Doanh thu phí bảo hiểm tăng mạnh nhưng lợi nhuận lại đi lùi
Theo kết quả công bố, trong quý II năm nay, các công ty bảo hiểm đều ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm tăng. Doanh thu phí bảo hiểm là một chỉ tiêu quan trọng của các doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm.
Nếu tính về số tuyệt đối, Bảo hiểm Bảo Việt (mã chứng khoán: BVH) có mức tăng mạnh nhất, từ mức 10.177 tỷ đồng lên 10.805 tỷ đồng, tương ứng tăng 628 tỷ đồng so với quý I/2021. Đây vẫn là doanh nghiệp đứng đầu thị trường bảo hiểm về quy mô.
Song nếu tính về tỷ lệ tăng, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (mã chứng khoán: AIC) mới là doanh nghiệp có mức tăng mạnh nhất, lên tới 50% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác ghi nhận mức tăng 2 chữ số là Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (mã chứng khoán: MIG) và Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (mã chứng khoán: BIC), tăng lần lượt 25% và 18%.
Quý I trước đó, các doanh nghiệp cũng ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm tăng mạnh, một phần do mức tăng thấp của cùng kỳ năm trước - thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Kết hợp với mức tăng của quý II, lũy kế nửa đầu năm, tất cả doanh nghiệp bảo hiểm đều ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng dương, một số đơn vị ghi nhận tăng 2 chữ số là Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (mã chứng khoán: BMI), Bảo hiểm Quân đội, Bảo hiểm BIDV.
Doanh thu tăng tích cực, song lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm lại "đi lùi". Báo cáo tài chính quý II/2022 cho thấy lợi nhuận sau thuế của hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đều "hụt hơi" so với cùng kỳ năm trước.
Trong các công ty đã công bố kết quả kinh doanh, chỉ có Bảo hiểm Bảo Minh và Bảo hiểm Hàng không ghi nhận có sự tăng trưởng về lợi nhuận. Trong đó, Bảo Minh tăng 4%, Bảo hiểm Hàng không tăng từ mức 1,4 tỷ đồng lên 17 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp còn lại đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế "bốc hơi". Nhiều doanh nghiệp giảm tới 2 chữ số như Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (mã chứng khoán: PGI), Bảo Việt, Bảo hiểm PVI (mã: PVI), Bảo hiểm BIDV… Dù vậy, các doanh nghiệp này vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức dương. Trong khi, Bảo hiểm Bảo Long (mã chứng khoán: BLI) ghi nhận lỗ sau thuế gần 52 tỷ đồng, cùng kỳ vẫn có lãi 21 tỷ đồng.
Công ty bảo hiểm đầu tư nghìn tỷ đồng vào cổ phiếu
Trước đó, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI đã cho rằng kết quả lợi nhuận quý II năm nay của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không khả quan do diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi.
Ngoại trừ Công ty cổ phần Bảo hiểm Nông nghiệp (mã chứng khoán: ABI), tất cả doanh nghiệp bảo hiểm đều có đầu tư cổ phiếu. Bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm vốn có ưu thế trong việc huy động tiền. Năm 2021, đầu tư cổ phiếu chiếm khoảng từ 2% đến 9% tổng danh mục đầu tư và chiếm 10% đến 46% lợi nhuận đầu tư của các công ty bảo hiểm.
Tuy nhiên, chỉ số đại diện sàn chứng khoán TPHCM chốt phiên cuối tháng 6 tại mốc 1.197 điểm, giảm 328 điểm so với phiên giao dịch đầu năm, tương đương mức giảm 21,4%. Theo thống kê của StockQ, VN-Index nằm trong nhóm 15 chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới.
Với việc thị trường chứng khoán sụt giảm so với đầu năm, Chứng khoán SSI dự báo các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư cổ phiếu, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng.
Bảo Việt lý giải nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 68% thực hiện cùng kỳ năm trước do sự sụt giảm của thị trường chứng khoán nửa đầu năm nay. Giá gốc danh mục đầu tư chứng khoán kinh doanh (cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu chưa niêm yết, trái phiếu, chứng chỉ quỹ) tại thời điểm cuối quý II là 2.954 tỷ đồng, song giá trị thuần giảm xuống còn 2.709 tỷ đồng. Khoản dự phòng giảm giá của doanh nghiệp này lên tới 245 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp dự phòng lỗ chỉ 46 tỷ đồng.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các doanh nghiệp bảo hiểm còn lại. Giá trị thuần danh mục đầu tư chứng khoán của Bảo hiểm Bảo Minh, Bảo hiểm Bảo Long, Bảo hiểm Petrolimex đã giảm 2 chữ số so với giá gốc. Các công ty bảo hiểm dự phòng lỗ hàng chục tỷ đồng. Cụ thể, chỉ tiêu này ở Bảo hiểm PVI là 37 tỷ đồng, Bảo hiểm Bảo Minh là 35 tỷ đồng, Bảo hiểm BIDV 14 tỷ đồng…
Với Bảo hiểm Bảo Long, doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất ghi nhận lỗ trong quý II năm nay cho tới thời điểm này bị thâm hụt do các khoản dự phòng lớn từ hoạt động đầu tư chứng khoán. Cụ thể, doanh Bảo Long trích dự phòng cho mã HPG hơn 3,7 tỷ đồng, mã PEG hơn 2,7 tỷ đồng, mã STB 2,1 tỷ đồng, mã CTD 1,1 tỷ đồng, mã PCF 251 triệu đồng.
Trong danh mục đầu tư chứng khoán của các công ty, cổ phiếu đang niêm yết cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tại Bảo hiểm Bảo Việt, tỷ lệ là 76,9%, tại Bảo hiểm BIDV là 85,6%, Bảo hiểm Bảo Long là 66,7%, Bảo hiểm PVI là 79%...
Ngoài ra, một yếu tố khác đáng chú ý tác động đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang niêm yết là tổng chi phí bồi thường bảo hiểm.
Chỉ tiêu này tại quý II năm nay đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Ở Bảo hiểm Bảo Long, tổng chi phí bồi thường bảo hiểm tăng từ 70 tỷ đồng lên 130 tỷ đồng, ở Bảo hiểm Hàng không tăng từ 111 tỷ đồng lên 173 tỷ đồng, ở Bảo hiểm Petrolimex tăng từ 280 tỷ đồng lên 315 tỷ đồng… Tại doanh nghiệp bảo hiểm quy mô lớn như Bảo Việt, chi phí bồi thường bảo hiểm tăng từ 8.058 tỷ đồng lên 9.125 tỷ đồng. Điều này làm tăng tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các doanh nghiệp tăng mạnh hơn.
Dù vậy, quan sát mức lợi nhuận khả quan của nhóm công ty bảo hiểm năm 2021, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng ngành bảo hiểm sau nhiều năm đã có sự tăng trưởng về lợi nhuận nhờ phục hồi kinh tế và nhu cầu bảo hiểm quay lại sau đại dịch, môi trường lãi suất, lợi suất trái phiếu ở mặt bằng cao hơn. BVSC vẫn đặt kỳ vọng về đà tăng trưởng của nhóm doanh nghiệp này trong năm nay.