Bất thường trong đấu giá Công ty CP Xi măng Hoàng Liên Sơn

19/05/2021 15:02

Vụ việc ly kỳ kéo dài nhiều năm, với 7 lần tổ chức đấu giá, đang gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều trong công tác thi hành án tại TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Công ty Xi măng Hoàng Liên Sơn sau nhiều năm không hoạt động, cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: LN

 

Công ty Xi măng Hoàng Liên Sơn sau nhiều năm không hoạt động, cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: LN

Vụ việc ly kỳ kéo dài nhiều năm, với 7 lần tổ chức đấu giá, đang gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều trong công tác thi hành án tại TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Xin tự cứu mà không được

Báo Lao Động nhận được phản ánh của ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Giám đốc Công ty CP Xi măng Hoàng Liên Sơn (TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai) - cùng nhiều công nhân từng gắn bó tại đây.

Ở thời điểm hiện tại, ông Quỳnh tiếng là giám đốc nhưng toàn bộ tài sản của công ty đã bị kê biên và đem đấu giá trong những phiên đấu mà theo ông là “có nhiều bất thường”.

Ông Quỳnh kể: Năm 2017, Công ty Xi măng Hoàng Liên Sơn mất khả năng thanh toán khoản tiền gốc 18 tỉ đồng vay Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương - Chi nhánh Lào Cai. Trong khi đó, tiền lãi phát sinh ngày một nhiều.

Trước viễn cảnh phá sản và 50 lao động mất việc làm, ông Quỳnh đã tìm được đối tác đồng ý mua lại công ty với giá 18 tỉ đồng để duy trì sản xuất.

Xi măng Hoàng Liên Sơn nhiều lần gửi văn bản xin được tự cứu mình với giá 18 tỉ đồng nhưng không được chấp thuận. Ảnh: ĐVCC.
Xi măng Hoàng Liên Sơn nhiều lần gửi văn bản xin được tự cứu mình với giá 18 tỉ đồng nhưng không được chấp thuận. Ảnh: ĐVCC

Công ty đã nhiều lần gửi văn bản đến Ngân hàng Sài Gòn Công thương đề nghị được xem xét, hỗ trợ phương án trả nợ trên tuy nhiên, ngân hàng vẫn quyết đưa vụ việc ra tòa.

Sau đó, toàn bộ tài sản của công ty (vốn được thế chấp để vay vốn) bị ngân hàng đề nghị bán phát mại để thu hồi nợ. Đến tháng 12.2019, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.Lào Cai thụ lý hồ sơ vụ việc, giao cho chấp hành viên là ông Bùi Văn Yên tổ chức thi hành án.

Tháng 3.2021, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh tiếp nhận thông tin toàn bộ tài sản của công ty sẽ được đem đấu giá tại Công ty đấu giá Hợp danh tài sản Lào Cai, khởi điểm chỉ 4,6 tỉ đồng.

Tá hỏa, ông Quỳnh tìm hiểu thì được biết trước đó, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.Lào Cai đã thuê một đơn vị thuộc nhà nước tổ chức đấu giá tổng cộng 6 lần và… không lần nào thành công.

Không được ngân hàng chấp thuận phương án tự cứu, Xi măng Hoàng Liên Sơn phá sản khiến 50 công nhân mất việc. Ảnh: LN.
Không được ngân hàng chấp thuận phương án tự cứu, Xi măng Hoàng Liên Sơn phá sản khiến 50 công nhân mất việc. Ảnh: LN

“Chúng tôi không hề được thông báo về 6 lần đấu giá trước. Chỉ đến lần thứ 7, khi đơn vị tổ chức là một công ty tư nhân thì mới hay tin. Theo luật định, nếu đấu giá không thành công thì giá khởi điểm của lần tiếp theo buộc phải giảm so với lần đấu liền trước. 6 lần đấu giá không thành, nghĩa là tài sản buộc phải giảm tới 6 lần” - ông Nguyễn Ngọc Quỳnh bức xúc.

Nhiều bất thường

Trước thông tin tài sản được chào bán với giá khởi điểm 4,6 tỉ đồng, ông Quỳnh tìm đến đối tác là Công ty TNHH Trọng Hiếu Phú Thọ. Công ty này đồng ý tham gia và nộp đủ khoản tiền đặt trước trị giá 920 triệu đồng vào tài khoản của Công ty đấu giá Hợp danh tài sản Lào Cai.

Đến ngày diễn ra phiên đấu giá (ngày 2.4.2021), ngoài Công ty Trọng Hiếu Phú Thọ còn có 6 công ty khác tham gia. Nhưng ngay trước giờ bắt đầu, theo lời ông Quỳnh, công ty bất ngờ nhận được hung tin: Bị loại. Lý do: “Không có chứng từ nộp tiền đặt trước”.

“Chúng tôi rất bức xúc bởi đây là một đòi hỏi vô lý. Cần chứng từ nộp tiền để làm gì khi tiền đã vào tài khoản và đã được xác nhận? Chúng tôi đã trình ra ảnh chụp chứng từ nhưng vẫn nhất quyết bị loại…” - ông Quỳnh nhớ lại.

Cũng theo lời vị giám đốc, tại buổi đấu giá, đại diện Công ty Trọng Hiếu Phú Thọ tuyên bố trước đám đông sẵn sàng trả 8 tỉ đồng để mua lại tài sản nhưng không được chấp nhận. Buổi đấu giá kết thúc với chiến thắng thuộc về Công ty CP Đầu tư XDTM Miền Bắc. Giá trúng: 4,924 tỉ đồng.

Chi cục THA Dân sự TP. Lào Cai. Ảnh: LN.
Chi cục THA Dân sự TP. Lào Cai. Ảnh: LN

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh sau đó cung cấp thêm cho PV các tài liệu thể hiện sự bất thường trong quá trình thi hành án. Cụ thể, tại đợt đấu giá thứ 6 diễn ra tháng 11.2020, mức giá khởi điểm là 5,11 tỉ đồng.

Theo đó, mặc dù đã có đơn vị mua hồ sơ, nộp tiền đặt trước nhưng Chi cục THADS TP.Lào Cai và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Lào Cai vẫn thống nhất không bán. So với giá này, giá khởi điểm của lần thứ 7 bị giảm mất khoảng 500 triệu đồng.

Quá bức xúc trước những bất thường liên tiếp có dấu hiệu cố ý “dìm” giá tài sản để bán cho đơn vị khác, mới đây Công ty Xi măng Hoàng Liên Sơn và Công ty Trọng Hiếu Phú Thọ cùng có đơn gửi các cấp chức năng đề nghị thanh, kiểm tra lại toàn bộ quá trình thi hành án. Bên cạnh đó, chấp hành viên Bùi Văn Yên cũng bị tố cáo đích danh.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV, ông Đỗ Ngọc Ba - Chi cục trưởng Chi cục THADS TP.Lào Cai - xác nhận đã có những khiếu nại, tố cáo trong quá trình thi hành án.

Theo lời ông Ba, phía Chi cục đã có buổi làm việc với các cá nhân, đơn vị liên quan nhưng quan điểm của Chi cục là đã thuê các công ty đấu giá thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về các công ty này.

Ngân hàng TMCP Sài gòn Công thương - Chi nhánh Lào Cai cho biết đã gửi đơn đến các cấp chức năng đề nghị thanh tra lại quá trình thi hành ánh. Ảnh:LN.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương - Chi nhánh Lào Cai cho biết, đã gửi đơn đề nghị thanh tra lại quá trình thi hành ánh. Ảnh: LN

Còn ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Công ty đấu giá Hợp danh tài sản Lào Cai - khẳng định, đã làm đúng theo quy chế được ban hành.

“Quy chế yêu cầu phải có chứng từ nộp tiền đặt trước. Chúng tôi đã tạo điều kiện nhưng Công ty Trọng Hiếu Phú Thọ không bổ sung được nên chúng tôi buộc phải tiến hành” - ông Công nói.

Vị giám đốc cũng xác nhận, có việc đại diện của công ty này tuyên bố trả 8 tỉ đồng nhưng do đã bị loại nên mức giá không được xem xét.

Được biết, ngày 14.5.2021, Thanh tra Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Tư pháp Lào Cai đề nghị xem xét lại toàn bộ sự việc theo thẩm quyền.

Ông Trương Trung Kiên - Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương - Chi nhánh Lào Cai cho hay, ngân hàng cũng nhận thấy bất thường nên đã làm đơn gửi các cấp chức năng.

Theo lời ông Kiên, số tiền nợ gốc của Xi măng Hoàng Liên Sơn là 18 tỉ đồng song cho đến thời điểm hiện tại, cộng cả lãi đã lên tới hơn 50 tỉ đồng.

Dựa trên các thông tin được tiếp cận, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Hà Nội) nói rằng, vụ việc có dấu hiệu vi phạm điều 104 Luật THADS.

Cụ thể, căn cứ biên bản niêm phong hồi 16h30' ngày 16.11.2020 (lần đấu giá thứ 6) có thể thấy, có ít nhất 2 khách hàng tham gia và đồng ý với giá sàn là 5,11 tỉ đồng.

Trên thực tế sau đó, chỉ còn 1 một khách đủ tiêu chuẩn thì theo luật, dù có chuyển Tổ chức bán đấu giá nào cũng phải giữ nguyên giá này trở lên.

Bên cạnh đó, theo vị luật sư, nếu đúng 6 lần đấu giá đầu phía Xi măng Hoàng Liên Sơn không nhận được thông báo, thì Chi cục THADS TP.Lào Cai còn vi phạm Điều 101 Luật THADS. Hành động này đã tước đoạt đi quyền được mua lại của chính mình của đương sự.

Bạn đang đọc bài viết "Bất thường trong đấu giá Công ty CP Xi măng Hoàng Liên Sơn" tại chuyên mục Doanh Nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).