Mang tài sản đã bán đi thế chấp ngân hàng
Theo bản án sơ thẩm, ngày 24/9/2019, nguyên đơn là Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Lê Phong (Công ty Lê Phong) và bị đơn là Công ty CP BĐS Cen Sài Gòn (Công ty Cen Sài Gòn) ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nền nhà khu dân cư Lê Phong Thuận Giao tại P. Thuận Giao, Tp. Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Cụ thể, Công ty Lê Phong chuyển nhượng 150 lô đất (diện tích 11.137,97 m2) cho Công ty Cen Sài Gòn, trị giá hơn 313 tỉ đồng cùng các thỏa thuận khác. Trong đó, Công ty Cen Sài Gòn có quyền chỉ định bên thứ 3 ký hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ Công ty Lê Phong trong phạm vi 150 lô đất đã ký kết.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Cen Sài Gòn thanh toán 2 đợt tiền hơn 47 tỉ đồng, sau đó 2 bên tiếp tục làm việc nhiều lần về thời hạn thanh toán, lãi, nghĩa vụ… Tuy vậy, Cen Sài Gòn vẫn không thanh toán, nên Công ty Lê Phong khởi kiện, yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, buộc Cen Sài Gòn thanh toán cho Lê Phong số tiền 10 lô đất đã bán cho khách hàng, công nhận hơn 47 tỉ đồng thuộc Công ty Lê Phong, công nhận hơn 71,5 triệu đồng số dư trong tài sản chung của 2 công ty là của Công ty Lê Phong.
Trình bày tại phiên sơ thẩm, Cen Sài Gòn cho biết, sau khi thanh toán xong 2 đợt tiền thì công ty này phát hiện, ngày 17/10/2019, Công ty Lê Phong đã thế chấp 30 lô đất/150 lô đất cho ngân hàng với mục đích vay vốn. Điều này vi phạm nghiêm trọng khoản 4.5, điều 4 được 2 bên cam kết trong hợp đồng, rằng “khu đất và dự án không làm tài sản đảm bảo cho bất kỳ nghĩa vụ nào với bất kỳ bên thứ 3 nào…”. Do đó, Công ty Cen Sài Gòn không tiếp tục thanh toán!
Bên cạnh đó, trước yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn không đồng ý và có yêu cầu phản tố: hủy hợp đồng giữa các bên do hành vi vi phạm của nguyên đơn, yêu cầu Công ty Lê Phong trả lại hơn 47 tỉ đồng mà Cen Sài Gòn đã thanh toán, phạt vi phạm hợp đồng hơn 47 tỉ đồng đối với nguyên đơn, yêu cầu Lê Phong phải thanh toán số tiền lãi mà bị đơn đã thanh toán cho ngân hàng là hơn 401 triệu đồng…
Tại phiên xử sơ thẩm, TAND Tp. Thuận An đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và không chấp nhận các yêu cầu phản tố của Công ty Cen Sài Gòn; ghi nhận sự tự nguyện của các bên về việc hủy hợp đồng chuyển nhượng.
Kháng nghị vì điều tra, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ
Theo nội dung kháng nghị, Viện KSND tỉnh Bình Dương cho rằng, cấp sơ thẩm “không làm rõ việc Công ty Lê Phong có lừa dối khách hàng hay không khi sử dụng tài sản để giao dịch với nhiều tổ chức, cá nhân” là không thu thập chứng cứ đầy đủ.
Quyết định kháng nghị còn cho biết, quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Cen Sài Gòn đã thanh toán hơn 47 tỉ đồng cho Công ty Lê Phong, nhưng cấp sơ thẩm chưa làm rõ khoản tiền này là thanh toán cho lô đất nào trong tổng 150 lô đất.
Kháng nghị của VKSND tỉnh Bình Dương.
Ngoài ra, ngày 17/10/2019, Công ty Lê Phong thế chấp cho Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam – chi nhánh Bình Dương, 34 lô đất trong tổng số 150 lô đất đã chuyển nhượng cho Công ty Cen Sài Gòn, nhằm mục đích vay vốn, nhưng hồ sơ vụ án không thể hiện có tài liệu vay. Tòa không đưa ngân hàng tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để xem các lô đất nguyên đơn đã thế chấp vay tiền có nằm trong lô đất mà Công ty Cen Sài Gòn đã thanh toán 47 tỉ đồng hay không. Việc làm này là điều tra, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ!
Kháng nghị của Viện KSND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, tòa cho rằng bị đơn vi phạm nghĩa vụ thanh toán nhưng không xem xét lỗi của nguyên đơn khi cùng một tài sản đem đi giao dịch cho nhiều người là đánh giá chứng cứ chưa toàn diện, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị đơn.
Từ đó, VKSND tỉnh Bình Dương đề nghị TAND tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND Tp. Thuận An thụ lý, giải quyết lại.