Dữ liệu mới nhất về hiệu quả của vaccine COVID-19
Theo dữ liệu tính đến tháng 7, các vaccine COVID-19 vẫn có khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại COVID-19, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết hôm 30/8.
Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng (ACIP) của CDC đã họp vào hôm qua (30/8) để thảo luận về nhu cầu tiềm liều vaccine COVID-19 tăng cường. Nhà Trắng cho biết họ có kế hoạch triển khai tiêm liều vaccine tăng cường vào cuối tháng 9, nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ và CDC Mỹ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc này.
Cho đến nay, trong dữ liệu kéo dài đến tháng 7, vaccine COVID-19 vẫn có khả năng bảo vệ mạnh mẽ, tiến sĩ Sara Oliver của CDC nói với ACIP hôm 30/8.
"Kể từ khi biến thể Delta xuất hiện, hiệu quả của vaccine chống lại nhiễm COVID-19 dao động từ 39% đến 84%. Tuy nhiên, hiệu quả của vaccine chống lại nguy cơ nhập viện vẫn ở mức cao, từ 75% đến 95%", tiến sĩ Oliver cho biết, trích dẫn dữ liệu toàn cầu.
Tiến sĩ Oliver nói thêm: "Tất cả các loại vaccine vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa nguy cơ nhập viện và bệnh nặng. Nhưng chúng có thể kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa nhiễm COVID-19 và bệnh nhẹ trong thời gian gần đây. Lý do có thể là hiệu quả suy yếu theo thời gian và biến thể Delta".
Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy hiệu quả của vaccine chống lại nguy cơ nhập viện ở người lớn từ 65 tuổi trở lên có thể đã giảm, nhưng chỉ giảm nhẹ theo thời gian, tiến sĩ Oliver nói. Dữ liệu từ CDC Mỹ cho thấy hiệu quả chống lại nguy cơ nhập viện của vaccine vẫn rất cao, đạt mức 94%. Và con số này có thể cao hơn ở người từ 18 đến 74 tuổi, tiến sĩ nói.
"Hiệu quả của vaccine chống lại nguy cơ nhập viện ở người từ 75 tuổi trở lên... đã giảm trong tháng 7 nhưng vẫn trên 80%", tiến sĩ Oliver nói thêm.
Tiến sĩ cho biết: "Dữ liệu chúng tôi thấy lúc này đã chứng minh rằng vaccine COVID-19 tiếp tục duy trì khả năng bảo vệ cao đối với bệnh nặng, nhập viện và tử vong. Khả năng bảo vệ chống lại nhiễm COVID-19, bao gồm cả nhiễm không triệu chứng và nhẹ, dường như thấp hơn trong những tháng gần đây".
Liều vaccine tăng cường có cải thiện khả năng bảo vệ không?
Tiến sĩ Oliver cho biết cả ba công ty sản xuất vaccine cho thị trường Mỹ - Pfizer / BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson - đều đang đánh giá tác động của liều vaccine tăng cường.
Câu hỏi chính là liệu liều vaccine tăng cường có an toàn và có tác dụng cải thiện khả năng bảo vệ hay không, tiến sĩ nói.
"Liệu liều tăng cường của vaccine COVID-19 có làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, nhập viện và / hoặc tử vong do COVID-19 không?", tiến sĩ đặt câu hỏi.
ACIP sẽ họp trong những tuần tới để thảo luận về dữ liệu về hiệu quả của vaccine trong tháng 8, tiến sĩ Oliver nói.
Tiến sĩ Amanda Cohn của CDC cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ công bố thông tin các cuộc họp ngay khi có ngày cụ thể".
FDA đã cấp phép tiêm liều vaccine tăng cường cho một số người bị suy giảm miễn dịch vào đầu tháng này. Trong khi Nhà Trắng thúc giục tiêm liều vaccine tăng cường một cách rộng rãi hơn, CDC và FDA đang chờ đợi thêm thông tin từ các công ty vaccine.
Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng cho biết họ đang xem xét dữ liệu từ Israel cũng như từ Mỹ và muốn đảm bảo Mỹ sẽ ‘đi trước đón đầu’ bất kỳ thay đổi nào trong đại dịch.
Hôm 30/8, Israel bắt đầu triển khai tiêm liều vaccine tăng cường cho tất cả người dân từ 12 tuổi trở lên đã tiêm vaccine ít nhất năm tháng trước.
Các nhà nghiên cứu ở Israel báo cáo hôm 30/8 rằng những người tiêm liều thứ ba của vaccine có nguy cơ bị nhiễm bệnh thấp hơn nhiều, ngay cả khi biến thể Delta dễ lây lan hơn đang quét qua đất nước.
Hôm 27.8, Israel cũng công bố kết quả một nghiên cứu trên 2 triệu người tiêm vaccine Pfizer / BioNTech. Đây là nghiên cứu lớn đầu tiên so sánh rủi ro của việc tiêm vaccine so với việc nhiễm COVID-19 trong cùng một quần thể.