Ngày 21/4, Công ty Cổ phần Tập đoàn Việt Phương đã tài trợ cho tỉnh Đắk Nông 1,2 triệu USD để thuê tư vấn nước ngoài tư vấn chiến lược quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng ngày, Việt Phương có báo cáo về 4 dự án đang trong quá trình khảo sát, xin chủ trương đầu tư tại Đắk Nông, gồm: dự án tổ hợp bôxit - alumin - nhôm Đắk Glong; dự án điện gió (thuộc huyện Tuy Đức, Đắk Song và Đắk Glong); khu công nghiệp Nhân Cơ 2; tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng tại thành phố Gia Nghĩa.
Việt Phương mong muốn tỉnh thống nhất cho đơn vị được lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư, sớm có văn bản trình Bộ Công thương bổ sung 6 dự án điện gió vào quy hoạch để công ty đầu tư.
Đắk Nông cơ bản chấp nhận các kiến nghị, kế hoạch đầu tư của Việt Phương. Tỉnh yêu cầu sở, ngành cùng với công ty xử lý, giải quyết những vướng mắc, nhất là tích hợp các quy hoạch trong tổng thể chung.
Riêng dự án điện gió, tỉnh Đắk Nông yêu cầu các đơn vị phải có kế hoạch chi tiết, tránh trường hợp khi triển khai xảy ra tình trạng chồng lấn dự án.
Theo tìm hiểu, Việt Phương tiền thân là Công ty TNHH Thương mại, Đầu tư và Du lịch Việt Phương, được thành lập ngày 5/1/1996, với lĩnh vực kinh doanh chính ban đầu là bất động sản và vận tải hành khách công cộng.
Sau đó, Việt Phương mở rộng kinh doanh và phát triển ở nhiều lĩnh vực hoạt động khác như: bất động sản, khoáng sản, tài chính – ngân hàng, dược phẩm y tế và năng lượng, với các dự án: khu du lịch nghỉ dưỡng Sontra Resort và Spa; dự án xây dựng tòa nhà Thị chính Thủ đô Viêng Chăn, Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào; xây dựng nhà máy sản xuất và chế biến gỗ tại Tỉnh Khăm – Muộn,(Công ty Yedco); dự án xây dựng nhà máy chế biến bột cát thạch anh ít sắt chất lượng cao theo công nghệ châu Âu tại Thừa Thiên Huế; phát triển dự án khai thác và chế biến Bauxit tại tỉnh Sê - kông (Lào); đầu tư để trở thành đối tác chiến lược của Tổng Công ty Dược Việt Nam…
Tính đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ Việt Phương đạt 1.400 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Chủ tịch HĐQT Phương Hữu Việt (49%), Đỗ Lên Minh (46%) và Phương Minh Huệ (5%).
Trong năm 2018, doanh thu thuần Việt Phương đạt vỏn vẹn 4,1 tỷ đồng, lãi thuần 2,4 tỷ đồng. Ở các năm tiếp theo, tình hình tài chính tập đoàn có sự chuyển biến tích cực.
Năm 2019 ghi nhận doanh thu thuần công ty lên đến 473,3 tỷ đồng, tăng gấp 115,4 lần. Lãi thuần 2,8 tỷ đồng, tăng 16,6%.
Đáng chú ý, doanh thu năm 2020 tăng vọt 108% lên 985 tỷ đồng. Lãi thuần 27,9 tỷ đồng.
Như vậy, với việc chi đến 1,2 triệu USD cho tỉnh Đắk Nông, Việt Phương sẽ phải dùng 81,5% tổng lợi nhuận lũy kế tích lũy trong giai đoạn 2018 - 2020.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Việt Phương đạt 3.358 tỷ đồng, tăng gần 32% so với số đầu kỳ. Chiếm chủ yếu cơ cấu nguồn vốn là vốn chủ sở hữu 2.682 tỷ đồng (tăng 62,1%), nợ phải trả 676 tỷ đồng (giảm 24,1%).