Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) cho biết vừa thực hiện chuyến khảo sát thực tế các dự án bất động sản nghỉ dưỡng trọng điểm sẽ đóng góp doanh thu chính của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL) trong giai 2022-2024 tại Hồ Tràm và Phan Thiết.
VND cho biết, tiến độ thi công dự án NovaWorld Hồ Tràm sát với kỳ vọng. Cụ thể, NovaWorld Hồ Tràm (quy mô1.000ha) được chia thành 10 phân kỳ, VND nhận thấy mỗi phân kỳ được thiết kế theo chủ đề riêng biệt và nhiều tiện ích đa dạng. NVL đã ra mắt các phân kỳ The Tropicana, Habana Island, Wonderland, Morito và Happy Beach Villas.
Dự kiến sẽ ra mắt phân kỳ mới Long Island trong vài quý tới. Vào ngày thực hiện khảo sát dự án, VND quan sát nhiều tiện ích đã được hoàn thiện chỉnh chu đưa vào sử dụng như công viên giải trí Tropicana Park, hồ bơi nước mặn, nhà hàng cá mập...
Trong khi đó, dự án NovaWorld Phan Thiết qua khảo sát đã có khoảng 12 phân khu đi vào vận hành như Festival Street với 115 căn shophouse, công viên giải trí Circus Land (1,5ha), cụm sân golf 36 lỗ PGA độc quyền, ẩm thực tại công viên quảng trường biển Miami Bikini Beach, khu công viên nước Ocean Kingdom.
Theo thống kê của NVL, từ 23/4 đến 3/5/2022, NovaWorld Festival Phan Thiết đã thu hút hơn 12.000 du khách, riêng Circus Land có khoảng 25.000 lượt khách tham gia các trò chơi.
VND cho rằng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng liền thổ đang phục hồi nhanh chóng trong 5 tháng đầu năm. Lượng tiêu thụ đã tăng gấp 3,7 lần so với cùng kỳ lên 3.889 căn, nhờ lượng mở bán mới dồi dào đạt 6.223 căn, tăng 2,7 lần.
Tỷ lệ hấp thụ cũng cải thiện đáng kể, tăng 16,4 điểm phần trăm lên 62,5% trong 5 tháng đầu năm. VND nhận thấy các thành phố ven biển như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận đang được hưởng lợi nhờ cơ sở hạ tầng phát triển với các dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, sân bay quốc tế Long Thành, mang lại tiềm năng tăng trưởng cao cho nhà đầu tư.
Công ty chứng khoán này kỳ vọng hai dự án NovaWorld Hồ Tràm và NovaWorld Phan Thiết bước vào giai đoạn bàn giao mạnh mẽ từ năm 2022, đóng góp khoảng 50% doanh thu của NVL giai đoạn 2022-2023.
Năm 2022, VND dự báo doanh thu của NVL tăng trưởng mạnh mẽ lên 36.360 tỷ đồng, tăng 2,4 lần năm trước; lợi nhuận ròng tăng 2,1 lần lên 6.836 tỷ đồng. Sang năm 2023, các chỉ số dự báo đạt lần lượt 61.264 tỷ đồng và 13.234 tỷ đồng, cao hơn 68% và 94% cùng kỳ.
Hiện VND khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu NVL, giá mục tiêu 86.400 đồng/cổ phiếu, tăng 16,5% so với giá thị trường.
ACBS: Khuyến nghị mua cổ phiếu VOS
Hết quý I, Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (HoSE: VOS) ghi nhận doanh thu 402 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế đạt 56 tỷ đồng, tăng mạnh từ mức lỗ 19 tỷ đồng. Với kết quả này, VOS đã hoàn thành được 26% kế hoạch doanh thu và 14% kế hoạch lợi nhuận năm.
Doanh thu quý I tăng trưởng mạnh là nhờ doanh thu từ mảng vận tải - cốt lõi (tăng 58% cùng kỳ) trong bối cảnh giá cước vận tải tiếp tục tăng cao. Biên lợi nhuận gộp cũng nhờ đó mà tăng mạnh lên mức 24%, trong khi quý I/2021 là 1,6%. Điểm sáng khác là VOS đã giảm tải chi phí lãi vay so với cùng kỳ (giảm 24%).
Trong năm 2021, VOS đã cơ cấu lại đội tàu container, thanh lý tàu Đại Nam cũ, tuổi cao và thuê thêm 2 tàu mới là Đại An và Đại Phú cho thời hạn 3 năm tới và thuê thêm một số tàu chở hàng khô khác theo hình thức tổng số chuyến xác định, để nâng công suất hoạt động. Theo đó, VOS tiếp tục hưởng lợi trong bối cảnh giá cước vận tải tiếp tục tăng cao do vấn đề xung quanh Nga - Ukraine.
Trên thị trường chứng khoán, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định trong thời gian thị trường điều chỉnh từ đầu năm 2022 đến hiện tại, VOS tuy cũng có nhịp điều chỉnh tương tự với toàn thị trường, nhưng áp lực giảm khá hạn chế và VOS bước vào nhịp tích lũy ngắn hạn sớm hơn với thị trường chung. Nhịp tích lũy ngắn hạn của VOS từ tháng 4/2022 đến hiện tại.
Trong bối cảnh đó, VOS tích lũy trong biên độ từ 13.100 đồng đến 17.000 đồng/cổ phiếu với các vùng đáy dần cao lên cùng với khối lượng giao dịch cải thiện đáng kể tại vùng giá thấp.
Phiên tăng vọt tạo GAP cùng với khối lượng đột biến vượt mức trung bình 20 ngày trong phiên gần đây cho thấy dòng tiền tập trung hướng tới VOS. Theo đó, VOS vượt qua khung giá tích lũy và đồng thời vượt lên trên EMA 200 ngày nên đà tăng đã dần được xác nhận.
Trong bối cảnh xu hướng dài hạn vẫn đi lên, diễn biến của xu hướng trung và ngắn hạn rõ ràng trong hiện tại, thanh khoản dần tích cực hơn, nhà đầu tư được khuyến nghị tích lũy VOS khi giá tiến gần đến hỗ trợ tại 17.000-18.000 đồng/cổ phiếu và bán khi VOS đạt mục tiêu giá hạn tại 22.000 đồng/cổ phiếu, tỷ suất lợi nhuận là 22,2%. Đồng thời cắt lỗ khi VOS đóng cửa dưới 14.500 đồng/cổ phiếu. Tỷ trọng VOS cân đối ở mức trung bình.
Về các chỉ báo kỹ thuật, RSI (14) thoát khỏi vùng quá bán và duy trì dao động từ 40 trở lên, sức mạnh giá dần được củng cố. Trong khi đó, đường MACD giao cắt đường tín hiệu cho tín hiệu mua trong ngắn hạn vào ngày 12/7 và vượt lên trên trung bình từ 5 phiên trước cho thấy rủi ro ngắn hạn ở mức thấp.
MASVN: Khuyến nghị mua FPT với giá mục tiêu 102.200 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) cho biết 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu là 19.826 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.637 tỷ đồng, lần lượt tăng 22,2% và 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, khối công nghệ (bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin trong nước và nước ngoài) tiếp tục giữ vai trò chủ chốt của tập đoàn, đóng góp 57% doanh thu và 45% lợi nhuận trước thuế, tương đương 11.252 tỷ đồng và 1.625 tỷ đồng.
Cụ thể, doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin tại nước ngoài của FPT đạt 8.622 tỷ đồng, tăng 29%, lợi nhuận trước thuế đạt 1.362 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, doanh thu của FPT tăng trưởng tại mọi thị trường, đặc biệt tại Mỹ (tăng 48,4%) và châu Á – Thái Bình Dương (tăng 55,5%). Thị trường Nhật cũng chứng kiến sự hồi phục tốt với mức tăng trưởng theo đồng yên Nhật đạt 18%.
Mảng dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường nước ngoài ghi nhận doanh thu ký mới đạt 11.681 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với cùng kỳ, tạo động lực tăng trưởng vững chắc cho nửa cuối năm 2022, trong đó có 13 dự án với quy mô trên 5 triệu USD.
Mảng dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường trong nước đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT lần lượt là 2.630 tỷ đồng và 263 tỷ đồng. Trong đó, các sản phẩm thuộc hệ sinh thái "Made-by-FPT" mang lại 406 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 51,6% so với cùng kỳ.
Doanh thu khối viễn thông của FPT cũng tăng trưởng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7.077 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 40%, đạt 1.445 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu dịch vụ viễn thông tăng trưởng 15%, đạt 6.727 tỷ đồng. Biên lợi nhuận dịch vụ viễn thông được mở rộng từ 18,3% lên 19,2% nhờ tăng trưởng lợi nhuận từ mảng PayTV.
Nhu cầu giáo dục ngành công nghệ thông tin tăng mạnh cũng đã góp phần thúc đẩy doanh thu mảng giáo dục của FPT, với mức tăng trưởng 42% trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.935 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) kỳ vọng mảng công nghệ của FPT tiếp tục duy trì đà phục hồi hai con số. MASVN giả định FPT có thể tận dụng lợi thế của các thương vụ M&A, giữ vững tốc độ tăng trưởng cao tại thị trường Mỹ và thị trường trong nước; thị trường Nhật Bản phục hồi từ mức thấp của năm 2021; nhu cầu chuyển đổi số ở các nước châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Bên cạnh đó, mảng viễn thông cũng được kỳ vọng duy trì tốc độ tăng trưởng, nhờ vào tăng trưởng thuê bao băng rộng cố định với thị phần ổn định; FPT đang tập trung mở rộng trung tâm dữ liệu.
Về mảng giáo dục, với số lượng học sinh kỳ vọng tiếp tục tăng nhờ nhu cầu nguồn nhân lực trong mảng công nghệ thông tin gia tăng. FPT tin rằng tốc độ tăng trưởng số lượng học sinh đạt 30% mỗi năm trong vòng 5 năm tới
MASVN đang khuyến nghị các nhà đầu tư có thể mua FPT với giá mục tiêu 102.200 đồng/cổ phiếu, triển vọng tăng giá 20%.