Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (8/12), với chỉ số S&P 500 chấm dứt chuỗi phiên giảm dài nhất kể từ tháng 10, trong bối cảnh giới đầu tư ở Phố Wall tiếp tục nghiền ngẫm về nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế. Giá dầu thô nỗ lực phục hồi, nhưng cuối cùng vẫn chốt phiên trong sắc đỏ.
Lúc đóng cửa, S&P 500b tăng 0,75%, đạt 3.963,51 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 183,56 điểm, tương đương tăng 0,55%, đạt 33.781,48 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,13%, đạt 11.082 điểm.
Dù hồi phục, thị trường vẫn đang trên đà hoàn tất một tuần giảm. Nếu tính từ đầu tuần, Dow Jones đã giảm 1,88%; S&P 500n và Nasdaq giảm tương ứng 2,66% và 3,31%.
“Cổ phiếu đã bị bán mạnh trong mấy ngày vừa qua, nên không cần nhiều sự hỗ trợ để có một phiên phục hồi khiêm tốn”, chiến lược gia Quincy Krosby của LPL Financial nói với hãng tin CNBC. Nói về chất xúc tác cho phiên “xanh” này, bà Krosby chỉ đến báo cáo số đơn trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần, đặc biệt là số người tiếp tục xin trợ cấp.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua tăng nhẹ, trong đó số người tiếp tục xin trợ cấp tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1. Dữ liệu này phản ánh một thị trường lao động đang yếu đi - đúng với kịch bản đã được tính đến là thị trường lao động cần suy yếu để Fed có thể khống chế lạm phát một cách thành công.
“Một lần nữa, chúng ta lại ở trong tình trạng tin tốt là tin xấu”, bà Krosby nói.
Cổ phiếu con chip và công nghệ - những nhóm bị bán nhiều trong năm nay - khởi sắc rõ rệt trong phiên này. Nvidia và Amazon chốt phiên với mức tăng tương ứng 6,5% và 2,1%.
Nhà đầu tư đang hướng toàn bộ sự chú ý đến cuộc họp chính sách tiền tệ vào tuần tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), với kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm. Đây là một bước nhảy được rút ngắn so với mức tăng 0,75 điểm phần trăm trong 4 lần họp liên tiếp trở lại đây của Fed, nhưng có thể sẽ không có nhiều tác dụng trong việc giải toả nỗi lo suy thoái kinh tế, bởi Fed vẫn phải tiếp tục cuộc chiến chống lại sự leo thang của giá cả.
Ngoài ra, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố trong tuần tới cũng sẽ phản ánh rõ nét hơn về đường đi của lạm phát. Báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu (9/12).
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,5 USD/thùng, tương đương giảm 0,7%, chốt ở 76,67 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,16 USD/thùng, tương đương giảm 0,2%, còn 71,85 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng vào đầu phiên giao dịch, nhưng không giữ được sắc xanh cho tới cuối phiên. Tương tự như trên thị trường cổ phiếu, tâm trí nhà đầu tư năng lượng cũng đang bị đè nặng bởi nỗi lo suy thoái kinh tế khi chu kỳ tăng lãi suất của Fed, dù có khả năng giảm tốc, vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Nhân tố giúp hạn chế mức giảm của giá dầu phiên này là việc Trung Quốc hôm thứ Tư công bố nới lỏng mạnh mẽ các biện pháp chống Covid. Ngoài ra, thông tin có ít nhất 20 tàu trở dầu đang bị kẹt trên biển Địa Trung Hải sau khi xuất phát từ các hải cảng Nga trên Biển Đen cũng hỗ trợ giá dầu. Những con tàu này bị kẹt do yêu cầu mới về bảo hiểm mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra liên quan đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào dầu thô Nga.
Cả giá dầu Brent và WTI đều đang ở vùng thấp nhất kể từ đầu năm, để mất hết thành quả tăng có được sau khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine. Đầu năm nay, cuộc chiến này đã đẩy giá dầu lên mức không xa mức cao nhất mọi thời đại là 147 USD/thùng thiết lập hồi năm 2008.
Nhận định về tình trạng tắc nghẽn tàu chở dầu ở Địa Trung Hải, nhà phân tích Tamas Varga của PVM Oil nói rằng điều này cho thấy nguồn cung dầu từ Biển Đen đã bị ảnh hưởng bởi sự trừng phạt nhằm vào Nga. “Trong một môi trường kinh tế mạnh, diễn biến như thế này có thể khiến giá dầu chạy đua tới ngưỡng 100 USD/thùng”, bà Varga nói với hãng tin Reuters.