Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trở lại trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (15/11), sau khi một bản báo cáo nữa cho thấy tốc độ tăng của giá cả ở nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đang chậm lại. Thông tin khả quan này cũng góp phần đưa giá dầu thô đi lên, bên cạnh tin dòng chảy dầu Nga qua một đường ống dẫn tới Hungary bị gián đoạn.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 56,22 điểm, tương đương tăng 0,71%, đạt 33.592,92 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,87%, đạt 3.991,73 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,45%, đạt 11.358,41 điểm.
Cả ba chỉ số cùng xanh sau khi báo cáo thống kê cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI), một thước đo lạm phát bán buôn, tăng 0,2% trong tháng 10 so với tháng 9, chỉ bằng một nửa so với mức tăng 0,4% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Báo cáo này nối tiếp số liệu khả quan vào tuần trước cho thấy giá tiêu dùng đã tăng chậm lại trong tháng 10 - nhân tố thúc đẩy một đợt phục hồi mạnh của giá cổ phiếu ở Phố Wall.
“Báo cáo PPI chắc chắn làm gia tăng động lực cho những người đang cảm thấy cuối cùng lạm phát đã qua đỉnh. Thị trường đã bám vào bản báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố vào tuần trước. Phản ứng ban đầu với báo cáo PPI ngày hôm nay cũng tương tự”, trưởng bộ phận xây dựng chiến lược mô hình của bộ phận Văn phòng Đầu tư Toàn cầu thuộc Morgan Stanley, ông Mike Loewengart nhận định trên hãng tin CNBC.
Những nhận định cho rằng lạm phát ở Mỹ đã qua đỉnh đang được củng cố, nhưng tiêu chuẩn để Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có sự dịch chuyển trong chính sách tiền tệ vẫn còn cao - theo nhà phân tích chiến lược đầu tư Ross Mayfield của Baird nhận định.
“Sẽ có sự lo lắng ở Fed, xét tới mối lo về uy tín của họ và mong muốn tránh lặp lại những sai lầm của thập niên 1970, cụ thể là việc dừng chính sách thắt chặt không đúng thời điểm gây lạm phát kéo dài. Tuy nhiên, cơ sở cho sự giảm tốc của lãi suất trong năm 2023 đã được thiết lập”, ông Mayfield nói.
Các hợp đồng lãi suất tương lai ở Mỹ đang phản ánh kỳ vọng giảm về lãi suất cực đại của Fed trong chu kỳ thắt chặt này. Các nhà đầu tư đang đặt cược Fed sẽ nâng lãi suất lên mức cao nhất là 4,9% vào tháng 5 hoặc tháng 6/2023, thay vì mức dự báo 5% đưa ra vào tuần trước. Họ cũng tin rằng lãi suất sẽ giảm về mức 4,39% vào cuối năm do Fed giảm lãi suất.
Khả năng Fed tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 12 đã tăng lên mức 93%, từ mức 71,5% vào tuần trước.
Đây là phiên tăng thứ ba của chứng khoán Mỹ trong vòng 4 phiên trở lại đây. Từ đầu tháng tới nay, Dow Jones đã tăng 2,6%; S&P 500 và Nasdaq tăng tương ứng 3,1% và 3,4%.
Chứng khoán toàn cầu tăng điểm mạnh trong phiên ngày thứ Ba. Chỉ số MSCI All Country World Index của thế giới tăng 1,03%; chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 2,2%.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,72 USD/thùng, chốt ở 93,86 USD/thùng. Giá dầu WTI tại thị trường New York tăng 1,05 USD/thùng, chốt ở 86,92 USD/thùng.
“Vàng đen” tăng giá sau khi có tin nguồn cung dầu Nga tới Hungary qua đường ông Druzhba bị gián đoạn tạm thời vì áp suất trong đường ống sụt giảm. Công ty đường ống quốc doanh Nga Transneft đã được phía Ukraine thông báo về sự cố này - thông tấn Nga RIA đưa tin.
Một báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 15/11 nói răng lệnh cấm vận dầu lửa Nga vận chuyển bằng đường biển từ ngày 5/12 của Liên minh châu Âu (EU) đồng nghĩa rằng thế giới cần có thêm 1,1 triệu thùng dầu mỗi ngày để thay thế.
“Khi bạn nhìn vào những thông tin mà IEA đưa ra về lượng dầu tồn kho toàn cầu, đó là những con số có lợi cho giá dầu”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định.
Dữ liệu lạm phát yếu của Mỹ cũng có lợi cho giá dầu. Ngoài ra, giá dầu còn được hỗ trợ bởi sự giảm giá của đồng USD.
Tuy nhiên, triển vọng u ám của kinh tế toàn cầu đang gây áp lực giảm lên giá dầu. IEA dự báo với triển vọng kinh tế toàn cầu như hiện nay, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong quý 4/2022 sẽ giảm gần 1/4 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Về năm tới, IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu cầu sẽ giảm còn 1,6 triệu thùng/ngày, từ mức 2,1 triệu thùng/ngày của năm nay.
Tình hình Covid-19 ở Trung Quốc cũng đặt ra một số bất lợi cho giá dầu. Số ca nhiễm đang tăng mạnh ở nhiều nơi, bao gồm Bắc Kinh, dẫn tới việc nhà chức trách áp các biện pháp nghiêm ngặt. Ngân hàng JPMorgan Chase đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 4 năm nay và cả năm. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cũng cắt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2022, lần đầu tiên kể từ tháng 4.