Kết quả kinh doanh bết bát
Báo cáo tài chính riêng lẻ quý II/2022 vừa được công bố của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy kết quả kinh doanh không khả quan.
Cụ thể, tổng doanh thu hoạt động của VDSC chỉ đạt 146 tỷ đồng, giảm 54,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán giảm từ 80 tỷ đồng xuống 63 tỷ đồng; doanh thu bảo lãnh, phát hành, lưu ký chứng khoán cũng giảm từ 24 tỷ đồng xuống 2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lỗ từ các tài sản tài chính (FVTPL) quý II/2022 tăng mạnh từ 14 tỷ đồng lên gần 270 tỷ đồng; chi phí hoạt động của Rồng Việt cũng tăng 29,1% lên 145,9 tỷ đồng. Trong quý này, công ty cắt lỗ loạt danh mục đầu tư dẫn đến hạch toán lỗ các tài sản tài chính FVTPL tăng vọt lên 269,8 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ các chi phí, Chứng khoán Rồng Việt lỗ sau thuế 233 tỷ đồng trong quý II, trong khi cùng kỳ lãi 148,7 tỷ đồng. Quý II/2022 ghi nhận tình trạng kinh doanh bết bát nhất trong lịch sử hoạt động của công ty này.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Chứng khoán Rồng Việt báo lỗ trước thuế 136,2 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm ngoái công ty này vẫn lãi khủng trên 310 tỷ đồng.
Được biết, danh mục tự doanh của Rồng Việt gồm: DBC, TCB, CTG, HPG, ACB, HSG, OCB… Tuy nhiên, sau nửa năm tất cả các khoản đầu tư này đều lỗ: DBC đầu tư gần 200 tỷ đồng hiện tại còn gần 130 tỷ đồng; TCB đầu tư 129 tỷ đồng nay còn gần 95 tỷ đồng, ACB từ hơn 67 tỷ đồng xuống còn gần 62 tỷ đồng…
Không chỉ Chứng khoán Rồng Việt, Chứng khoán Tiên Phong (ORS) cũng trải qua quý II/2022 không thành công khi lỗ sau thuế gần 129 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên ORS báo lợi nhuận âm kể từ khi niêm yết vào năm 2019.
Bên cạnh đó, Chứng khoán Liên Việt (LVS) báo lỗ 21 tỷ đồng trong quý II/2022; Chứng khoán Bảo Minh (BMS) báo lỗ hơn 133 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 128 tỷ đồng…
Một trường hợp nữa bết bát hơn là Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS) khi lợi nhuận sau thuế giảm mạnh tới 9.330%, từ lãi gần 4 tỷ đồng cùng kỳ đến lỗ 362,7 tỷ đồng trong kỳ này.
Lỗ nặng do đâu?
Tương tự như Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, điểm chung nhất của các doanh nghiệp này là lỗ từ thu phí các hoạt động nghiệp vụ như môi giới, tư vấn… và nhất là lỗ hoạt động tự doanh khi toàn thị trường sụt giảm mạnh trong cả ba tháng 4, 5 và 6.
Đơn cử như trường hợp của ORS, mặc dù tổng doanh thu hoạt động vẫn tăng 131,6% lên 661,7 tỷ đồng; doanh thu lưu ký chứng khoán và tư vấn tài chính tăng 89,1% và 67,1% lên 86,9 tỷ đồng và 204,5 tỷ đồng; lãi từ cho vay và phải thu tăng 385% lên 47,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên các khoản trên không bù được sự sụt giảm mạnh của mảng môi giới và tự doanh khi doanh thu môi giới của công ty này giảm 26,7% xuống 18,4 tỷ đồng; chi phí hoạt động tăng gấp 4 lần lên gần 698 tỷ đồng và riêng khoản lỗ FVTPL tăng 488%, lên gần 528 tỷ đồng do công ty cắt lỗ các khoản đầu tư trong danh mục.
Trong danh mục của công ty này, ngoài cổ phiếu, ORS cũng lỗ hơn 280,2 tỷ đồng từ việc bán trái phiếu chưa niêm yết.
Trong khi đó, chi phí hoạt động tự doanh cũng tăng từ 5 triệu đồng lên hơn 1,1 tỷ đồng đẩy lỗ sau thuế lên gần 129 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi 53,7 tỷ đồng cùng kỳ 2021. Lãi cơ bản trên cổ phiếu chuyển từ lãi 537 đồng xuống âm 645 đồng.
Còn đối với APS, doanh thu từ hoạt động môi giới quý này của công ty giảm 4,12%. Doanh thu lưu ký chứng khoán giảm 12,4%. Hàng loạt cổ phiếu đầu tư giảm giá khiến chi phí hoạt động của doanh nghiệp này tăng mạnh hơn 9.466% từ hơn 5,1 tỷ đồng cùng kỳ 2021 lên hơn 429,3 tỷ đồng quý này.
Trong đó, lỗ từ FVTPL tăng tới 174.757,97% lên 489,7 tỷ đồng, chi phí môi giới chứng khoán cũng tăng 18,73%, chi phí nghiệp vụ lưu ký tăng gần 13%, chi phí quản lý tăng 43,5%... trong khi doanh thu tài chính giảm 76%. Từ đó dẫn đến lợi nhuận sau thuế của APS giảm tới 9.330,72%, từ lãi gần 4 tỷ đồng cùng kỳ đến lỗ 362,7 tỷ đồng trong kỳ này.
Bức tranh này của APS hoàn toàn trái ngược với năm 2021 khi công ty này đạt lợi nhuận tăng 11 lần, lên hơn 700 tỷ đồng, doanh thu ghi nhận kỷ lục 747 tỷ đồng nhờ sự bứt phá của hoạt động tự doanh. Điều đó khiến APS dẫn đầu top các công ty chứng khoán kinh doanh hiệu quả nhất thị trường năm 2021.
Hay như trong báo cáo của Chứng khoán Liên Việt cũng cho thấy, trong bối cảnh thị trường ảm đạm quý II/2022, mảng môi giới chứng khoán và cho vay margin không ghi nhận doanh thu, mảng tự doanh lỗ ròng gần 20 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 30/6/2022, quy mô tự doanh của LVS đạt gần 230 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư vào hai mã TCB và SSI chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục nhưng cả hai mã này đều khiến LVS lỗ 6 tỷ đồng và 16 tỷ đồng so với giá gốc.
Ngoài ra, LVS còn nắm giữ nhiều cổ phiếu khác là MSB, VIC, MSN, DIG nhưng chiếu theo giá thời điểm này các khoản đầu tư này đều không mang lại lợi nhuận. Trong quý II/2022, LVS đã bán 116 nghìn cổ phiếu VIC và lỗ hơn 3 tỷ đồng.
Ngay sau sự kiện Ủy ban chứng khoán quyết định hủy 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh ngày 5/4, thị trường chứng khoán bắt đầu lao dốc và kéo dài đà giảm đến tận đầu tháng 7. Trong 3 tháng của quý II/2022, VN-Index đã giảm 24,4%.
Một trong số ít công ty chứng khoán vẫn có lãi trong quý II này là SSI. Quý II/2022, doanh thu của SSI đạt hơn 1.580 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu mảng môi giới giảm 28% về còn 449,8 tỷ đồng. Mảng tự doanh vẫn báo lãi nhưng số lãi giảm gần 43% so cùng kỳ về còn 152 tỷ đồng. Quý này, SSI báo lãi sau thuế giảm hơn 26%, với 416 tỷ đồng.
Một trường hợp khác cũng giữ được kết quả dương là Chứng khoán Bảo Việt (BVSC). Tuy nhiên, tổng lợi nhuận sau thuế quý này của BVSC chỉ đạt 15,4 tỷ đồng, giảm 82,5% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù thị trường chứng khoán diễn biến không tích cực trong 6 tháng đầu năm song các chuyên gia phân tích của Chứng khoán VNDirect vẫn lạc quan về thị trường 6 tháng cuối năm, trên cơ sở dự báo tăng trưởng GDP tiếp tục cải thiện trong nửa cuối năm với 7,8%; Chính phủ đẩy nhanh thực hiện gói kích thích kinh tế... VNDirect kỳ vọng đến cuối năm VN-Index sẽ thoát “đáy” và dao động từ 1.330 - 1.500 điểm; P/E (giá/lợi nhuận mỗi cổ phiếu) 12,5 - 14 lần.