Như Báo Tri thức và Cuộc sống thông tin, việc Công ty cổ phần thiết bị giáo dục và đồ chơi Hà Thành với tư cách liên danh hay độc lập liên tục trúng nhiều gói thầu lớn tại các Sở giáo dục và đào tạo của nhiều địa phương nhưng tỷ lệ tiết kiệm lại “siêu thấp” đang khiến dư luận hồ nghi về tính minh bạch trong công tác đấu thầu.
Trụ sở chính của Công ty cổ phần thiết bị giáo dục và đồ chơi Hà Thành tại Hà Nội.
Về vấn đề trên, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện ra các sai phạm về đấu thầu trong lĩnh vực y tế và giáo dục, nhiều trường hợp đã bị xử lý hình sự. Điều này cho thấy việc quản lý kinh tế trong lĩnh vực mua sắm thiết bị, tài sản công ở nhiều địa phương đang có những sơ hở, thiếu sót nguy cơ dẫn đến sai phạm là rất cao.
Bởi vậy, trường hợp có thông tin nghi ngờ về sự công khai minh bạch trong việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thì cơ quan chức năng có thể vào cuộc xác minh làm rõ sự việc để có căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tại Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang từ năm 2019 đến nay, với tư cách liên danh hay độc lập Công ty Hà Thành đã trúng 4 gói thầu với giá trị lên tới gần 60 tỷ đồng.
Theo ông Cường, bản chất của việc lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu để mua sắm thiết bị giáo dục phục vụ cho công tác dạy và học là để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước. Việc tổ chức đấu thầu sẽ lựa chọn được nhà thầu cung cấp các thiết bị dạy học có chất lượng, giá rẻ, đáp ứng được nhu cầu của việc dạy và học.
Vì vậy, khi đã thông qua thủ tục đấu thầu, lựa chọn được nhà thầu có uy tín, cung cấp các thiết bị giáo dục giá rẻ thì sẽ có lợi cho việc chi tiêu ngân sách nhà nước, phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy. Trường hợp cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy khi tổ chức lựa chọn nhà thầu mà cơ sở giáo dục vẫn phải chi ra một số tiền rất lớn để mua sắm thiết bị với giá cao thì cần kiểm tra, thanh tra lại các gói thầu này.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường.
Luật sư Cường nhấn mạnh, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xác minh của cơ quan chức năng mà có căn cứ cho thấy đã có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây thiệt hại từ 100 triệu đồng của nhà nước trở lên mà người vi phạm thực hiện một trong các hành vi sau đây thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cụ thể, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; gian lận trong đấu thầu; cản trở hoạt động đấu thầu; vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; chuyển nhượng thầu trái phép.
“Trường hợp có đơn thư tố cáo tố giác, phản ánh của tổ chức cá nhân về sai phạm trong công tác đấu thầu hoặc qua thông tin dư luận xã hội, cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ để trả lời người có đơn thư, các cơ quan ngôn luận để có kết luận sự việc”, luật sư Cường nói.
Luật sư Cường cho hay: “Việc làm rõ sự việc cũng là để trả lời những nghi ngờ đồn đoán của dư luận nhằm giữ gìn uy tín của cơ quan nhà nước, đảm bảo tính không khai, minh bạch về thông tin trong việc quản lý kinh tế, quản lý nhà nước. Trường hợp có căn cứ cho thấy đã có sai phạm xảy ra thì cơ quan chức năng phải làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật”.
Chúng tôi tiếp tục thông tin.