Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được các chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. (Ảnh minh họa: Reuters)
Trong bài phỏng vấn mới đây, mạng tin tức CNBC (Mỹ) đã tiến hành khảo sát các chuyên gia từ 2 công ty tài chính hàng đầu phố Wall gồm Goldman Sachs và JPMorgan về thị trường Đông Nam Á.
Theo đó, các chuyên gia đều đưa ra nhận định, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng trên toàn cầu, thị trường Đông Nam Á có thể mang lại sự an toàn tương đối cho các nhà đầu tư.
Trong đó, chuyên gia Desmond Loh, Giám đốc danh mục đầu tư tại JPMorgan Asset Management đánh giá cao Việt Nam, nhấn mạnh nước ta là "ngôi sao" trong khu vực về khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong vài năm qua.
Ông Loh cũng nhận định Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế trên toàn cầu có tốc độ tăng trưởng dương trong suốt đại dịch Covid-19.
Để tận dụng sự tăng trưởng này, chuyên gia của JPMorgan khuyến nghị các nhà đầu tư nên đặt niềm tin và rót vốn vào các ngân hàng và công ty tiêu dùng chất lượng cao tại thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, Goldman Sachs và JPMorgan cũng đặt kỳ vọng vào 2 thị trường Indonesia và Singapore.
Indonesia được đánh giá tích cực về khả năng tăng trưởng trong ngành ngân hàng, nhờ chủ động thúc đẩy áp dụng kỹ thuật số. Trong khi đó, Singapore có lợi thế nhờ lĩnh vực ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số chứng khoán, và được hưởng lợi từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ và lãi suất tăng.
Bên cạnh đó, các công ty kinh tế kỹ thuật số cũng bắt đầu xuất hiện trên sàn chứng khoán ở cả Indonesia và Singapore.
Nơi trú ẩn an toàn
Các chuyên gia cho rằng, do Đông Nam Á tương đối cách biệt với những căng thẳng địa chính trị ở các khu vực khác như châu Âu, các nhà đầu tư đang rất quan tâm đến triển vọng kinh tế của khu vực.
Bên cạnh Việt Nam, Indonesia và Singapore cũng được đánh giá nằm trong tốp 3 thị trường đầu tư hấp dẫn nhất Đông Nam Á. (Ảnh: Getty Images)
Ông Timothy Moe, Trưởng bộ phận chuyên gia về cổ phiếu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Goldman Sachs cho biết, thị trường chứng khoán Đông Nam Á đã hoạt động kém hiệu quả và phần lớn bị các nhà đầu tư toàn cầu "lãng quên" trong 1 thập kỷ qua, nhưng hiện tình hình đã khác.
Nhờ đà tăng trưởng được cải thiện trong xu thế phục hồi kinh tế sau đại dịch, Đông Nam Á đang được coi là "nơi trú ẩn" an toàn khỏi các căng thẳng địa chính trị, trong bối cảnh các nhà đầu tư trong những tuần gần đây đã phải đau đầu với một loạt lo ngại, từ giá hàng hóa tăng phi mã do xung đột Nga-Ukraine, đến lãi suất tăng khi các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh chính sách tiền tệ nhằm chặn đà lạm phát tăng cao.
Theo ông Loh, Đông Nam Á được "cách ly tương đối" khỏi căng thẳng địa chính trị đang gia tăng ở châu Âu, vì Nga và Ukraine chỉ chiếm chưa đến 1% xuất khẩu của khu vực.
Viễn cảnh FED tăng lãi suất cao hơn nữa đã làm dấy lên lo ngại về dòng vốn chảy ra ngoài và đồng tiền mất giá ở các thị trường mới nổi của Đông Nam Á, như đã từng xảy ra vào năm 2013, nhưng các nhà phân tích cũng cho rằng, tác động dự kiến đến Đông Nam Á sẽ tương đối nhỏ so với trước đây.
"Chúng tôi không nhận thấy 1 đợt dịch chuyển dòng vốn chảy ra khỏi Đông Nam Á. Tình hình tài chính của các quốc gia trong khu vực nhìn chung đã lành mạnh hơn nhiều so với 1 thập kỷ trước", ông Loh nhận định.
Hầu hết các ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore vẫn chưa thắt chặt chính sách tiền tệ, 1 phần là do tình hình lạm phát trong khu vực tương đối ít nghiêm trọng hơn so với các nền kinh tế phát triển khác ở phương Tây.
Theo ông Moe, các nền kinh tế Đông Nam Á ngày nay cũng có khả năng phục hồi tốt hơn so với các chu kỳ trước đây. Bằng chứng là các cân đối tài chính đang ở tình trạng tốt cũng như các loại tiền tệ được định giá tốt hơn, chuyên gia của Goldman Sachs nhận định.