COVID-19 buộc nhà quản lý cải cách thủ tục đầu tư, xây dựng

27/11/2021 06:50

Giai đoạn phục hồi kinh tế cho thấy rõ yêu cầu cấp thiết phải đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng.

Sáng 26-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã chủ trì hội nghị đối thoại doanh nghiệp cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và các lĩnh vực liên quan.

Dịp này, nhiều chuyên gia cho rằng việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng chính là gói hỗ trợ tốt nhất, với chi phí rẻ nhất, giúp doanh nghiệp (DN) khôi phục, bứt phá giai đoạn hậu dịch COVID-19.

Công trình cầu Thủ Thiêm 2 là một trong những dự án được tiếp tục thi công khi trong suốt thời gian TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: NGUYỆT NHI

Doanh nghiệp ngại nhất thủ tục hành chính

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), kết quả khảo sát hơn 2.000 DN có thực hiện xây dựng công trình trong hai năm qua cho thấy họ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính để triển khai dự án. Trong đó tỉ lệ DN gặp khó khăn nhiều nhất là thực hiện các thủ tục trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường…

Cụ thể, có khoảng 50% DN vướng thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; 48% vướng thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; 43,7% vướng thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng; 42,9% vướng thủ tục thẩm định báo cáo tác động môi trường.

Chỉ tính riêng thủ tục cấp phép xây dựng, DN phải mất tới gần 30 ngày để hoàn thiện. Mỗi DN cần ba lần đến cơ quan nhà nước để hoàn thiện thủ tục, có DN mất tới 8-9 lần. “Các loại thủ tục này liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nếu không có sự phối hợp giữa các cơ quan thì sẽ khiến thời gian triển khai dự án kéo dài, gây khó khăn, làm tăng chi phí cho DN” - ông Tuấn nói.

Cùng nội dung này, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhận định dù nhiều năm qua Bộ Xây dựng đã có rà soát, khắc phục sự chồng chéo với các lĩnh vực khác nhưng vẫn còn hạn chế.

“Ngân hàng Thế giới đánh giá các DN mất khoảng 166 ngày với 10 bước để hoàn thành thủ tục triển khai dự án. Quy trình này ở Singapore chỉ mất chín bước với thời gian 35,5 ngày” - chuyên gia này dẫn chứng. Theo đó, bà đề nghị Bộ Xây dựng thiết kế quy trình làm thủ tục một cửa, giúp DN không phải đi lại nhiều cơ quan; đồng thời đẩy nhanh việc số hóa thực hiện thủ tục hành chính.

Cơ hội lịch sử để cải cách thủ tục

Tại hội nghị, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh cải cách hành chính nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng là giải pháp nằm trong tầm tay của các cơ quan quản lý nhà nước để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Giải pháp này giúp DN tiết kiệm rất nhiều chi phí, giải phóng nhiều nguồn lực, tạo đà phục hồi, bứt phá nhanh hơn trong giai đoạn tới.

“Tôi cho rằng đây là gói hỗ trợ tốt nhất, thực chất nhất với chi phí rẻ nhất cho DN. COVID-19 là cơ hội lịch sử, tạo áp lực lớn để chúng ta cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, thực chất và sâu rộng hơn” - ông nhấn mạnh.

Ông Phạm Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh thời gian là yếu tố rất quan trọng với DN. “Khi dịch COVID-19 xảy ra, nhiều DN nghĩ đến làm nhà máy khẩu trang nhưng nếu thủ tục kéo dài sáu tháng là đã đủ mất cơ hội rồi, nói chi đến vài năm” - ông nói và nhấn mạnh tình hình mới đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải đẩy mạnh cải cách hành chính và không thể không làm.

Theo đó, ông đề nghị cần phải thay đổi tư duy trong việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số hóa bằng cách thiết kế lại quy trình thủ tục phù hợp, thuận lợi hơn thay vì chỉ đưa văn bản hành chính lên mạng như hiện nay. Ông cũng đề nghị Bộ Xây dựng cần là cơ quan tiên phong đứng ra điều phối, giải quyết các thủ tục trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng.

Ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và thực chất tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định đây là cơ sở để bộ và các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục đề xuất những giải pháp cải cách phù hợp, hiệu quả và khả thi hơn.

“Bộ Xây dựng luôn nhận thức rằng thủ tục hành chính trong lĩnh vực được quản lý vẫn phải tiếp tục được cải cách và dư địa cải cách vẫn còn rất lớn” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhìn nhận.•

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho người quyết định đầu tư, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng. Đồng thời bãi bỏ, đơn giản hóa, tích hợp nhiều thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng; bãi bỏ nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng như cắt giảm, đơn giản hóa số lượng lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh.

Từ đầu năm 2021 đến nay, bộ đã bãi bỏ ba ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với chín ngành, nghề (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa chín thủ tục hành chính… Ngày 22-11-2021, bộ đã trình và được Thủ tướng phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

Bạn đang đọc bài viết "COVID-19 buộc nhà quản lý cải cách thủ tục đầu tư, xây dựng" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).