Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký thông báo số 1535/TB-TTKQH kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Bộ Công an, các bộ, cơ quan có liên quan đã tích cực nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ dự thảo.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, Thường trực các cơ quan của Quốc hội kịp thời tổ chức thẩm tra sơ bộ, bảo đảm chất lượng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá; cơ bản nhất trí với báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Áp dụng thống nhất mức giá khởi điểm chung với đấu giá biển số ôtô.
Về tên gọi, đối tượng, nội dung nghị quyết trên cơ sở 5 chính sách như Chính phủ đề nghị, thiết kế ngắn gọn rõ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện theo hướng tạo sự hấp dẫn và có lợi cho người dân khi tham gia đấu giá biển số ôtô. Từ đó, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng phạm vi thí điểm của Quốc hội, nhất là vấn đề khác văn bản luật hiện hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí chỉ thí điểm đấu giá biển số ôtô đối với biển số chữ đen nền trắng trong kho biển số chưa được đăng ký; đồng ý cho đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị chỉnh sửa tên, điều chỉnh bố cục dự thảo nghị quyết phù hợp; nghiên cứu bổ sung các quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số và người nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế để quy định cho phù hợp.
Giá biển số được áp dụng thống nhất trên toàn quốc với một mức khởi điểm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng về thời gian thí điểm để kịp thời luật hóa nội dung này đồng bộ với việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Rà soát để chỉnh sửa về mặt kỹ thuật văn bản bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, thống nhất, phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật.
Do quỹ thời gian từ nay đến ngày khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV không còn nhiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, gửi hồ sơ dự thảo Nghị quyết này đến các cơ quan của Quốc hội để Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan thẩm tra và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 theo quy định của pháp luật.
Trước đó, chiều 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long đề xuất Giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân với hệ số. Cụ thể, với vùng 1 (Hà Nội, Tp.HCM), mức khởi điểm là 40 triệu đồng; vùng 2 (các địa phương còn lại) có mức 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Lê Tấn Tới nhận định, việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa vùng 1 và vùng 2 không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc, không giới hạn và phân biệt giữa 2 vùng. Vì vậy, thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu một mức giá để áp dụng toàn quốc khi đấu giá trực tuyến. Mức giá này cần phù hợp để thu hút người dân tham gia đấu giá.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Việc đấu giá nhằm khai thác kho số và đáp ứng một phần nguyện vọng chính đáng của người dân, chứ không phải mục tiêu duy nhất là thu tiền. Do đó, Chính phủ nên nghiên cứu một mức giá khởi điểm phù hợp, không cao quá để tạo sự hấp dẫn”.