Cảnh giác với kẹo ngọt, nước trái cây chứa chất gây nghiện

21/11/2021 08:28

Một số dạng ma túy tổng hợp mới đang được chào bán trên mạng xã hội dưới dạng bột thực phẩm pha nước trái cây, kẹo ngọt cho trẻ em. Các chuyên gia cảnh báo, đây là những chất gây nghiện rất độc hại, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của giới trẻ.

“Crispy Fruit Mango” loại ma túy có tên là “nước xoài”, được pha vào nước để uống, tạo ảo giác.

Đáng sợ “nước xoài”, “nước dâu”

Cuối tháng 10-2021, trong buổi lễ chào cờ đầu tuần, 9 học sinh Trường THPT Hoành Bồ, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) có biểu hiện ngộ độc, cụ thể như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tê bì chân tay. Khi các học sinh này được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, kết quả test nhanh nước tiểu cho thấy tất cả đều dương tính với ma túy. Công an thành phố Hạ Long xác định, thứ giống kẹo dẻo mà các học sinh ăn phải là một loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ Mỹ, được chiết xuất từ cây cần sa.

Theo cảnh báo của Bộ Công an, ngoài kẹo dẻo, hiện còn có nhiều loại ma túy tổng hợp ngụy trang dưới dạng gói bột thực phẩm pha uống được bán tràn lan trên mạng. Những gói bột được đóng trong loại bao bì bắt mắt có in hình quả dâu, quả xoài, bên ngoài ghi chữ “Crispy Fruit” và có in các thành phần thường thấy của loại nước uống trái cây. Tuy nhiên, bao bì không ghi thông tin của nhà sản xuất cũng như xuất xứ của sản phẩm. Trong bao bì có hình thức bắt mắt này là chất bột có màu trắng đục, có mùi hương dâu, hương xoài. Qua công tác giám định, thành phần chủ yếu trong chất bột này là ma túy tổng hợp MDMA.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã triệt phá thành công nhiều đường dây mua bán trái phép chất ma túy sản xuất dưới dạng nước trái cây. Những ổ nhóm này chuyên sử dụng mạng xã hội và các ứng dụng giao hàng trên mạng để giao dịch mua bán trái phép chất ma túy. Đáng chú ý, thủ đoạn của các đối tượng là nghiền nhỏ ma túy tổng hợp rồi trộn vào bột cà phê hoặc các loại nước ngọt rồi đóng thành túi, chai... Việc mua bán ma túy tổng hợp thường được thực hiện qua mạng, theo mô hình đa cấp, đặc biệt là lợi dụng những học sinh, sinh viên nghiện ma túy. Hình thức đa cấp nguy hiểm ở chỗ phát tán nhanh, người bán ma túy là học sinh, sinh viên nên dễ lôi kéo, đưa bạn bè vào con đường nghiện ngập.

Mức độ độc hại ra sao?

Dưới hình thức nước trái cây nhập khẩu tưởng chừng như vô hại, các loại ma túy tổng hợp nói trên đã được bán cho trẻ em. Đây chính là mối nguy với những học sinh thường xuyên đến hàng quán. Nếu không cảnh giác, trẻ rất dễ bị bạn bè mời uống thứ nước có chất ma túy. Nhiều phụ huynh lơ là, nghĩ đây là sản phẩm nước uống trái cây mà không hề biết rằng chỉ cần uống vài lần là các em có thể bị nghiện, sau đó sẽ tìm đến những loại ma túy nặng hơn.

Bộ Công an khuyến cáo, đây là hình thức, thủ đoạn tội phạm rất mới. Những sản phẩm này nếu được tiêu thụ ở các trường học hay các khu vui chơi thì rất nguy hiểm, gây tác hại khôn lường cho xã hội.

Các loại ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng, vì thế chúng len lỏi vào học đường dưới những cái tên mỹ miều, gây tò mò. Thời gian qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc chất kích thích, trong đó có cả cần sa, ma túy tổng hợp được pha trộn dưới các dạng kẹo ngọt, nước trái cây. Ma túy phá hoại cơ thể trẻ em, có trường hợp chỉ 13 tuổi, 14 tuổi nhưng thường xuyên rối loạn tâm thần, hoang tưởng, rối loạn nhịp tim... như người nghiện lâu năm.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định, những chất ma túy tổng hợp này vô cùng nguy hại cho sức khỏe. Sản phẩm tạo ra sẽ có thêm các tạp chất, độc tính sẽ rất phức tạp, không lường trước được hậu quả. Những chất này tác động tới thần kinh, làm cho thần kinh bị kích thích, trẻ bị lẫn lộn, hôn mê, co giật, rối loạn tâm thần, có thể bị loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tụt huyết áp, suy hô hấp, có thể tử vong. Vì vậy, các bạn trẻ cần tỉnh táo khi được mời chào mua bán, sử dụng các loại ma túy có hình dạng như kẹo ngọt, nước xoài, nước dâu.

Bạn đang đọc bài viết "Cảnh giác với kẹo ngọt, nước trái cây chứa chất gây nghiện" tại chuyên mục Tiêu Dùng. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).