Sau nhiều tháng đi ngang, cổ phiếu TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã có màn bứt tốc ấn tượng trong tháng 7/2025, trở thành một trong những mã ngân hàng thu hút dòng tiền mạnh nhất từ cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Tăng hơn 35% kể từ đáy, khối ngoại gom ròng hơn 30 triệu cổ phiếu
Chốt phiên sáng 18/7, cổ phiếu TPB tăng hơn 1% lên 15.050 đồng/cổ phiếu, với thanh khoản duy trì tích cực hơn 26 triệu đơn vị. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, mã này đã tăng hơn 10%, còn nếu so với vùng đáy thiết lập ngày 9/4, mức tăng đã vượt 35%.
Phiên giao dịch 9/7 được xem là bước ngoặt của TPB khi cổ phiếu tăng trần +6,79% cùng khối lượng giao dịch đột biến hơn 62 triệu cổ phiếu – mức cao nhất trong vòng ba tháng, tương đương giá trị hơn 900 tỷ đồng. Đáng chú ý, kể từ đầu tháng 7 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng liên tục 8 phiên, với tổng khối lượng lên tới hơn 30 triệu cổ phiếu TPB, giá trị hơn 400 tỷ đồng.
Sự trở lại mạnh mẽ của cổ phiếu TPB diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi về mặt điểm số và cải thiện rõ rệt về tâm lý nhà đầu tư. Trong nhóm ngân hàng tư nhân niêm yết, TPB hiện là một trong những mã được đánh giá có định giá hấp dẫn nhất khi đang giao dịch ở mức P/B chỉ 1,01 lần – thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung toàn ngành.

Các công ty chứng khoán nâng khuyến nghị
Theo báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), cổ phiếu TPB tiếp tục được khuyến nghị tăng tỷ trọng trong danh mục đầu tư dài hạn. HSC cho rằng mức định giá hiện tại chưa phản ánh đúng tiềm năng tăng trưởng, đặc biệt là trong bối cảnh TPBank đang đẩy mạnh chuyển đổi số và khai thác hiệu quả mảng bán lẻ.
Trong khi đó, MBS Research giữ nguyên đánh giá khả quan và đặt giá mục tiêu 18.200 đồng/cổ phiếu cho TPB. Báo cáo phân tích nhấn mạnh lợi thế cạnh tranh nổi bật của ngân hàng trong lĩnh vực ngân hàng số, với hệ sinh thái công nghệ hiện đại, định vị thương hiệu rõ ràng và khả năng tiếp cận khách hàng trẻ. Tăng trưởng tín dụng của TPBank được dự báo đạt 18,8% trong năm 2025 và duy trì quanh 15% vào năm 2026 – mức cao hơn nhiều so với bình quân ngành.
Cơ cấu thu nhập cũng đang chuyển biến tích cực khi TPBank tăng tỷ trọng nguồn thu ngoài lãi, tập trung vào phí dịch vụ và các sản phẩm tài chính số hóa. Chiến lược này giúp ngân hàng đa dạng hóa dòng tiền, giảm phụ thuộc vào chênh lệch lãi suất truyền thống.
Ổn định tài chính và chia cổ tức đều đặn cho cổ đông
Không chỉ hấp dẫn về định giá và tiềm năng tăng trưởng, TPBank còn được đánh giá cao ở khía cạnh ổn định tài chính và chia sẻ lợi ích với cổ đông. Trong tháng 5/2025, ngân hàng đã chi trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10% và thông qua phương án phát hành hơn 132 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 5%. Sau phát hành, vốn điều lệ dự kiến tăng lên hơn 27.740 tỷ đồng, hoàn toàn từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối – thể hiện năng lực sinh lời ổn định và minh bạch.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy tín hiệu tích cực, với lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 4.100 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng đạt gần 11,7%, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực có biên lợi nhuận cao như bán lẻ, bất động sản có kiểm soát và tài chính tiêu dùng. TPBank cũng duy trì các chỉ số an toàn vốn, thanh khoản và tín dụng ở mức tốt, đồng thời tiếp tục đầu tư vào công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả vận hành và trải nghiệm khách hàng.
Tiềm năng cho nhà đầu tư trung – dài hạn
Với định giá còn thấp, thanh khoản cao, lợi nhuận tăng trưởng đều đặn và chính sách cổ tức hợp lý, TPB đang nổi lên là cổ phiếu ngân hàng đáng chú ý trong danh mục trung – dài hạn. Khả năng bứt phá của TPBank sẽ còn được củng cố nếu mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định, nền kinh tế phục hồi rõ nét hơn và dòng vốn ngoại duy trì tích cực trong các tháng tới