Joe, một con bồ câu đua, gần đây nổi tiếng khắp thế giới khi có thông tin rằng nó đã bay khoảng 14.500 km từ Alabama, Mỹ đến Melbourne, Australia.
Theo AFP, truyền thông Australia đưa tin rằng một người đàn ông ở Melbourne tên là Kevin Chelli-Bird đã phát hiện ra con chim. Ông đặt tên cho nó theo tên của tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden. Người đàn ông này đã phát hiện vòng đeo cổ chân Joe có chứa thông tin cho thấy nó có thể là một con chim đua đến từ Mỹ.
Khi tin tức được lan truyền, các quan chức kiểm dịch của Australia đã cho rằng Joe là một "nguy cơ an toàn sinh học". Họ đề nghị thực hiện cái chết nhân đạo cho Joe để ngăn khả năng lây truyền bệnh dịch.
Joe, chú chim bồ câu được cho là đến từ Mỹ, có thể thoát khỏi án tử của Australia vì ID Mỹ trên vòng chân của nó là giả. Ảnh: Kevin Chelli-Bird. |
Phó thủ tướng Australia, ông Michael McCormack nói với truyền thông: “Nếu Joe không đáp ứng các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt của chúng tôi thì xui xẻo cho nó, nó sẽ phải bay về (Mỹ) hoặc nhận hình phạt tại đây”.
Tin tức về “án tử” dành cho con chim lan truyền trên rất nhiều trên mạng vào ngày 15/1. Nhiều người đam mê chim bồ câu đặt ra nghi ngờ về gốc gác thật của Joe.
Họ bắt đầu tìm hiểu về chiếc vòng đeo chân của con chim và phát hiện ra đó có thể là một món đồ nhái được bán phổ biến trên mạng. Nhiều chủ sở hữu chim bồ câu tại địa phương đã mua món phụ kiện tương tự cho vật cưng của mình.
Joe dường như là một giống chim bồ câu địa phương của Australia có tên là Turkish Tumbler, chứ không phải là chim đua đến từ Mỹ.
“Chúng không được nuôi để đua đường dài mà thường được huấn luyện để biểu diễn trên không”, Lars Scott, một thành viên thuộc tổ chức giải cứu chim bồ câu của Melbourne, cho biết, theo AFP.
Anh Scott khẳng định vòng chân của con chim là đồ giả. Hiệp hội chim bồ câu đua của Mỹ sau đó cũng đã xác thực tin này trên Facebook nhằm cứu con chim khỏi án tử.
Các quan chức kiểm dịch cho biết họ vẫn đang điều tra nguồn gốc của Joe. Người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp Australia cho biết: “Con chim được gắn thẻ thông tin của Mỹ, bộ vẫn đang làm việc để xác định tính xác thực của nó”.