Giống như Delta, 3 biến thể Lambda, Mu và C.1.2 có dấu hiệu có khả năng lây truyền cao, tránh được khả năng miễn dịch hình thành sau khi tiêm vaccine hoặc sở hữu cả 2 đặc tính này. Tuy nhiên, không có biến thể nào tới nay được ghi nhận có khả năng lây lan nhanh hơn biến thể Delta. Đây là dấu hiệu cho thấy, Delta vẫn là biến thể gây lo ngại nhất trên thế giới trong tương lai gần.
Theo dữ liệu của Outbreak.info thuộc Viện Scripps Research, biến thể Delta chiếm gần 60% số ca mắc bệnh trên toàn cầu.
Ba biến thể mới chiếm tỷ lệ lây nhiễm nhỏ hơn rất nhiều, nhưng chúng đã lan rộng đến một số lục địa. Business Insider đã chỉ ra mức độ lưu hành của 3 biến thể Lambda, Mu và C.1.2 và giải thích tại sao các nhà khoa học lại đưa ra cảnh báo về chúng.
Giới khoa học đang theo dõi chặt chẽ 3 biến thể Mu, Lambda và C.1.2. Ảnh minh họa: The Conversation
Biến thể Mu
Vào tháng 8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại biến thể Mu (còn gọi là B.1.621) là “biến thể đáng quan tâm”. Định nghĩa này được áp dụng cho các biến thể có khả năng gây ra sự lây nhiễm đáng kể trong cộng đồng hoặc có những đặc tính có thể thay đổi cách thức hoạt động của virus. Các nhà khoa học WHO bày tỏ lo ngại trước biến thể Mu vì nó đã lây lan nhanh chóng ở Nam Mỹ kể từ tháng 5.
Theo dữ liệu từ GISAID, hệ thống dữ liệu theo dõi các biến thể của SARS-CoV-2, biến thể Mu chỉ chiếm khoảng 0,1% số ca mắc Covid-19 mới trên toàn cầu. Cho đến nay, biến thể Mu đã được phát hiện ở 45 quốc gia kể từ khi được xác định lần đầu tiên ở Colombia hồi tháng 1.
Tỷ lệ nhiễm biến thể Mu cũng đã giảm, cả trên thế giới và ở Nam Mỹ, kể từ tháng 7. Đây là dấu hiệu cho thấy biến thể Mu sẽ không trở nên áp đảo vì các biến thể mạnh hơn Delta sẽ nhanh chóng chiếm tỷ lệ lây nhiễm cao hơn.
“Ở Mỹ, biến thể Mu không có khả năng gây ảnh hưởng lớn”, Alexandre Bolze, nhà nghiên cứu di truyền học tại Helix - công ty theo dõi biến thể thông qua xét nghiệm SARS-CoV-2, viết trên Twitter. Biến thể Mu chiếm chưa tới 0,2% số ca mắc Covid-19 tại Mỹ vào tháng 8.
Tuy nhiên, ở Colombia, biến thể Mu vẫn chiếm 100% số ca mắc Covid-19 được ghi nhận trong cùng một khoảng thời gian.
Tới nay, các nhà nghiên cứu xác định rằng, biến thể Mu mang một số đột biến quan trọng trong mã di truyền của protein gai. Những đột biến này có thể làm cho biến thể có khả năng kháng lại các kháng thể do vaccine tạo ra hoặc do từng nhiễm virus trước đó.
Vào tháng 8, 7 người cao tuổi tại một viện dưỡng lại ở Bỉ đã tử vong do nhiễm biến thể Mu dù đã tiêm chủng đầy đủ.
Các nhà nghiên cứu tại Italy đã tìm thấy bằng chứng cho thấy, vaccine Pfizer vẫn có hiệu quả trong việc chống lại biến thể Mu.
Biến thể Lambda
Theo Business Insider, biến thể Lambda đặt ra một thách thức đối với hiệu quả của vaccine Covid-19.
Biến thể Lambda (còn gọi là C.37) đã được phát hiện ở 40 quốc gia kể từ khi được xác định lần đầu tiên ở Peru vào năm 2020.
Biến thể này chiếm khoảng 12% số ca mắc Covid-19 mới ở Nam Mỹ vào thời điểm dịch bệnh đạt đỉnh tại khu vực này hồi cuối tháng 6. WHO đã phân loại Lambda là “biến thể đáng quan tâm” vào thời điểm đó.
Hiện tại, biến thể Lambda chiếm gần 3% số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới ở Nam Mỹ và chỉ 0,1% số ca mắc bệnh trên thế giới. Chỉ có 10 quốc gia, trong đó có Argentina, Chile, Costa Rica và Ecuador, đã phát hiện các ca nhiễm biến thể Lambda trong tháng 8.
Giống như Mu, biến thể Lambda cũng mang một số đột biến liên quan đến protein gai.
Một nghiên cứu của Nhật Bản phát hiện ra rằng, những đột biến này khiến biến thể Lambda dễ lây nhiễm hơn chủng SARS-CoV-2 ban đầu và có thể tránh được miễn dịch có được nhờ tiêm chủng hoặc từng mắc bệnh trước đó.
Theo một nghiên cứu khác gần đây, vaccine Pfizer và Moderna vẫn có hiệu quả tốt trong việc chống lại biến thể Lambda. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, cocktail kháng thể đơn dòng của hãng dược Regeneron có hiệu quả chống lại biến thể Lambda.
Biến thể C.1.2
Không giống như Lambda và Mu, C.1.2 chưa được xếp loại là “biến thể đáng quan tâm”.
Biến thể C.1.2 được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi vào tháng 5 và chiếm 0,2% số ca mắc Covid-19 tại quốc gia này. Tỷ lệ lây nhiễm đã tăng lên 1,6% vào tháng 6 và sau đó là 2% vào tháng 7, một mô hình tương tự như sự bùng phát của biến thể Delta ở Nam Phi.
Tuy nhiên, các ca nhiễm biến thể C.1.2 ở Nam Phi đã giảm đáng kể trong tháng 8, dù biến thể này đã lan ra hầu hết các tỉnh ở nước này cũng như 10 quốc gia khác.
Trên toàn cầu, số ca nhiễm biến thể C.1.2 dường như đạt đỉnh vào đầu tháng 7 và biến thể này không có xu hướng lưu hành rộng hơn.
Theo một bản báo cáo từ các nhà nghiên cứu Nam Phi, biến thể C.1.2 mang một số đột biến có thể giúp virus dễ lây lan hơn hoặc có khả năng né tránh miễn dịch từ vaccine. Một số đột biến của biến thể C.1.2 giống với những đột biến được tìm thấy trong các biến thể đáng lo ngại khác như Delta.
Các nhà nghiên cứu Nam Phi cho biết, lý do đưa ra cảnh báo về biến thể C.1.2 là vì họ lo lắng về một biến thể mới sở hữu các đặc tính có thể giúp nó vượt qua biến thể siêu lây nhiễm Delta.
“Hiện tại, Delta là biến thể mạnh mẽ nhất, vì vậy nó thường được đem ra để so sánh với các biến thể khác”, Tiến sĩ Michael Ryan, người đứng đầu chương trình ứng phó y tế khẩn cấp của WHO, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 7/9./.