Bộ Giao thông vận tải tăng tốc giải ngân trên 33.000 tỷ, khởi công 32 dự án 6 tháng cuối năm

28/06/2022 18:15

Tính hết tháng 6, Bộ Giao thông vận tải ước giải ngân đạt 17.200 tỷ đồng, cao hơn bình quân cả nước từ 5 - 7%. Để tăng tốc giải ngân hơn 33.000 tỷ cuối năm, Bộ đang gấp rút hoàn thành thủ tục để khởi công 32 dự án và bám sát hiện trường, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm với các dự án đang triển khai...

giai-ngan-1656407262.jpg Khối lượng giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2022 còn rất lớn, lên đến 33.128 tỷ đồng, gần gấp đôi nửa đầu năm.

Ngày 28/6, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.

ÁP LỰC GIẢI NGÂN 6 THÁNG CUỐI NĂM RẤT LỚN

Báo cáo tại hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Trí Đức nêu bật những kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm như công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, quy hoạch tiếp tục được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả; công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công các dự án, công trình hạ tầng giao thông tiếp tục được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, tiến độ nhiều dự án, công trình quan trọng cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt được mục tiêu đề ra và cao hơn mức trung bình chung của cả nước…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như vẫn còn một số dự án còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu chưa được xử lý triệt; một số dự án còn vướng mắc về thủ tục chưa đủ điều kiện giao vốn…

Thông tin cụ thể hơn về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công được giao, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) Nguyễn Danh Huy cho biết, năm 2022, Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước tổng số 50.328 tỷ đồng; gồm 4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài và 45.451 tỷ đồng vốn trong nước.

Tính đến nay, Bộ Giao thông vận tải phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tổng số 45.343 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, phân bổ toàn bộ 4.877 tỷ đồng (đạt 100%) vốn nước ngoài và 40.466 (đạt 89%) vốn trong nước. Còn lại 4.985 tỷ đồng vốn trong nước chưa phân bổ kế hoạch, Bộ Giao thông vận tải dự kiến bố trí cho 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sau khi có quyết định phê duyệt dự án đầu tư và được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn vốn thực hiện.

"Ước hết tháng 6/2022, Bộ Giao thông vận tải giải ngân khoảng 17.200 tỷ đồng, đạt 39,8% kế hoạch giao chi tiết và đạt 34,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, giải ngân 1.843 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 37,8% và 15.357 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 33,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao".

(Báo cáo của Vụ Kế hoạch Đầu tư - Bộ Giao thông vận tải).

"Dù công tác giải ngân gặp khó khăn trong quý đầu tiên, song từ tháng 3/2022 đến nay, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cùng các cơ quan, đơn vị ngành giao thông nỗ lực, đưa kết quả giải ngân luôn cao hơn mức giải ngân trung bình của cả nước từ 5 - 7%”, Vụ trưởng Nguyễn Danh Huy khẳng định.

Ông Nguyễn Danh Huy cho biết thêm, để có được kết quả này, Bộ trưởng và các Thứ trưởng chủ trì họp hàng tuần và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công.

Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tranh thủ thời tiết thuận lợi tại các địa phương, tăng ca, tăng kíp, tăng mũi thi công.

Tuy nhiên, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng cuối năm 2022 còn rất lớn, lên đến 33.128 tỷ đồng, gần gấp đôi khối lượng nửa đầu năm.

Nhận thức được nhiệm vụ quan trọng này, Bộ Giao thông vận tải đề ra nhiều giải pháp và thường xuyên có nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đẩy mạnh giải ngân tại các dự án có kế hoạch còn lại lớn.

Đặc biệt là tăng tốc giải ngân tại các dự án trọng điểm, các dự án phải hoàn thành trong năm 2022 như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các dự án đường sắt cấp bách, Tân Vạn - Nhơn Trạch, tuyến tránh Long Xuyên, dự án kết nối giao thông Tây Nguyên, kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, Tuyến tránh Quốc lộ 1A qua Cà Mau, tuyến tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột...

GẤP RÚT HOÀN THIỆN THỦ TỤC, BÁM HIỆN TRƯỜNG ĐẨY NHANH DỰ ÁN CHẬM TIẾN ĐỘ

Tại hội nghị, báo cáo về công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, lãnh đạo các cơ quan cho biết, giai đoạn 2021 – 2025, ngành giao thông vận tải dự kiến đầu tư xây dựng 66 dự án mới (bổ sung 2 dự án nối thông đường Hồ Chí Minh mới có chủ trương bổ sung danh mục trung hạn).

Như vậy, 53/66 dự án có chủ trương đầu tư, gồm: 4/4 dự án quan trọng quốc gia; 3/9 dự án nhóm A và 46/53 dự án nhóm B, C. Bên cạnh đó, còn 13/66 dự án, gồm 6 dự án nhóm A và 7 dự án nhóm B, C chưa quyết định chủ trương đầu tư.

Riêng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên.

Bộ cũng phê duyệt hồ sơ thiết kế cơ bản 721,8/723,7km (99,7%) và bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương 672,5/723,7km (đạt 92,9%); phê duyệt khung chính sách giải phóng mặt bằng 6/6 dự án; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường toàn bộ 12/12 dự án; đang khẩn trương thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi để xem xét, phê duyệt theo kế hoạch. 

Để thống nhất chỉ đạo, điều hành các công trình giao thông trọng điểm, Bộ Giao thông vận tải tham mưu thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ để chỉ đạo tiến độ, chất lượng, tháo gỡ các vướng mắc đối với các dự án đang triển khai trong quá trình thực hiện các dự án.

Ông Nguyễn Trí Đức, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải thông tin thêm, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng tổ chức 70 đợt kiểm tra hiện trường, trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm.

Đặc biệt, Bộ trưởng tổ chức họp giao ban kiểm điểm tiến độ định kỳ hàng tuần, nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án có dự án chậm tiến độ.

Đến nay, các dự án đang triển khai cơ bản đáp ứng được tiến độ yêu cầu; trong đó, Bộ hoàn tất thủ tục, triển khai thi công 6 dự án mới và hoàn thành 6 dự án kịp thời đưa vào khai thác, sử dụng.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Giao thông vận tải gấp rút hoàn thành các thủ tục để khởi công 32 dự án và hoàn thành 24 dự án có kế hoạch phải hoàn thành.

Đối với 32 dự án dự kiến khởi công mới, hiện còn 7 dự án chưa phê duyệt dự án đầu tư, gồm: dự án đường tránh phía Đông TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh; dự án cải tạo nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang; dự án Quốc lộ 6 tuyến tránh TP. Hòa Bình; Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc; dự án tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn; dự án cải tạo các ga trên tuyến đường sắt phía Bắc.

 

Bạn đang đọc bài viết "Bộ Giao thông vận tải tăng tốc giải ngân trên 33.000 tỷ, khởi công 32 dự án 6 tháng cuối năm" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).