Bộ Tài chính cho biết cơ quan này dự kiến tiếp tục trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm một số sắc thuế và các giải pháp điều hành giá liên quan đến xăng dầu để hạn chế vòng xoáy lạm phát.
Theo đó, trong bối cảnh giá xăng dầu trong và ngoài nước liên tục tăng cao thời gian gần đây, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ đang phối hợp các cơ quan có liên quan nghiên cứu phương án về khả năng tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này.
Giảm thêm thuế để giảm giá xăng dầu
Trong đó, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Đây sẽ là một trong những giải pháp nhằm kìm đà tăng của mặt hàng này từ nay đến cuối năm, từ đó giúp giảm bớt áp lực lạm phát.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, diễn biến gần đây cho thấy thị trường xăng dầu thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường, khó dự báo, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước. Trước đó, ngày 21/4, Bộ Tài chính đã có công văn xin ý kiến các bộ, ngành địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp có liên quan về dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó đề xuất điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu ưu đãi xăng từ 20% xuống 12%.
Việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng theo phương án dự kiến góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN). Ngoài ra, việc này cũng đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Hiện Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến các đơn vị và trình Chính phủ trong thời gian tới.
Bộ Tài chính dự kiến đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giảm thêm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Ảnh: T.L.
Trước đó, Bộ Tài chính đã đề xuất và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ 1/4. Theo đó, mức thuế suất với xăng giảm còn 2.000 đồng/lít và 1.000 đồng/lít với dầu diesel, madut, dầu nhờn (chưa VAT).
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết mức thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít với xăng hiện nay, theo quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ được quyết định giảm thêm tối đa 1.000 đồng/lít. Trường hợp muốn giảm 2.000 đồng thì phải được sự chấp thuận của Quốc hội.
Bộ trưởng Tài chính cũng đề cập tới việc điều chỉnh các loại thuế khác, như thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế xuất nhập khẩu (8%), thuế VAT (10%)… Tuy nhiên, hiện nay việc giảm các loại thuế này đều thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Ông Phớc cho biết trước mắt, Bộ Tài chính sẽ đánh giá tác động, báo cáo với Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội có thể giảm thêm thuế với mặt hàng xăng dầu nhằm giảm giá mặt hàng này.
Dự phòng phương án nhập khẩu xăng dầu
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát với CPI tháng 5 tăng 0,38% so với tháng trước và cao hơn 2,86% so với cùng kỳ. Tính bình quân 5 tháng đầu năm, CPI đã tăng 2,25%, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn mức tăng của giai đoạn 2017-2020.
Trong đó, nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tăng là do ảnh hưởng từ giá xăng dầu, khí hóa lỏng (LPG) tăng theo giá thế giới, giá vật liệu xây dựng tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu ăn uống, đi lại, du lịch hồi phục trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát…
Chỉ đạo tại phiên họp điều hành giá ngày 14/6, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá áp lực lạm phát sẽ còn cao hơn giai đoạn đầu năm, đặc biệt là giá xăng dầu tiếp tục tăng gây tác động tới giá một số dịch vụ, hàng hóa khác như giáo dục, y tế, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải… Dẫn tới công tác điều hành giá của Chính phủ dự kiến gặp nhiều khó khăn.
Để đảm bảo công tác quản lý giá các mặt hàng thiết yếu, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành theo dõi sát, đánh giá, phân tích kỹ tình hình để triển khai các giải pháp, cũng như tham mưu cho cấp có thẩm quyền kiểm soát giá theo mục tiêu Quốc hội giao.
Trong công tác quản lý giá các mặt hàng thiết yếu, Phó thủ tướng đề nghị theo dõi sát diễn biến thị trường, tăng cường dự báo để có biện pháp điều hành linh hoạt, đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng.
Với những hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Phó thủ tướng yêu cầu cân nhắc, đánh giá tác động chi tiết, báo cáo với cấp có thẩm quyền, đề xuất phương án cụ thể mới được tăng giá. Với mặt hàng doanh nghiệp tự định giá, nếu bất thường phải kiểm tra để có chấn chỉnh kịp thời.
Riêng với mặt hàng xăng dầu, cần phải điều hành linh hoạt, sử dụng quỹ bình ổn giá hợp lý, triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung và dự phòng phương án nhập khẩu khi cần thiết. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng phải kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu xăng dầu qua biên giới.