Cổ phiếu ngành bán lẻ có dấu hiệu thoái trào

19/07/2022 16:08

Sau đà tăng mạnh từ đầu năm 2022, cổ phiếu ngành bán lẻ liên tục đi xuống trong khoảng thời gian hơn một tháng gần đây, và dự báo xu hướng vẫn chưa dừng lại. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn băn khoăn có nên tạm rời xa nhóm cổ phiếu này hay không và bao giờ là thời điểm quay lại thích hợp.

Quan sát  tuần qua, hầu hết các cổ phiếu ngành bán lẻ biến động theo chiều hướng tiêu cực. Trong đó, cổ phiếu DGW của Digiworld (-7,9%) và FRT của FPT Retail (-7,3%) là hai mã giảm mạnh nhất.

Cổ phiếu “đuối sức”

Nhìn chung, cổ phiếu nhóm ngành này đã bắt đầu có dấu hiệu đi xuống ngay từ những ngày đầu tháng 6, sau giai đoạn tăng mạnh, thậm chí là đạt đỉnh trước đó.

Cụ thể, tính từ phiên 7/6 đến chốt phiên ngày 18/7, cổ phiếu PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận giảm từ vùng 128.000 đồng/cp xuống 113.500 đồng/cp (-11,3%); cổ phiếu MWG của Thế giới Di động giảm từ 154.000 đồng/cp xuống 61.000 đồng/cp (-60,3%); cổ phiếu DWG giảm từ 139.000 đồng/cp xuống 55.000 đồng/cp (-60,4%). Tương tự, cổ phiếu FRT giảm từ 136.000 đồng/cp xuống 72.500 đồng/cp (-46,7%), cổ phiếu PET của Dịch vụ tổng hợp dầu khí giảm từ 45.900 đồng/cp xuống 33.300 đồng/cp (-27,4%)...

ban-le-1658218002.png Sức mua kém hơn trước là một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu ngành bán lẻ mất dần sức hút (Ảnh: Int)

Theo đó, vốn hóa của các “đại gia” ngành bán lẻ cũng “đua nhau” sụt giảm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/7, vốn hóa Masan còn gần 146 nghìn tỷ đồng, giảm 17,4 nghìn tỷ đồng so với ngày 30/6; vốn hóa của Thế giới Di động “bay” 14,6 nghìn tỷ đồng, xuống chỉ còn gần 90 nghìn tỷ đồng – mức thấp nhất gần một năm qua.

Cùng thời gian, vốn hóa của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận giảm 3,6 nghìn tỷ đồng; FPT Retail giảm hơn 2,1 nghìn tỷ đồng.

Điều đáng nói, vốn hóa ngành bán lẻ giảm mạnh trong quãng thời gian chỉ số VN-Index chỉ giảm chưa tới 2%, đồng thời nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn khác chỉ ghi nhận mức giảm thấp, thậm chí còn tăng giá trị.

Ngược thời gian, ngay từ những ngày đầu năm 2022, cổ phiếu bán lẻ là một trong những nhóm ngành được giới phân tích cũng như các nhà đầu tư kỳ vọng dựa trên quan điểm đây là nhóm hưởng lợi từ nhu cầu hồi phục hậu Covid-19.

Cũng từ thời điểm đó, cổ phiếu ngành bán lẻ không ngừng gây chú ý khi hết đợt sóng này lại nối tiếp đợt sóng khác, thậm chí có cổ phiếu liên tiếp lập đỉnh mới, rồi lại phá đỉnh như FRT, PET. Ngay cả trong thời gian VN-Index giảm mạnh xuống mức kỷ lục, cổ phiếu bán lẻ vẫn được đánh giá cao khi vẫn có mức tăng trưởng vượt trội và khả quan hơn phần lớn các cổ phiếu nhóm ngành khác và trở thành yếu tố chính nâng đỡ các chỉ số.

Đà giảm này cho là do sau thời gian tăng quá mạnh nên khả năng nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ bị rơi vào áp lực chốt lời trong ngắn hạn là điều hiển nhiên.

Bên cạnh đó, những con số cho thấy lạm phát không ngừng tăng cao, nhu cầu tích trữ của người dân suy giảm, nên sức mua kém hơn trước, điều này cản trở đà tăng trưởng của ngành bán lẻ, gây tác động xấu đến nhóm cổ phiếu nhóm ngành này.

Theo FiinTrade, lợi nhuận ước tính quý II/2022 của các doanh nghiệp bán lẻ như Digiworld và FPT Retail có thể giảm tốc so với mức tăng trong hai quý liền trước, bởi sức mua các sản phẩm điện tử (nhất là laptop) sụt giảm. Điều này cũng đang diễn ra ở các doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ khác như Thế giới Di động.

Tương tự, trong báo cáo vừa phát hành, SSI Research cho rằng, lạm phát gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng, tăng trưởng của các doanh nghiệp bán lẻ có thể không cao như kỳ vọng trước đây. Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận của Digiworld và FPT Retail đã đạt đỉnh vào quý IV/2021, còn Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận có thể đạt đỉnh vào quý III/2022.

Xu hướng giảm còn tiếp diễn?

Do đó, SSI Research khuyến nghị: “Lạm phát vẫn có thể tiếp tục gia tăng trong các quý tới, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng đối với các cổ phiếu bán lẻ trong ngắn hạn”.

Đồng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt (VDS) lưu ý, áp lực chốt lời nhóm cổ phiếu bán lẻ trong ngắn hạn đang tăng lên đáng kể. Nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu nên cân nhắc thời điểm chốt lời phù hợp đối với các mã đã có đà tăng giá mạnh mà không được hỗ trợ một cách chắc chắn bởi triển vọng lợi nhuận các quý tiếp theo, hoặc các cổ phiếu có mặt bằng định giá cao hơn đáng kể so với trung bình trong quá khứ.

Xu hướng giảm còn tiếp diễn?

Do đó, SSI Research khuyến nghị: “Lạm phát vẫn có thể tiếp tục gia tăng trong các quý tới, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng đối với các cổ phiếu bán lẻ trong ngắn hạn”.

Đồng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt (VDS) lưu ý, áp lực chốt lời nhóm cổ phiếu bán lẻ trong ngắn hạn đang tăng lên đáng kể. Nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu nên cân nhắc thời điểm chốt lời phù hợp đối với các mã đã có đà tăng giá mạnh mà không được hỗ trợ một cách chắc chắn bởi triển vọng lợi nhuận các quý tiếp theo, hoặc các cổ phiếu có mặt bằng định giá cao hơn đáng kể so với trung bình trong quá khứ.

co-phieu-1658218049.jpg

Mẫu hình đảo chiều Vai – Đầu – Vai ở đỉnh của cổ phiếu FRT (Ảnh chụp màn hình)

Trao đổi  về xu hướng của cổ phiếu bán lẻ trong thời gian tới, cụ thể là 6 tháng cuối năm 2022, anh Đ.Đ.T, một chuyên viên phân tích kỹ thuật tại Chứng khoán Mirae Asset nhận xét, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp bán lẻ đang khá cao, trong khi lượng đặt hàng ít hơn so với nhu cầu, cho nên lợi nhuận của ngành này ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.

Xét về phân tích kỹ thuật, nhóm ngành bán lẻ đang trong xu hướng giảm giá, nhưng so với mức tăng trưởng mạnh mẽ thời gian qua thì quá trình phân phối mới chỉ bắt đầu diễn ra, giá giảm chưa nhiều và xu hướng sẽ còn tiếp tục. Chẳng hạn đối với mã FRT, cổ phiếu này đã hình thành mẫu hình đảo chiều Vai - Đầu - Vai ở đỉnh, xác nhận xu hướng giảm trong những ngày tăng giá với khối lượng thấp. Trái lại, những ngày giảm điểm với khối lượng cao cho thấy sự phân phối vẫn đang còn tiếp diễn. Hiện, cổ phiếu đã cũng đã đánh mất các đường xu hướng như MA10, MA20 và trong xu hướng giảm, các mốc này chính là kháng cự của cổ phiếu và là điểm để nhà đầu tư “thoát hàng” trong những nhịp hồi phục.

“Các nhóm cổ phiếu khác hầu hết đã giảm từ 50-70%, nên cổ phiếu bán lẻ rất có thể sẽ “nối gót” theo sau. Trước mắt, nên tạm rời xa nhóm cổ phiếu này. Còn về triển vọng dài hạn vẫn là câu chuyện của năm sau”, anh T. nói.

Nhìn chung, không thể phủ nhận lạm phát sẽ gây nên những nhịp chững lại về mặt tăng trưởng của tiêu dùng nội địa, song ở góc độ tích cực, một số ý kiến vẫn cho rằng, kinh tế đang dần hồi phục, thu nhập người dân cao hơn, sẽ bù đắp lại ảnh hưởng này. Theo đó, các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu vẫn có thể đạt mức tăng trưởng dài hạn ổn định nhờ mở rộng thị phần.

Theo VNDirect, 6 tháng cuối năm, ngành bán lẻ sẽ hình thành 3 xu hướng. Đó là sự chuyển hướng sang bán lẻ hiện đại rõ ràng hơn sau đại dịch, giúp các chuỗi bách hóa hiện đại tăng trưởng mạnh hơn. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ lớn đang không ngừng mở rộng sang các thị trường bán lẻ như dược phẩm hoặc thị trường mẹ và bé. Và cuối cùng là sự phục hồi của các công ty kinh doanh bất động sản bán lẻ nhờ dịch vụ được hồi phục.

“Cổ phiếu bán lẻ vẫn sẽ có những câu chuyện rất hay về mặt tăng trưởng dài hạn trong 2 - 3 năm tới. Nhà đầu tư nên tập trung vào những doanh nghiệp đầu ngành, có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng trong cả năm 2022 và 2023”, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, chuyên gia tư vấn chiến lược đầu tư chứng khoán SSI khuyến nghị.

Bạn đang đọc bài viết "Cổ phiếu ngành bán lẻ có dấu hiệu thoái trào" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).