Bỗng dưng... thành con nợ

13/03/2022 09:34

Không hề vay mượn tiền, nhưng thời gian gần đây ông N.A.D. (Giám đốc Công ty Đ.L.T.S.) liên tục nhận được những cuộc gọi đòi nợ của một công ty cho vay tiền, thậm chí cả gia đình, bạn bè, người thân cũng thường xuyên bị 'khủng bố', đòi nợ.

Cho vay dễ dàng, nhanh chóng không cần thế chấp là những lời quảng cáo nhằm thu hút người tiêu dùng thiếu hiểu biết của các app tín dụng đen (ảnh minh họa).

Qua xác minh thông tin cuộc gọi thì ông D. biết được anh L.T.H., địa chỉ tại phố Giắt, huyện Triệu Sơn, hiện đang là nhân viên Công ty Đ.L.T.S. có vay một khoản tiền nóng của một tổ chức tín dụng đen từ 6 năm về trước. Tuy nhiên, anh H. cho biết đã hoàn trả hết số tiền với bên cho vay, bẵng đi 6 năm không liên lạc gì, vào tháng 12-2021 anh H. bỗng nhận được cuộc gọi từ công ty tín dụng bắt phải trả nợ số tiền hơn 33 triệu đồng. Theo như bên cho vay thì do anh H. chưa thanh toán hợp đồng tín dụng đã vay trước đó. Những ngày sau đó, anh H. cùng gia đình, bạn bè, người thân liên tục nhận được những cuộc điện thoại từ các số máy khác nhau nhằm “khủng bố” bằng những lời chửi bới, nhục mạ tục tĩu.

Ngày 13-12-2021, Công ty Đ.L.T.S. nhận được Văn bản số 131209/CV-SUNLAW của Công ty Luật TNHH MTV SUNLAW về việc xử lý nợ xấu của anh L.T.H. Theo như văn bản, ngày 15-11-2016, anh H. có ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng/Công ty Tài chính MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng số tiền là 45.135.112 đồng, mục đích tiêu dùng cá nhân và có trách nhiệm trả chậm trong vòng 36 tháng, mỗi tháng trả 2.042.000 đồng. Tuy nhiên, anh H. không thực hiện nghĩa vụ thanh toán hợp đồng nên tính đến nay số tiền nợ gốc và lãi của anh H. theo hợp đồng là 33.782.103 đồng.

Sau khi nhận được văn bản nêu trên, Công ty Đ.L.T.S. đã có văn bản trả lời đối với Công ty Luật TNHH MTV SUNLAW về việc xác minh thông tin theo văn bản mà Công ty Luật TNHH MTV SUNLAW đã gửi.

Theo ông D. cho biết: Sau khi công ty ông có văn bản trả lời Công ty Luật TNHH MTV SUNLAW thì ông nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ tự xưng là bên đòi nợ yêu cầu ông D. phải bắt anh H. trả nợ số tiền vay trên hoặc ông D. phải đứng ra trả khoản nợ này thay anh H. Sau đó, gia đình, bạn bè và người thân của ông D. cũng liên tục nhận được những cuộc gọi “khủng bố” từ những số lạ, yêu cầu nói ông D. phải thanh toán khoản nợ nêu trên, nếu không những đối tượng này sẽ liên lạc với cấp trên của ông D.

Tương tự như trường hợp của ông D., Công ty Đ.L.Đ.S. có một nhân viên vay tiền của một tổ chức tín dụng. Thay vì đòi nợ nhân viên, tổ chức tín dụng này liên tục gọi điện cho lãnh đạo Công ty Đ.L.Đ.S. đe dọa, gây sức ép, bắt công ty phải trả nợ cho nhân viên.

Trên thực tế, những tổ chức tín dụng đen kiểu như trên thường quảng cáo cho vay không cần thế chấp, nhanh gọn, chỉ cần có chứng minh Nhân dân và 5 số điện thoại thường xuyên liên lạc là có thể vay được tiền. Tuy nhiên, khi người nợ chưa trả hoặc hoặc trả chậm so với thời gian vay thì những tổ chức này liên kết với những công ty đòi nợ thuê có địa chỉ, có số điện thoại liên lạc nhưng khi đến địa chỉ đó thì không có văn phòng công ty, điện thoại cũng không liên hệ được. Chiêu trò của các công ty đòi nợ thuê này là dùng nhiều sim rác để gọi điện cho lãnh đạo, những người quen để đòi nợ. Sau đó gọi cho những người quen, người nhà, bạn bè của lãnh đạo đơn vị trực tiếp quản lý người vay để khủng bố, làm phiền, làm mất uy tín, danh dự để ép người vay phải trả tiền.

Các đối tượng đăng ký “núp bóng” dưới dạng công ty tư vấn đầu tư tài chính, môi giới tài chính cho vay trái phép qua các tin nhắn, app vay online. Nếu có nhu cầu vay tiền, người vay chỉ cần nhắn tin theo cú pháp hoặc tải ứng dụng vay online trên mạng về điện thoại, máy tính cá nhân và thực hiện các bước theo các hướng dẫn. Trong thời gian ngắn, hồ sơ vay tiền được hoàn tất, người vay sẽ được nhận số tiền từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Do nhiều nguyên nhân, không ít người đã “dính” vào “bẫy” tín dụng đen khiến bản thân gặp nhiều rắc rối.

Hiện nay, cho vay qua các app là hoạt động trái phép, biến tướng, không được cơ quan chức năng cho phép. Đa phần, lãi suất phổ biến cho vay qua app thường được quảng cáo dao động quanh mức 16%/năm. Tuy nhiên, đây chỉ là “bẫy lừa” vì trên thực tế, còn nhiều loại phí tư vấn, phí dịch vụ được tính gộp vào khoản lãi người vay phải trả với lãi suất “cắt cổ”, người vay còn phải chấp nhận nhiều rủi ro, thậm chí bị đe dọa, khủng bố tinh thần nếu chậm trả đúng hẹn.

Từ thực tế trên, UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 17699/UBND-KSTTHCNC ngày 9-11-2021 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, thực hiện các kiến nghị và có giải pháp cụ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế về vấn đề này.

Công an chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa và các cơ quan liên quan, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các lĩnh vực dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”, kịp thời phát hiện sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước để xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khắc phục, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp trong công tác phát hiện, đấu tranh và đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến “tín dụng đen”.

Trường hợp của anh L.T.H. là hồi chuông cảnh báo người dân khi vay tiền phải hết sức cẩn trọng, cần lựa chọn tổ chức cho vay uy tín, tin cậy để không mang rắc rối cho mình và người thân. Các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh, góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội và bình yên cho mỗi gia đình.

Bạn đang đọc bài viết "Bỗng dưng... thành con nợ" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).