Chậm triển khai hàng chục năm, King Sea Phan Thiết vào diện bị kiến nghị thu hồi
Trong 43 dự án chậm triển khai do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận công bố, Dự án Khu du lịch biệt thự cao cấp King Sea Phan Thiết là cái tên được nhắc tới nhiều nhất. Hơn 17 năm phần lớn diện tích vẫn là bãi đất trống và gần như không triển khai hạng mục quan trọng nào.
King Sea Phan Thiết được chấp thuận chủ chương đầu tư từ năm 2005, được tỉnh Bình Thuận cho thuê 49,3 ha đất, trả tiền hàng năm (Quyết định số 672/QĐ-UBBT ngày 24/3/2005). Số diện tích đất còn lại bao gồm đất sông suối, đất hồ và một phần đất rừng phòng hộ với diện tích 12.198m2 cùng với rất nhiều diện tích đất của dân chồng lấn trong dự án mà chưa được thương lượng, đền bù theo giá thị trường.
Năm 2010, Dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 86 ha. Đến ngày 6/3/2018, UBND tỉnh Bình Thuận lại cấp Quyết định đầu tư mới cho Công ty TNHH Đại Thanh Quang. Theo cơ quan chức năng, Công ty Đại Thanh Quang phải triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động khách sạn, căn hộ du lịch cao tầng; năm 2019 đưa vào hoạt động khối biệt thự liên kết, biệt thự độc lập… và năm 2021 phải hoàn thành đưa toàn bộ dự án vào hoạt động kinh doanh. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai.
Đáng chú ý, khi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh kiểm tra việc sử dụng đất của dự án, thì chỉ là cây keo lá tràm, một vài công trình xây dựng phần thô. Dự án King Sea Phan Thiết đã bị cơ quan chức năng kết luận chậm triển khai, không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, thuộc diện phải thu hồi.
Người dân mỏi mòn chờ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Từ khi dự án King Sea Phan Thiết được chấp thuận chủ trương đầu tư, hơn 30 hộ dân trong khu vực dự án (thuộc tổ 5, thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết) đang phải chật vật sống trong những ngôi nhà nhỏ, chật hẹp, cũ kỹ từ nhiều năm nay. Những ngôi nhà này chỉ có thể chống chọi với mùa nắng nhưng đến mùa mưa bão thì có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Không chỉ thế, người dân ở đây cũng phải gồng mình giữ gìn nơi mình sinh sống đã hàng chục năm qua. Theo khảo sát, nhiều hộ dân ở đây đều đã đóng tiền thuế sử dụng đất và có đủ giấy tờ nhà nước cung cấp trước đó, nhưng hiện nay, họ vẫn chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặc dù đã nhiều lần nộp đơn kiến nghị cung cấp lên xã Tiến Thành nhưng vẫn “bặt vô âm tín”.
Theo anh Phạm Văn Tòng (47 tuổi), trước thời kỳ giải phóng, ba mẹ anh đã khai hoang, xây dựng và an cư lập nghiệp tại ngôi nhà này và đây là nơi anh đã sinh ra, lớn lên. Từ khi có dự án du lịch nghỉ dưỡng của Đại Thanh Quang các hộ dân không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được xây dựng. Hiện nay, trong khu vực này có rất nhiều ngôi nhà bị xuống cấp nhưng chỉ được sửa chữa tạm thời để sống qua ngày.
Ông Châu Sáu (sinh năm 1966, trú tại Tổ 5) cũng cho biết, đã nhiều năm nay người dân mong chờ cơ quan chức năng có có biện pháp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho dân về chỗ ăn ở, đường đi lối lại. Vì khu vực này không được xây dựng mới nên con đường của người dân tự hùn tiền đổ đá, sỏi để làm đường đi lại. Tuy nhiên, mỗi khi trời mưa bão, con đường này lại lầy lội, trơn trượt gây khó khăn cho việc di chuyển của người dân. Vì là con đường nhánh, cũng như không được xây dựng, nên khu đất rậm rạp cây cối, lầy lội.
“Từ khi dự án kéo dài không thực hiện khiến gia đình tôi và những hộ dân ở đây gặp nhiều khó khăn, khổ cực. Nhà cửa hư hỏng không được sửa chữa, trồng cây cũng bị nhắc nhở. Đất không được cấp "sổ đỏ", không giao dịch, buôn bán gì được, dân tình kêu cứu, nhưng chẳng ai giải quyết”, ông Châu Sáu chia sẻ.
Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Thảo có cả héc ta đất nằm trong dự án khu du lịch Hố Lở được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2004. Kể từ khi Công ty Đại Thanh Quang lập dự án đến nay, gia đình ông Thảo cùng nhiều hộ dân tại đây vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn bỏ hoang, chưa hề có dấu hiệu triển khai. Tuy nhiên, việc kêu cứu của ông Thảo và hàng chục hộ dân tại đây dần bị chìm vào quên lãng nhiều năm qua.
Để xảy ra tình trạng dự án kéo dài ảnh hưởng đến đời sống người dân, theo thông báo của Cơ quản lý nhà nước về đất đai, trách nhiệm thuộc về UBND cấp huyện, UBND cấp xã khi chưa chủ động, tích cực thực hiện theo thẩm quyền trong việc kiểm tra, phát hiện, đề xuất xử lý các vi phạm đối với các dự án chậm tiến độ. Nhưng khi trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho biết: “vấn đề rất nhạy cảm nên chưa thể thông tin, phải đợi chỉ thị cấp trên….”.