Bảng chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN
Chốt phiên này, tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 3% lên 28.040,16 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng tăng 1,2% lên 22.154,08 điểm, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,3% lên 3.271,03 điểm.
Theo các nhà phân tích, dù thị trường vẫn lo ngại về cuộc chiến tại Ukraine, song các nhà đầu tư đang đặt cược vào khả năng phục hồi của hoạt động tiêu dùng và việc mở cửa trở lại của các nền kinh tế.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 21/3 đã phát tín hiệu về khả năng tăng lãi suất cao hơn so với mức tăng 0,25 điểm phần trăm trong lần tăng mới nhất, nhằm kiềm chế lạm phát tăng cao ở nước này. Fed đánh giá lạm phát của Mỹ đang ở mức quá cao, đe dọa sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế.
Tuy nhiên, người đứng đầu Fed bày tỏ lạc quan rằng ngân hàng trung ương có thể kiềm chế lạm phát và ổn định thị trường lao động mà không đẩy nền kinh tế Mỹ vào tình trạng suy thoái. Theo các nhà quan sát, lập trường của Fed khiến một số người tự tin rằng cơ quan này có thể kiểm soát được tình hình giá cả.
Seema Shah, chuyên gia tại tổ chức tư vấn Principal Global Investors, có trụ sở tại Mỹ, nhận định tổ chức này có đánh giá tích cực đối với thị trường chứng khoán trong năm nay. Theo bà Shah, mặc dù triển vọng ngắn hạn đối mặt với thách thức, song về cơ bản kinh tế Mỹ vẫn khá vững chắc.
Dù vậy, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục theo dõi những diễn biến tại Ukraine, vốn đã đẩy giá dầu lên mức cao kỷ lục. Chuyên gia Stephen Innes của công ty dịch vụ tài chính SPI Asset Management (Thụy Sỹ), thị trường đang hướng sự chú ý vào hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra trong vài ngày tới, với dự báo về những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.
Chốt phiên giao dịch ngày 23/3, tại Việt Nam, VN-Index giảm 1,44 điểm xuống 1.502,34 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 2,29 điểm lên 851,33 điểm.