Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa có văn bản nhắc nhở Tân Tạo về việc chậm công bố thông tin BCTC soát xét bán niên 2022.
Đồng thời, cảnh báo về khả năng cổ phiếu rơi vào diện kiểm soát nếu công ty không thể công bố BCTC soát xét bán niên trong vòng 15 ngày, kể từ thời hạn chót công bố theo quy định (29/8).
Trước đó, HoSE đã quyết định đưa cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo kể từ ngày 6/9/2022 do công ty vi phạm quy định về công bố thông tin 4 lần trở lên trong vòng 1 năm, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo.
Thêm vào đó, từ ngày 29/8, cổ phiếu ITA cũng bị đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
Sau khi thiết lập mức đỉnh vào phiên 6/1/2022 ở mức 18.600 đồng/cp, cổ phiếu ITA đã quay đầu xuống dốc và tiếp tục chuỗi ngày giao dịch dưới mệnh giá.
Chốt phiên ngày 9/9, cổ phiếu ITA đang giao dịch ở mức 5.740 đồng/cp, ghi nhận chuỗi trượt dốc với 9 phiên giảm liên tục, trong đó có 2 phiên giảm sàn. Như vậy, tính từ thời điểm tạo đỉnh đến nay, cổ phiếu ITA đã giảm hơn 70%.
Cổ phiếu ITA liên tục giảm mạnh trong thời gian gần đây trong bối cảnh công ty dính vào những lùm xùm như bị “cáo buộc phá sản”, “nhầm lẫn” trong việc hạch toán tạm ứng nghìn tỷ đồng cho Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến.
Theo đó, mới đây Tổng cục thuế đã yêu cầu Cục Thuế TPHCM rà soát công tác quản lý thuế đối với Tân Tạo và xác minh số tiền “hạch toán sai” này cho vị lãnh đạo công ty.
Một vấn đề nữa là ITA vừa xin phép HoSE chậm công bố BCTC soát xét vì đơn vị kiểm toán ban đầu từ chối kiểm toán, doanh nghiệp đành phải thay thế một đơn vị kiểm toán khác.
Nếu nghĩa vụ công bố BCTC này không hoàn thành nhiều khả năng cổ phiếu ITA sẽ bị đưa vào diện kiểm soát.
Cũng ở trong hoàn cảnh tương tự đó là FLC của Tập đoàn FLC, mới đây, HoSE cũng ra quyết định chuyển cổ phiếu FLC từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch kể từ ngày 9/9 vì chưa tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2022; chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm nay.
Những sai phạm được phát giác gần đây của cựu chủ tịch Trịnh Văn Quyết khiến FLC gặp thêm nhiều khó khăn. Việc cổ phiếu FLC bị đình chỉ giao dịch khiến tình hình trở nên tồi tệ.
Cổ phiếu FLC từng vào top 30 doanh nghiệp lớn, thuộc nhóm VN30 trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, trong cả thập kỷ qua, doanh nghiệp này gần như không trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Giá cổ phiếu lên xuống thất thường và rất nhiều nhà đầu tư thua lỗ vì những chiêu trò của cựu lãnh đạo doanh nghiệp.
Trong vòng chưa tới 6 tháng, cổ phiếu FLC giảm từ mức 15.000 đồng/cp về mức 4.000 đồng/cp như hiện tại. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lo ngại không biết đến khi nào cổ phiếu FLC thoát khỏi tình cảnh này, khi quá trình điều tra vẫn đang tiếp diễn.
Trong hai phiên giao dịch 26/8 và 29/8, cổ phiếu FLC tiếp tục giảm sàn với dư bán rất lớn. Vốn hóa FLC đã bốc hơi khoảng 7.000 tỷ đồng kể từ giữa tháng 3 tới nay.
Tình trạng bị đình chỉ không chỉ xảy đến với FLC mà với cả ROS khi không thể công bố thông tin vì liên quan đến lãnh đạo cấp cao.
Tại buổi họp báo tháng 9, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh khi nào các doanh nghiệp khắc phục được các vi phạm và có nguyện vọng đề xuất giao dịch trở lại với các cổ phiếu này thì cơ quan chức năng mới xem xét cho phép quay trở lại giao dịch theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, Tập đoàn FLC chưa có báo cáo kiểm toán và tổ chức Đại hội cổ đông, còn Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros - FLC Faros thì không có báo cáo tài chính.
Để đảm bảo quyền lợi của mình, các nhà đầu tư phải có ý kiến trong Đại hội cổ đông để yêu cầu các doanh nghiệp này phải khắc phục các sai phạm và đề xuất giao dịch trở lại với các cổ phiếu.