Viện KSND tối cao đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Phạm Đức Thịnh (49 tuổi, quê Hải Phòng, trú thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thực hiện đến TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để xét xử. Viện KSND tối cao cũng phân công Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án.
Phạm Đức Thịnh là người thành lập và điều hành Công ty cổ phần thiết bị và vật tư Miền Nam.
Theo cáo trạng vụ án, tháng 6-2015, Phạm Đức Thịnh ký hợp đồng mua thanh lý tàu chuyên chở dầu thô "Ba Vì" của một doanh nghiệp dầu khí ở Vũng Tàu. Khi mua tàu, Thịnh vay vốn ngân hàng với phương án sẽ đưa tàu về tháo ra bán sắt vụn. Nhưng sau đó, Thịnh bán nguyên con tàu cho một công ty ở Hong Kong. Việc nhận tiền và giao tàu giữa hai bên đã hoàn thành vào cuối tháng 10-2015.
Cũng trong thời gian trên, Thịnh nói với ông Phạm Văn Việt (trú phường Khương Trung, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) đã mua được tàu Ba Vì và cần vốn để lo chi phí lai dắt, thủ tục phá dỡ tàu. Thịnh đưa ông Việt đi xem tàu cũng như các giấy tờ pháp lý và rủ ông này góp 10 tỉ đồng để phá dỡ tàu. Khi tháo dỡ tàu, ông Việt sẽ nhận khoảng 14 tỉ đồng và được quyền giới thiệu khách mua sắt, được mua lại nồi hơi của tàu.
Tháng 10-2015, ông Việt ký hợp đồng góp vốn với Thịnh với nội dung như trên và ngay trong tháng ông đã chuyển đủ 10 tỉ đồng cho Thịnh.
Sau đó khi không thấy tàu lai dắt từ Vũng Tàu về Cái Mép (thị xã Phú Mỹ), ông Việt đi dò hỏi thông tin mới biết tàu Ba Vì đã "xuất cảnh" ra nước ngoài. Ông Việt đòi lại tiền góp vốn thì được Thịnh trả lại 4,8 tỉ đồng vào năm 2016.
Suốt từ năm 2018 đến 2020, ông Phạm Văn Việt liên tục tố cáo Phạm Đức Thịnh đến cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết. Tháng 7-2020, ông Việt làm đơn tố cáo khẩn cấp Phạm Đức Thịnh đến Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an. Tháng 1-2021, cơ quan này khởi tố, bắt giam Thịnh.
Đến nay, bị can Thịnh và gia đình đã trả số tiền còn lại cho ông Phạm Văn Việt.
Quá trình điều tra vụ lừa đảo, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an phát hiện thêm bị can Thịnh có hành vi tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Cụ thể năm 2013, Thịnh nhờ người làm giả CMND mang tên một người khác trú ở Gia Lộc, Hải Dương và dán ảnh của mình. Thịnh dùng giấy tờ giả này để làm hộ chiếu và nhiều lần xuất cảnh cũng như mở tài khoản ngân hàng, đăng ký nộp thuế, đăng ký hoạt động cho một doanh nghiệp khác.
Năm 2017, Thịnh mua một khẩu súng rulo là vũ khí quân dụng ở Lạng Sơn và tàng trữ tại nơi ở của mình. Khẩu súng này bị phát hiện trong quá trình công an khám xét nhà Thịnh vào tháng 1-2021.
Trước đó, tháng 6-2016, Thịnh bị bắn hai phát ngay tại khu vực đất của mình ở xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ nhưng may mắn thoát chết. Chủ mưu và những người bắn bị can này đã bị tòa án xét xử vào đầu năm 2017 với mức án từ 6 đến 17 năm tù. Nguyên nhân của vụ án này xuất phát mâu thuẫn trong tình cảm, sinh sống, làm ăn giữa Thịnh với một phụ nữ - chủ mưu trong vụ án.
Ngoài ra, bị can Phạm Đức Thịnh còn xây dựng trái phép trên diện tích đất rộng 43.500m2 ở núi Nhọn, xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ. Tuy nhiên việc này chưa đủ yếu tố hình sự nên Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an thông báo đến UBND thị xã Phú Mỹ.
Theo chính quyền khu đất mà bị can Thịnh xây nhà, biệt thự trái phép có nguồn gốc là đất quốc phòng đã bàn giao cho địa phương quản lý.