Cổ phiếu thép lao dốc sau trần tình của Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long

26/05/2022 11:09

Tất cả các mã chứng khoán thuộc nhóm thép như TLH, POM, NKG, POM... đều giảm mạnh. HPG có thời điểm bị bán giá sàn sau thông tin bất lợi trong ngày họp cổ đông.

Thị trường mở cửa phiên giao dịch ngày 24/5 các chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu trước áp lực bán mạnh ở nhóm cổ phiếu lớn. Hầu hết các nhóm cổ phiếu đều lao dốc.

Tuy nhiên, đà giảm của thị trường diễn ra không lâu. Từ việc bị bán mạnh, hàng loạt cổ phiếu lại bất ngờ bứt phá vượt tham chiếu và chỉ chỉ số chung đi lên. Dù vẫn ghi nhận đà giảm sâu ở một số nhóm ngành, song thị trường chung vẫn diễn biến tích cực và kết phiên trong sắc xanh. 

Nhờ dòng tiền bắt đáy xuất hiện trước khi kết thúc phiên chiều, kết thúc phiên giao dịch ngày 24/5, VN-Index tăng 14,57 điểm, tương ứng 1,2% lên 1.233,38 điểm. Toàn sàn có 223 mã tăng, 210 mã giảm và 67 mã đứng giá. HNX-Index tăng 5,3 điểm, tương ứng 1,76% lên 305,96 điểm. Toàn sàn có 93 mã tăng, 97 mã giảm và 60 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,51 điểm, tương ứng 0,54% xuống 93,12 điểm.

Nhiều mã hôm nay phiên sáng bị bán mạnh nhưng đến phiên chiều bỗng nhiên bật tăng, làm biên độ dao động của các cổ phiếu được nới rộng. Có thể kể đến SSI có thời điểm bị bán về mức 25.150 đồng/cổ phiếu nhưng chốt phiên tăng đến 6% lên 28.100 đồng/cổ phiếu. STB và HBC được kéo lên mức giá trần. Hay như cổ phiếu CEO, biên độ dao động của nãy này lên tới 14% do phiên sáng mới giảm 5% nhưng tới chiều lại tăng trần hơn 9% vì giao dịch trên sàn HNX. 

Nhóm cổ phiếu gây áp lực lớn nhất đến thị trường hôm nay là nhóm ngành thép. Áp lực từ nhóm thép có lúc khiến thị trường chung lung lay và VN-Index điều chỉnh giảm hơn 15 điểm. Tuy nhiên lực cầu bắt đáy tăng mạnh giúp thị trường hồi phục nhanh chóng để tăng dựng đứng ở những phút cuối. Dù vậy, nhóm ngành thép cũng không được phục hồi. Các cổ phiếu nhóm này đều giao dịch trong sắc đỏ suốt cả phiên và kết phiên trong sắc đỏ. POM giảm 2,7%, NKG giảm 5,5%, TLH giảm 4,2%, HSG giảm 4,4%...

Tài chính - Ngân hàng - Cổ phiếu thép lao dốc sau trần tình của Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long

HPG diễn biến xấu trong ngày họp ĐHCĐ. (Ảnh: FireAnt)

Đặc biệt, mã tác động tiêu cực nhất tới chỉ số chung phiên ngày 24/5 là cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Mã này bất ngờ ghi nhận lực bán tháo dữ dội từ cuối buổi sáng sau thông tin bất lợi từ cuộc họp cổ đông thường niên năm 2022. Mã chứng khoán này thậm chí bị bán xuống giá sàn 34.200 đồng/cổ phiếu trong buổi chiều. trước khi có sự hồi phục theo xu hướng chung dù vẫn giảm tới 5,03% thị giá. Hòa Phát là một trong những có lượng cổ đông lớn nhất sàn chứng khoán hiện tại, với hơn 160.000 cá nhân và tổ chức.

Điều này dẫn đến việc trên các hội nhóm chứng khoán đề bàn luận về việc tỷ phú Trần Đình Long đã bị chất vấn gay gắt về kế hoạch lợi nhuận năm 2022 ở mức thấp. Chỉ tiêu lãi sau thuế năm nay là 25.000-30.000 tỷ đồng, tức giảm tới 13-27% so với năm 2021.

Theo đó, người đứng đầu Hòa Phát cho biết các cổ đông sẽ thấy được những khó khăn của ngành thép sau kết quả kinh doanh quý II,III và cả quý IV năm nay sẽ "thê thảm". Ông Long cho hay ngành thép đang không thuận lợi.

Nhiều mã nhóm ngân hàng phiên ngày 24/5 phục hồi tích cực. VCB, VPB, STB nằm trong nhóm các mã tác động tích cực nhất tới thị trường. Trong đó, STB tăng trần. Ngoài ra, CTG của VietinBank tăng 4%, VIB tăng 2,8%, MBB tăng 2%, TPB tăng 3%... 

Tài chính - Ngân hàng - Cổ phiếu thép lao dốc sau trần tình của Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long (Hình 2).

Nhiều mã thuộc nhóm ngân hàng được cải thiện. (Ảnh: SSI)

Ngoài ra, thị trường còn ghi nhận đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu trụ là MSN của Masan Group tăng 4,3% lên 109.000 đồng/cổ phiếu, VNM của Vinamilk có thêm 3,9% đạt 68.900 đồng/cổ phiếu. Mã VIC và VHM cũng kết phiên trong sắc xanh. 

Nhiều mã cổ phiếu ngành xây dựng, bất động sản cũng tăng mạnh như HBC tăng trần, DIG tăng 5,8%, HU1 tăng 4,6%, CII tăng 5,2%, DXG tăng 4,7%...

Khối ngoại sau 3 phiên bán ròng liên tiếp quay lại mua ròng 191 tỷ đồng. HPG bị bán 145 tỷ đồng và là mã bị bán mạnh nhất phiên giao dịch 24/5. VND cũng bị bán mạnh 85,7 tỷ đồng. SSI bị bán 72,2 tỷ đồng… Vẫn có nhiều mã được mua khối lượng lớn là DCM (81 tỷ đồng), DPM (74,3 tỷ đồng), STB (74,2 tỷ đồng)... 

Thanh khoản thị trường không bứt phá theo đà tăng của thị trường chung mà chỉ tương đương phiên hôm 23/4 với tổng giá trị khớp lệnh đạt 14.228 tỷ đồng, riêng giá trị khớp lệnh sàn HoSE duy trì mức trên 12.000 tỷ đồng

Bạn đang đọc bài viết "Cổ phiếu thép lao dốc sau trần tình của Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).