Công ty Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH) xoay xở tìm vốn

30/11/2022 12:06

Gặp khó trong kế hoạch huy động vốn, Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (mã chứng khoán TNH) đã phải vay Ban lãnh đạo doanh nghiệp để thanh toán lô trái phiếu đáo hạn và tiếp tục lên kế hoạch huy động vốn cổ phần nhằm trả nợ ngân hàng...

Thị trường chứng khoán lao dốc là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn.

Thị trường chứng khoán lao dốc là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn.

Vay Ban lãnh đạo hơn 92 tỷ đồng để trả nợ trái phiếu

Tính tới 30/9/2022, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã trả hết nợ lô trái phiếu trị giá hơn 92 tỷ đồng phát hành trong năm 2020.

Nguồn trả nợ đến từ việc Công ty vay ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị hơn 35 tỷ đồng; vay ông Lê Xuân Tân, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc hơn 11 tỷ đồng; vay ông Nguyễn Văn Thủy, Phó tổng giám đốc 35 tỷ đồng và vay ông Nguyễn Xuân Đôn, thành viên Hội đồng quản trị 10 tỷ đồng. Thời hạn vay là 1 năm, lãi suất bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của BIDV (áp dụng ngày 1/9/2022).

Lý do vay vốn được Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đưa ra là hồ sơ phát hành cổ phiếu theo phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ theo Nghị quyết 551 ngày 20/5/2022 của Đại hội cổ đông chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt. Trong khi đó, 1/9/2022 là ngày đáo hạn trái phiếu, Công ty cần huy động vốn để trả cho các trái chủ.

Doanh nghiệp cần 263 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng

Do thiếu vốn nên tại Đại hội cổ đông bất thường ngày 10/10/2022, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã thay đổi kế hoạch trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 25% gồm 5% bằng tiền và 20% bằng cổ phiếu sang kế hoạch mới là trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%.

Đồng thời, Công ty thông qua việc dừng thực hiện phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chào bán cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) được Đại hội cổ đông thông qua ngày 20/5/2022, với lý do chưa thống nhất được với một số đối tác liên quan, phương án phát hành chưa được triển khai.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên tổ chức tháng 5/2022, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên thông qua kế hoạch chào bán gần 25,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 50%) với giá 20.000 đồng/cổ phiếu nhằm huy động 518,7 tỷ đồng. Trong đó, Công ty dự kiến sử dụng 342,3 tỷ đồng đầu tư dự án mới Bệnh viện TNH Việt Yên; 176,5 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động và trả nợ vay trái phiếu đến hạn. Đồng thời, Công ty sẽ chào bán 2,5 triệu cổ phiếu ESOP để huy động 25 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.

Đại hội cổ đông bất thường đã thay thế kế hoạch huy động vốn cũ bằng kế hoạch chào bán hơn 25,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 50%, với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến triển khai trong giai đoạn quý IV/2022 - quý II/2023.

Số tiền huy động theo kế hoạch mới là 518,7 tỷ đồng, Công ty dự kiến dùng 250 tỷ đồng đầu tư dự án Bệnh viện TNH Việt Yên; 238 tỷ đồng trả nợ vay các tổ chức tín dụng (223 tỷ đồng tại BIDV - Chi nhánh Thái Nguyên và 15 tỷ đồng tại Agribank - Chi nhánh Thái Nguyên); 30,7 tỷ đồng mua máy móc, thiết bị cho Bệnh viện Quốc tế Thái nguyên.

Ngoài ra, Công ty có kế hoạch chào bán 2,5 triệu cổ phiếu ESOP (tỷ lệ 4,82% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm huy động 25 tỷ đồng để trả nợ vay tại BIDV - Chi nhánh Thái Nguyên.

Tính tới 30/9/2022, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên có tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn 430,2 tỷ đồng, chiếm 31,8% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn (phải trả trong vòng 1 năm) là 232,2 tỷ đồng, nợ vay dài hạn là 197,98 tỷ đồng. Ngược lại, lượng tiền mặt là 150,4 tỷ đồng, chiếm 11,1% tổng tài sản, thấp hơn số nợ vay ngắn hạn phải trả trong vòng 1 năm.

Tỷ lệ sở hữu của cổ đông nội bộ và người có liên quan giảm dần

Từ năm 2017 đến nay, TNH có 4 đợt tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, nâng vốn từ gần 70 tỷ đồng lên gần 519 tỷ đồng.

Cổ phiếu TNH được niêm yết trên HOSE từ tháng 1/2021, giá dao động phổ biến quanh mức 22.000 đồng/cổ phiếu cho đến hết tháng 7, sau đó liên tục tăng mạnh, đạt trên 50.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 11, rồi giảm xuống 43.600 đồng/cổ phiếu khi kết thúc năm 2021. Gần đây, cổ phiếu này dao động quanh mức 31.000 đồng/cổ phiếu.

Trong năm 2021, nhiều lãnh đạo và người thân của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên liên tục bán ra cổ phiếu, tổng cộng 4,573 triệu đơn vị, tương đương 11% vốn điều lệ (thời điểm đó là 415 tỷ đồng).

Trong đó, ông Nguyễn Xuân Hiệp, con ông Nguyễn Xuân Đôn, thành viên Hội đồng quản trị bán ra toàn bộ 1,8 triệu cổ phiếu; bà Phùng Thị Thông, vợ ông Lê Xuân Tân, Tổng giám đốc bán toàn bộ 1.245.000 cổ phiếu; bà Nguyễn Thị Thùy Linh, con ông Nguyễn Xuân Đôn bán toàn bộ 708.000 cổ phiếu; ông Hoàng Thao, anh ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị bán 500.000 cổ phiếu, còn 500.000 cổ phiếu…

Trước khi niêm yết, một loạt cổ đông nội bộ và người có liên quan Ban lãnh đạo doanh nghiệp đã bán ra cổ phiếu TNH, giảm tỷ lệ sở hữu trong năm 2020. Cụ thể, bà Phạm Thị Hiền bán toàn bộ 1,3 triệu cổ phiếu; ông Hoàng Khắc Tiệp bán toàn bộ 1,35 triệu cổ phiếu; bà Vũ Thị Hân bán toàn bộ 1,37 triệu cổ phiếu; ông Lâm Tuấn Kiệt bán 1,24 triệu cổ phiếu, còn 1,36 triệu cổ phiếu; bà Nguyễn Thị Ngọc Thu bán 2,2 triệu cổ phiếu, còn 1,55 triệu cổ phiếu…

Tính tới 2/11/2021, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên chỉ có 2 cổ đông lớn là ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị sở hữu 9,64% vốn điều lệ; ông Nguyễn Văn Thủy, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc sở hữu 5,65% vốn điều lệ.

Cuối tháng 1/2022, Công ty tăng vốn điều lệ từ 415 tỷ đồng lên gần 519 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 theo tỷ lệ 25%. Ba đợt tăng vốn trước đó của doanh nghiệp trong giai đoạn 2017 - 2019 cũng đều bằng cách này (từ gần 70 tỷ đồng lên 415 tỷ đồng).

Quý III/2022, TNH đạt 44,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 26,4% so với cùng kỳ năm 2021, do sự gia tăng của chi phí đầu vào như giá thuốc và vật tư y tế, chi phí khấu hao và chi phí lương. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Công ty đạt 98,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (kế hoạch cả năm là 139 tỷ đồng), giảm 10,3% so với cùng kỳ; lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 1.970 đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Công ty Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH) xoay xở tìm vốn" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).