Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (5/4), khi nhà đầu tư chờ biên bản cuộc họp tháng 3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến công bố vào ngày thứ Tư, đồng thời lo lắng về lập trường chính sách tiền tệ của một số quan chức Fed.
Giá dầu thô cũng đi xuống do lo ngại về tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 280 điểm, tương đương giảm 0,8%, còn 34.641,18 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,3%, còn 4.525,12 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 2,3%, còn 14.204,17 điểm.
Phiên giảm điểm này diễn ra sau khi bà Lael Brainard, một Thống đốc của Fed, phát tín hiệu ủng hộ việc nâng lãi suất và nói rằng việc giảm nhanh bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương này có thể bắt đầu ngay trong tháng 5. Thị trường đang chờ xem biên bản cuộc họp tháng 3 của Fed có thêm tín hiệu cụ thể nào về đường đi của chính sách tiền tệ cũng như việc cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán.
“Kéo lạm phát xuống là việc vô cùng quan trọng vào lúc này”, bà Brainard phát biểu tại một hội thảo trực tuyến của chi nhánh Fed tại Minneapolis. Bà Brainard là người được đề cử làm Phó chủ tịch của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) – bộ phận đưa ra quyết sách trong Fed.
Cùng ngày, một quan chức khác của Fed cũng khiến thị trường lo lắng. Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly cam kết việc tăng lãi suất và chia sẻ mối lo lắng về lạm phát. “Tôi hiểu rằng lạm phát cũng nguy hiểm như không có việc làm vậy”, bà Daly phát biểu – một tín hiệu cho thấy vị quan chức Fed này sẵn sàng hy sinh mục tiêu tạo công ăn việc làm để tập trung chống lạm phát.
Giá dầu đã có một phiên biến động mạnh trước khi chôt phiên trong sắc đo. Thị trường lo ngại rằng số ca nhiễm mới Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới suy giảm. Một sự suy giảm nhu cầu như vậy có thể bù đắp cho tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu tiềm tàng từ Nga, trong bối cảnh Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến áp các biện pháp trừng phạt mới lên nước này vì cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,83%, còn 106,64 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,28%, còn 101,96 USD/thùng.
Chính quyền Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, gia hạn phong tỏa đối với toàn bộ 26 triệu dân của thành phố do số ca nhiễm tiếp tục tăng sau đợt phong tỏa vừa rồi. Tình trạng phong tỏa kéo dài này dẫn tới mối lo ngày càng lớn rằng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ suy yếu.
Trong khi đó, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga có thể được công bố trong tuần này. EU cũng đã đề xuất những biện pháp trừng phạt cứng rắn mới đối với Nga, bao gồm cấm nhập khẩu than từ Nga. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói rằng một lệnh cấm than Nga sẽ được tiếp nối bởi lệnh cấm nhằm vào dầu thô và khí đốt Nga.
Về phần mình, Anh hối thúc nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) và các nước trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cấm tàu Nga cập cảng và nhất trí một lộ trình để tiến tới chấm dứt nhập khẩu dầu thô và khí đốt từ Nga.
“Nguy cơ châu Âu trừng phạt dầu Nga vẫn là một nhân tố giá lên đối với dầu thô”, nhà phân tích cấp cao Craig Erlam thuộc Oanda nhận định. “Việc Mỹ xả dự trữ dầu đã giúp giải tỏa một phần áp lực trong bối cảnh nguồn cung dầu từ Nga gián đoạn”.
Để “hạ nhiệt” giá dầu, Mỹ và các nước đồng minh trong tuần trước đã nhất trí phối hợp xả dự trữ dầu. Trong đợt xả này, Mỹ sẽ rút mỗi ngày 1 triệu thùng dầu từ dự trữ chiến lược, kéo dài trong vòng 3 tháng bắt đầu từ tháng 5. Tuy nhiên, các nước đồng minh của Mỹ trong Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vẫn chưa thống nhất được việc sẽ xả bao nhiêu – theo tiết lộ của nguồn thạo tin với hãng tin Reuters.
Tình hình sản lượng khai thác dầu của một số quốc gia trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, cũng hỗ trợ giá dầu.
Iraq bơm 4,15 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 3, ít hơn 222.000 thùng so với hạn ngạch được cấp trong thỏa thuận sản lượng của OPEC+. Nga, một thành viên chủ chốt của liên minh này, chứng kiến sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ hàng ngày ở thời điểm đầu tháng 4 giảm 4% so với tháng 3.
Kazakhstan, một thành viên khác của OPEC+, giảm dự báo sản lượng dầu năm nay còn 85,7 triệu tấn, từ mục tiêu trước đó là 87,5 triệu tấn, do hỏng hóc tại cảng dầu Caspian Pipeline Consortium ở Nga.