Dự án An Lạc Green Symphony tọa lạc tại vị trí thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội có tổng diện tích là 70ha với một mặt giáp đường vành đai 3.5 và một mặt giáp với đường 70 Xuân Phương, do Công ty CP Đầu tư An Lạc là đơn vị được ủy quyền phân phối sản phẩm.
Từ thời điểm cuối năm 2020, các hoạt động kinh doanh tại vị trí khu đất xây dựng dự án An Lạc Green Symphony đã diễn ra rầm rộ.
Theo nhân viên kinh doanh bất động sản có mặt tại xã Vân Canh quảng cáo: “Dự án An Lạc Green Symphony có chủ đầu tư là Tập đoàn Hà Đô và Công ty CP đầu tư An Lạc là công ty thuộc quản lý của tập đoàn.
|
Khu đất xây dựng dự án An Lạc Green Symphony. |
Hiện tại, dự án đã hoàn thiện hạ tầng, xây dựng xong 1 dãy nhà liền kề, biệt thự. Vị trí phân khu xây dựng chung cư đang triển khai”. Bên cạnh đó, dự án có quy hoạch và đã hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Khách muốn mua sản phẩm tại dự án An Lạc Green Symphony phải đặt cọc 200 triệu đồng và thanh toán tiền mua thành 5 đợt khác nhau.
“Trong vòng 24 giờ nếu chị không chốt được vị trí căn thì sẽ không được hoàn trả số tiền 200.000.000 VNĐ tiền đặt cọc mà mình ký phiếu đặt cọc” - nhân viên này cho biết.
Khi được nhiều cơ quan báo chí hỏi về cơ sở pháp lý của dự án an An Lạc Green Symphony vào cuối tháng 12/2020, ông Sơn và bà Phạm Hoàng Yến, Trưởng phòng pháp chế của An Lạc khẳng định hiện đã đầy đủ, song không cung cấp cho phóng viên bất kỳ văn bản nào với lý do… bí mật kinh doanh.
Còn theo thông tin từ Cục thuế TP. Hà Nội vào đầu tháng 2/2021 khẳng định, hiện nay cơ quan chức năng chưa có quyết định phê duyệt thu tiền sử dụng đất bổ sung của cơ quan có thẩm quyền, do đó Cục Thuế TP Hà Nội chưa có căn cứ để ban hành thông báo thu tiền sử dụng đất dự án An Lạc Green Symphony.
Trước đó (tháng 6/2020), TP Hà Nội ban hành Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án An Lạc Green Symphony (tiền thân là dự án Khu đô thị Đại học Vân Canh).
Thông qua Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, Hà Nội yêu cầu các sở ban ngành của thành phố phối hợp thực hiện. Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở Tài chính và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai và các nghĩa vụ khác liên quan; Hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục quản lý, sử dụng đất, điều chỉnh giao đất, bảo vệ môi trường theo quy định.
Thành phố cũng giao Sở Tài chính, Cục thuế TP Hà Nội hướng dẫn, giám sát, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với dự án.
Tuy nhiên, đến nay đã quá nửa năm, các đơn vị được giao chưa hoàn thành nhiệm vụ, dẫn đến Cục Thuế Hà Nội chưa có cơ sở phát hành thông báo về việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hoà cho rằng, khi dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư sẽ có sự thay đổi về giá đất dự án. Giá đất có biến động nhưng chưa có quyết định phê duyệt thu tiền sử dụng đất bổ sung của cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, nghĩa vụ về thuế ở đây đang dang dở.
"Khi xuống tiền trong khoảng thời gian này sẽ rất dễ xảy ra các rủi ro mà người mua nhà bị thiệt thòi, rất khó đấu tranh đòi quyền lợi. Đó là chưa nói tới đặc trưng của việc mua nhà ở hình thành trong tương lai tồn tại nhiều rủi ro pháp lý. Vì thế khách hàng cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi quyết định mua nhà", Luật sư Tùng khuyến cáo.