Chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh sau khi Fed nâng lãi suất, giá dầu lao dốc

02/02/2023 08:43

Những phát biểu của ông Powell trong cuộc họp báo sau đó càng đẩy cao tâm trạng lạc quan trên thị trường...

chung-khoan-my-1675300870.png Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ có cú “lội ngược dòng” ngoạn mục trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (1/2), đảo chiều từ giảm thành tăng để chốt phiên trong sắc xanh sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có động thái tăng lãi suất không nằm ngoài dự kiến và Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận lạm phát đang giảm. Giá dầu mất hơn 3% sau báo cáo cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng nhiều hơn dự báo.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 1,05%, đạt 4.119,21 điểm, dù trong phiên có lúc giảm khoảng 1%. Chỉ số Nasdaq tăng 2%, chốt ở 11.816,32 điểm, được dẫn dắt bởi các cổ phiếu con chip sau khi hãng chip AMD công bố kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo.

Dow Jones là chỉ số có mức tăng khiêm tốn nhất, chỉ tăng 6,92 điểm, tương đương tăng 0,02%, đạt 34.092,96 điểm. Dù vậy, đây vẫn là một kết quả tích cực xét đến việc Dow Jones giảm hơn 500 điểm ở thời điểm đáy của phiên.

Động thái tăng lãi suất mới nhất của Fed là sự giảm tốc từ đợt tăng nửa điểm phần trăm hồi tháng 12, từ đó củng cố tia hy vọng của nhà đầu tư rằng ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới sẽ sớm giảm bớt độ cứng rắn trong chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ này. Những phát biểu của ông Powell trong cuộc họp báo sau đó càng đẩy cao tâm trạng lạc quan trên thị trường.

“Giờ đây, lần đầu tiên chúng tôi có thể nói rằng quá trình giảm lạm phát đã bắt đầu. Chúng ta đã có thể nhìn thấy điều đó, thực sự nhìn thấy điều đó trong diễn biến giá cả”, ông Powell nói.

Dù vậy, Fed chưa đưa ra một tín hiệu thực sự nào về việc sắp dừng tăng lãi suất. Tuyên bố sau cuộc họp của Fed vẫn giữ nguyên những ngôn từ của lần họp tháng 12, rằng “việc tiếp tục tăng lãi suất trong tầm mục tiêu sẽ là phù hợp để đạt tới một trạng thái chính sách tiền tệ đủ thắt chặt để dần kéo lạm phát về 2%”.

Tại họp báo, ông Powell nói thêm rằng Fed sẽ cần phải cứng rắn thêm một thời gian và Fed vẫn còn việc phải làm.

“Tôi chưa thấy có dấu hiệu nào về việc Fed đã mở cánh cửa cho việc cắt giảm lãi suất trong năm 2023. Tôi không chắc Fed thậm chí có đang cố gắng tạo ra một cuộc hạ cánh mềm hay không. Dù họ không nói ra, nhưng biết đâu họ lại thích khía cạnh giảm lạm phát của một cuộc suy thoái và một thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) phù hợp”, nhà quản lý danh mục Bill Zox của Brandywine Global nói với hãng tin CNBC.

Gần đây, có một số dấu hiệu cho thấy lạm phát đang suy yếu trong nền kinh tế và Fed đã thừa nhận điều này. Tuyên bố của Fed nói lạm phát “đã dịu đi một phần nhưng vẫn còn ở mức cao”.

Trong phiên này, các chỉ số còn nhận được lực hỗ trợ từ các báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 nhìn chung cho thấy lợi nhuận vững vàng của các công ty niêm yết. AMD chứng kiến giá cổ phiếu tăng 12,6% sau khi công bố báo cáo.

Phiên tăng này diễn ra sau khi Phố Wall vừa hoàn tất một tháng tăng ấn tượng của giá cổ phiếu. S&P 500 có tháng Giêng tăng mạnh nhất từ 2029 trong khi Nasdaq có tháng Giêng tăng mạnh nhất 22 năm.

Chứng khoán toàn cầu tăng điểm mạnh trong phiên ngày thứ Tư, với chỉ số MSCI của thị trường thế giới tăng 1,08%, mạnh nhất kể từ hôm 20/1. Trong phiên, có lúc chỉ số đạt mức cao nhất từ trung tuần tháng 8.

Tại thị trường châu Âu, nhà đầu tư thận trọng trước thềm cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) vào ngày thứ Năm tuần này, với mức tăng lãi suất dự kiến của cả hai là 0,5 điểm phần trăm. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu đóng cửa với mức giảm 0,03%.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 2,62 USD/thùng, tương đương giảm 3,1%, còn 82,84 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 2,46 USD/thùng, tương đương giảm 3,1%, còn 76,41 USD/thùng.

Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Mỹ tăng mạnh trong tuần kết thúc vào ngày 27/1, lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2021.

Trong đó, tồn kho dầu thô tăng 4,1 triệu thùng, lớn hơn nhiều so với mức tăng 0,4 triệu thùng mà giới phân tích dự báo trước đó, đạt 452,7 triệu thùng. Đây là tuần tăng thứ 6 liên tiếp của tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ, khi nhu cầu dầu thô của các nhà máy lọc dầu ở nước này yếu đi và lượng nhập khẩu ròng dầu thô tăng lên.

“Thị trường đang phản ứng với báo cáo cho thấy nhu cầu xăng dầu yếu đi”, nhà quản lý danh mục John Kilduff của Again Capital LLC phát biểu.

Dù vậy, giá dầu tiếp tục được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng USD. Chỉ số Dollar Index giảm 0,9% trong phiên ngày thứ Tư.

Trong cuộc họp cùng ngày, liên minh OPEC+ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga quyết định giữ nguyên hạn ngạch sản lượng. Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy sản lượng dầu trên thực tế của OPEC giảm trong tháng 1, ít hơn 920.000 thùng so với mục tiêu mà OPEC+ đề ra. Trước đó, trong tháng 12, sản lượng dầu của OPEC ít hơn 780.000 thùng so với hạn ngạch.

Phó thủ tướng Nga Alexander Novak nói rằng ông kỳ vọng nhu cầu dầu sẽ tăng khi các hoạt động kinh tế của Trung Quốc tăng tốc.

Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin vững giá ở vùng dưới 24.000 USD. Lúc hơn 6h sáng nay (2/2), giá Bitcoin tăng gần 2,7% so với cách đó 24 tiếng, đứng ở ngưỡng 23.759 USD. So với cách đó 1 tuần, giá Bitcoin đang cao hơn 3,3%.

Bạn đang đọc bài viết "Chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh sau khi Fed nâng lãi suất, giá dầu lao dốc" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).