Các gói thầu mua sắm mới thiết bị dạy học do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư bị nghi vấn “đội giá”, có dấu hiệu gây thất thoát Ngân sách Nhà nước.
Ngày 10/12/2021, bà Trần Thị Thanh Huế - Trưởng Phòng giáo dục huyện Sóc Sơn ký Quyết định số 254/QĐ-GDĐT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu: Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 các trường công lập trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất Thiết bị Giáo dục – Công ty Cổ phần Điện chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hồ Gươm. Giá trúng thầu là 13.228.680.000đ, giá dự toán gói thầu là 13.382.763.000 đồng.
Tại gói thầu này, giá trang thiết bị cũng có dấu hiệu bị đội giá như: Bộ thước thực hành đo khoảng cách, đo chiều cao ngoài trời có xuất xứ Việt Nam do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư có giá 2.020.000 VNĐ. Theo tìm hiểu của PV, tại gói thầu do Trường THCS Đông Xuân (huyện Quốc oai) làm chủ đầu tư chỉ có giá 1.233.000 VNĐ, cũng do liên danh Công ty Cổ phần VINALONG – Công ty Cổ phần Thương mại và Phát triển Bình An cung cấp.
Kèn phím có xuất xứ Indonesia, thông số kỹ thuật được yêu cầu tương tự nhau ở 2 gói thầu nhưng giá lại hoàn toàn khác nhau. Gói thầu số 03 mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6 tại Trường THCS Đông Xuân (huyện Quốc Oai) Công ty VinaLong trúng thầu với giá thiết bị này là 1.085.000 VNĐ. Nhưng tại gói thầu do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư, liên danh VinaLong – Bình An lại mua với giá gần 1.500.000 đồng.
Bộ học liệu điện tử hỗ trợ giáo viên có xuất xứ Việt Nam, thông số kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu (E-HSMT) giống nhau nhưng, trong gói thầu do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tưmua với giá 11.370.000 đồng. Còn tại gói thầu do Trường THCS Đông Xuân làm chủ đầu tư thiết bị này được mua với giá chỉ 4.119.000 đồng. Như vậy, một bộ học liệu điện tử hỗ trợ giáo viên chênh lệnh nhau hơn 7.251.000 đồng ở hai gói thầu.
Bếp điện trong gói thầu mua sắm ở Sóc Sơn và trong gói thầu số 03: mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6 tại Trường THCS Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai cũng có yêu cầu về kỹ thuật giống nhau được nêu trong chương V của E-HSMT. Nhưng tại trường THCS Tuyết Nghĩa (Quốc Oai) làm chủ đầu tư, thiết bị này có giá trúng thầu là 775.000 VNĐ. Còn tại huyện Sóc Sơn, liên danh VinaLong – Bình An đã đề xuất và mua với giá hơn 1.600.000 đồng cao gấp đôi.
Gói thầu mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học phục vụ chương trình thay sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 tại Sóc Sơn yêu cầu mua sắm 27 bộ bàn, lưới bóng bàn Liên danh VinaLong – Bình An mua loại hàng hóa này với giá 9.731.000 VNĐ. Theo tìm hiểu, trên thị trường hiện nay sản phẩm bàn và lưới bóng bàn có thông số kỹ thuật giống nhau chỉ có giá hơn 5.700.000 đồng, chênh lệch khoảng 4.000.000 đồng, số lượng được mua là 27 bộ trang thiết bị.
Trụ và lưới đá cầu được liên danh VinaLong – Bình An mua với giá 2.755.000 VNĐ, số lượng 54 bộ, xuất xứ Việt Nam. Đối với mặt hàng hóa này, yêu cầu về mặt kỹ thuật là: mẫu và kích thước theo tiêu chuẩn của Tổng cục Thể dục thể thao. Cũng là loại hàng hóa này Công ty cổ phần thiết bị giáo dục và khoa học kỹ thuật Long Thành mua với giá chỉ 1.750.000 VNĐ để trang bị Trường tiểu học Nghĩa Hương, thuộc địa bàn huyện Thanh Oai. Như vậy có sự chênh lệch 1 triệu đồng/bộ.
Đấu thầu là để tìm ra nhà thầu có đủ năng lực thực hiện dự án một cách hiệu quả và đảm bảo tiết kiệm. Cùng chủng loại, xuất xứ nhưng vẫn đảm chất lượng, giá cả kèm chế độ hậu mãi tốt nhất. Thế nhưng công tác đấu thấu trên đang bộc lộ nhiều dấu hiệu bất cập, nhiều danh mục sản phẩm đang có khung giá bị đội cao hơn nhiều so với thị trường, đang có dấu hiệu đi lệch với chủ trương trên.
Đề nghị UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng liên quan của thành phố Hà Nội cần nhanh chóng vào cuộc tiến hành kiểm tra, rà soát, xử lí kịp thời nếu có sai phạm tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn.