánh nặng, đè lên vai gia đình người bệnh.

ve-benh-moc-tui-1670554587.jpg
 

Vi phạm quy định nghiêm trọng

Việc kê đơn thuốc ngay khi nhập viện, yêu cầu người nhà bệnh nhân phải đi mua ngay rồi mới hoàn tất thủ tục sinh là hành vi ép buộc bệnh nhân phải mua thuốc tại bệnh viện. 

Theo Thông tư số 52/2017/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú do Bộ Y tế ban hành, 3 nguyên tắc đầu tiên trong kê đơn thuốc: Một là chỉ được kê đơn thuốc sau khi đã có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh; Hai là phải kê đơn thuốc phù hợp với chẩn đoán bệnh và mức độ bệnh; Ba là việc kê đơn thuốc phải đạt được mục tiêu an toàn, hợp lý và hiệu quả. 

Soi chiếu vào các đơn thuốc hầu hết tất cả các sản phụ đến sinh con tại khoa Phụ sản - BVĐK Hà Đông như Lao Động phản ánh, có thể thấy nhân viên y tế tại đây đã kê đơn thuốc một cách hết sức tùy tiện. Hành vi này đã vi phạm 3 nguyên tắc đầu tiên, cơ bản nhất trong quy định về kê đơn thuốc, chưa kể, việc kê thực phẩm chức năng vào đơn tư vấn, đính kèm vào đơn thuốc rồi ép bệnh nhân mua hết như phóng viên đã phân tích ở trên, có dấu hiệu vi phạm Khoản 15 Điều 6 Luật Dược.

Theo số liệu thống kê, số lượng sản phụ sinh con tại BVĐK Hà Đông dao động từ 5.000-7.000 ca mỗi năm. Theo phản ánh của bệnh nhân, việc kê đơn thuốc như vậy diễn ra nhiều năm nay, với tần suất dày đặc, liên tục. Đây không chỉ là hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật, còn là hành vi tận thu, móc túi người bệnh, vi phạm nghiêm trọng về y đức. 

Bạn đang đọc bài viết "Bất thường những đơn thuốc ở khoa Phụ sản - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).