CEO Group kinh doanh ra sao?

20/09/2022 12:53

Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O là một trong 3 tập thể được UBND thành phố Hà Nội đã triển khai lấy ý kiến nhân dân về việc đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai lấy ý kiến nhân dân về việc đề nghị khen thưởng cấp nhà nước cho 3 tập thể. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O được Hà Nội đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; TEDI và Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cùng được đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (MCK: CEO) được thành lập năm 2001 với tên gọi Công ty TNHH Thương mại, Xây dựng và Công nghệ Việt Nam (VITECO). Bước sang năm 2007, công ty chuyển đổi loại hình từ TNHH sang công ty cổ phần, đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư C.E.O với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Công ty chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O vào năm 2015 cùng với sự chính thức ra nhập rổ chỉ số HNX30.

Hiện nay, Tập đoàn CEO đang hoạt động với các lĩnh vực kinh doanh trụ cột bao gồm: Phát triển và quản lý Bất động sản (CEO Home), Phát triển và quản lý Bất động sản nghỉ dưỡng (CEOSona), Du lịch - Quản lý khách sạn, Xây dựng (CEOCons), Phát triển nguồn nhân lực (CEOEdu).

Liên tục tăng vốn điều lệ 

Hồ sơ doanh nghiệp - CEO Group kinh doanh ra sao?

Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City tại Quảng Ninh. (Ảnh: Hữu Thắng)

Tính tới ngày 30/6/2022, CEO Group sở hữu khối tài sản hơn 7.513 tỷ đồng, là chủ đầu tư của các dự án nhà ở, khu đô thị, khu nghỉ dưỡng,... tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc với 2 thị trường trọng điểm là Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang). 

Theo đó, CEO chính là “ông lớn” đứng đằng sau khu nghỉ dưỡng Novotel Phú Quốc Resort với diện tích 7,3 ha cùng hàng loạt các dự án tên tuổi khác ở Phú Quốc, Kiên Giang.

Ngoài ra, Tập đoàn CEO cũng là chủ đầu tư của dự ánSonasea Vân Đồn Harbor City tại Quảng Ninh có quy mô hơn 358 ha. Dự án được khởi công xây dựng năm 2018 với loại hình chính là biệt thự, nhà phố thương mại, căn hộ condotel. Dự án này dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022. Trong đó, khu phố thương mại Singapore Shoptel với 192 căn liền kề đã được hoàn thành vào quý II/2022.

Đi cùng với sự phát triển hàng loạt sự án bất động sản của mình, quá trình tăng vốn điều lệ cũng được CEO Group thực hiện liên tục kể từ khi lên sàn. Từ mức 342 tỷ đồng được duy trì từ năm 2012 tăng vượt mức 1.000 tỷ đồng vào năm 2016, lên hơn 1.500 tỷ đồng vào năm 2017 và đến ngày 30/6/2022, vốn điều lệ của CEO đạt 2.573 tỷ đồng. 

Cuối tháng 8/2022, CEO Group vừa có nghị quyết về việc thông qua phương án triển khai phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 5.146 tỷ đồng. Số tiền thu được từ việc phát hành thêm cổ phiếu sẽ được sử dụng để đầu tư dự án, tăng vốn cho các công ty con và bổ sung vốn lưu động cho hoạt động của công ty. Theo đó, CEO sẽ dành 800 tỷ đồng để đầu tư vào dự án Khu biệt thự cao cấp Sonasea Residence, có tổng diện tích 62,51ha, nằm tại khu phức hợp Bãi Trường, xã Dương Tơ, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. 

Bên cạnh đó, công ty dự kiến tăng thêm vốn cho CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn 1.000 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động và đầu tư dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City. Đồng thời, công ty cũng tăng thêm vốn cho Công ty TNHH C.E.O Quốc tế 200 tỷ đồng đầu tư và đẩy nhanh dự án Khu đô thị mới CEO Mê Linh.

Hồ sơ doanh nghiệp - CEO Group kinh doanh ra sao? (Hình 2).

Cổ phiếu CEO của CEO Group tạo hình cây thông sau khi đạt đỉnh gần 100.000 đồng/CP vào tháng 1/2022 và giảm 75% thị giá cho đến nay. Chốt phiên 19/9/2022 chỉ còn 25.800 đồng/CP. Ảnh: Fireant.

Nhiều lần bị xử phạt vì sai phạm

Trong quá trình hoạt động, CEO cũng nhiều lần vướng phải những lùm xùm về pháp lý dự án, vi phạm hành chính về thuế. 

Tháng 5/2019, Tổng Cục thuế công bố kết quả thanh tra thuế tại CEO Group trong 2 năm 2016 - 2017. Theo đó, cơ quan thuế đã xử lý vi phạm về thuế đối với CEO Group tổng số tiền hơn 2,85 tỷ đồng. Trong đó, nộp bổ sung thuế GTGT 1,13 tỷ đồng, nộp bổ sung thuế TNDN 665,2 triệu đồng, tăng thuê TNCN 377 triệu đồng. Bên cạnh đó, CEO phải nộp thêm khoản tiền chậm nộp và vi phạm hành chính 686,2 triệu đồng.

Tháng 7/2021, Cục Thuế thành phố Hà Nội tiếp tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Cty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (CEO Group). Qua kiểm tra, cơ quan thuế phát hiện CEO Group đã kê khai khấu trừ thuế GTGT mua vào để thi công trường học thuộc dự án Khu đô thị Quốc Oai thuộc đối tượng không chịu thuế, vi phạm Thông tư 26/2015 của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, CEO Group còn có hành vi vi phạm khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp theo quy định tại Nghị định 129/2013 của Chính phủ.

Với các hành vi trên, CEO Group bị phạt hành chính khai sai mức 20% trên số thuế tăng thêm qua kiểm tra do có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp là 224,5 triệu đồng, bị buộc nộp đủ số tiền thuế GTGT còn thiếu vào ngân sách 1,12 tỷ đồng và tiền chậm nộp thuế 72,1 triệu đồng. Tổng số tiền phạt, truy thu, chậm nộp mà CEO Group phải nộp vào ngân sách Nhà nước khi đó là là 1,42 tỷ đồng.

Kỳ vọng vực dậy sau cú sốc thua lỗ

Giai đoạn 2013 đến năm 2019, doanh thu và lợi nhuận của CEO Group liên tục tăng trưởng 2 chữ số, đạt đỉnh doanh thu 4550 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 607 tỷ đồng vào năm 2019. 

Tuy nhiên, năm 2020, cùng với tình hình ảm đạm chung của thị trường, CEO Group chỉ đạt hơn 1.300 tỷ đồng doanh thu, sụt giảm 71% so với năm trước đó và báo lỗ 103 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên CEO báo lỗ kể từ khi lên sàn.

Năm 2021, tuy doanh thu tiếp tục sụt giảm nhưng đã có điểm sáng khi CEO báo lãi hơn 82 tỷ đồng. 

Bước sang năm 2022, CEO Group ghi nhận 718 tỷ đồng doanh thu thuần trong 6 tháng đầu năm, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế của công ty cũng ghi nhận ở mức 69,6 tỷ đồng, tăng đáng kể so với nửa đầu năm 2021. 

Năm 2022, công ty đề ra tham vọng thu về 3.000 tỷ đồng doanh thu và 300 tỷ đồng lợi nhuận. Như vậy, 6 tháng đầu năm 2022, công ty mới chỉ hoàn thành gần 24% kế hoạch doanh thu và 23% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Về định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2022, tại Nghị quyết ĐHCĐ năm 2022, CEO Group đưa ra mục tiêu tái cấu trúc ngành nghề kinh doanh chính, tập trung nhiều hơn cho phát triển BĐS nhà ở, khu đô thị tích hợp du lịch, nghỉ dưỡng, đồng thời cải thiện năng lực cho lĩnh vực xây dựng, chú trọng du lịch nội địa.

Công ty cũng sẽ nghiên cứu mở rộng sang các ngành, lĩnh vực mới như năng lượng xanh, bất động sản khu công nghiệp, bất động sản logistics, bất động sản phục vụ người cao tuổi, viện dưỡng lão… 

Theo khoản 2, Điều 43, Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2005, “Huân chương Lao động” hạng nhì để tặng cho tập thể đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Đã được tặng “Huân chương Lao động” hạng ba, 5 năm tiếp theo liên tục đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” hoặc “Đơn vị quyết thắng” và có hai lần được tặng Cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương hoặc một lần được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”;

b) Lập được thành tích xuất sắc đột xuất.

Điều 29, Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng quy định: “Huân chương Lao động” hạng nhì để tặng cho tập thể đạt được một trong các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Thi đua, Khen thưởng. Trường hợp đạt được thành tích xuất sắc, đột xuất phải là những thành tích có phạm vi ảnh hưởng được nêu gương, học tập trong từng lĩnh vực của cấp Bộ, Ban, ngành, đoàn thể trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bạn đang đọc bài viết "CEO Group kinh doanh ra sao?" tại chuyên mục Doanh Nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).