Đấu thầu tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau – Bài 2: “Rất có thể có hành vi tham nhũng”

17/06/2021 08:09

“Tôi nghĩ, rất có thể có hành vi tham nhũng trong việc mua thiết bị y tế giá cao, do giá thiết bị đó đã bị nâng khống, đội lên gấp nhiều lần giá trị thực. Nếu như vậy thì là điều không chấp nhận được”, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Uỷ viên uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nói về việc chênh lệch “khủng” trong đấu thầu tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau.

Giá cả “nhảy múa”, mỗi nơi một phách

Con số chênh lệch “khủng” khiến dư luận xã hội đặt dấu hỏi: Cùng một chủng loại, model, hãng sản xuất và xuất xứ, nhưng trị giá của Hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt lại có sự chênh lệch một trời một vực như vậy, thì có gian lận trong quá trình đấu thầu hay không? Khi giá một thiết bị y tế tại một địa phương cao hơn nhiều so với mặt bằng chung, thì có phải do tiêu cực hay là một sự nhầm lẫn tai hại?

Như thông tin tạp chí Đời sống và Pháp luật đã phản ánh, ngày 3/8/2020, căn cứ Tờ trình 288 ngày 28/7/2020 của công ty CP Tư vấn đầu tư Nam Sài Gòn, về việc đối chiếu tài liệu E-HSDTm thương thảo hợp đồng, thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; căn cứ báo cáo thẩm định số 32/CT-HM ngày 3/8/2020 của công ty CP Xây dựng Hoàng Mai về việc báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cà Mau Bùi Đức Văn đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho Gói thầu số 8: “Cung cấp, lắp đặt hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt”, thuộc dự án Đầu tư hệ thống chụp cắt lớp vi tính cho bệnh viện Đa khoa Cà Mau.

anh1
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cà Mau Bùi Đức Văn đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho Gói thầu số 8

Với việc chi ra 30.600.000.000 đồng (30,6 tỷ đồng), công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Hợp Phú đã trúng thầu, trong khi giá dự thầu của gói thầu là 31.500.000.000 đồng (31,5 tỷ đồng). Tỉ lệ tiết kiệm ở gói thầu này là cực kỳ thấp.

Đây được coi là một mức giá “trên trời” bởi vì ở nhiều địa phương khác, cùng chủng loại, hãng sản xuất, xuất xứ và cùng model, nhưng thiết bị lại được mua với giá thấp hơn cả chục tỷ đồng so với giá mà bệnh viện Đa khoa Cà Mau mua.

Đơn cử, theo Quyết định số 3940/QĐ-BV ngày 31/12/2020 do ông Dương Thanh Bình, Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) ký phê duyệt cho công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Khoáng sản trúng gói thầu Cung cấp hệ thống CT-Scanner 128 lát cắt, với cùng chủng loại, hãng sản xuất, xuất xứ và cùng model với hệ thống máy mà bệnh viện Đa khoa Cà Mau đã mua, nhưng giá chỉ 19.124.000.000 đồng (hơn 19,1 tỷ đồng).

Cũng vẫn là hệ thống CT Scanner 128 lát cắt nhưng tại bệnh viện Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh, công ty CP Đầu tư tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo đã trúng thầu với giá chỉ 19.135.000.000 đồng (hơn 19 tỷ đồng) - Giá dự toán ban đầu là 23.800.000.000 đồng (gần 24 tỷ đồng).

Trước đó, năm 2019, bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) chọn công ty TNHH Dược phẩm trang thiết bị y tế T.D thực hiện gói thầu Đầu tư hệ thống máy chụp cắt lớp điện toán (CT Scanner 128 lát cắt) với giá chỉ 15.350.000.000 đồng (hơn 15,3 tỷ đồng), giá dự thầu là 21.970.000.000 đồng (gần 22 tỷ đồng).

Khảo sát riêng của PV cho thấy, thông thường giá của hệ thống này trên thị trường dao động từ 200.000 – 500.000 USD (4 – 11 tỷ đồng). Một số hệ thống xuất xứ từ châu Âu sẽ dao động từ 172.000 – 497.000 bảng Anh (5-16 tỷ đồng). Hay như ở Đức, giá của hệ thống CT-128 lát cắt sẽ dao động trong khoảng 200.000 USD (khoảng 4,5 tỷ đồng). Riêng tại thị trường Đức, giá của hệ thống này sẽ có sự khác nhau về thương hiệu như GE, Siemens và Philips. Hệ thống CT-128 lát cắt của GE ở Đức được đánh giá là đắt nhất.

Việc rất không bình thường, cần làm sáng tỏ

Trao đổi với PV xung quanh vấn đề này, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Uỷ viên uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng, nếu cùng một thiết bị, cùng nhà sản xuất, cùng model mà có sự chênh nhau về giá mua giữa các địa phương, thì thanh tra ngành, thanh tra tỉnh cần vào cuộc làm rõ để trả lời cho công luận: Tại sao lại có sự chênh lệch khủng như vậy? Lãnh đạo các đơn vị, cơ quan chuyên môn có biết không?

“Tôi cho rằng đây là việc làm rất không bình thường, phải làm rõ trắng ra trắng, đen ra đen”, vị ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh.

anh 3 dbqh pham van hoa
ĐBQH Phạm Văn Hòa, Uỷ viên uỷ ban Pháp luật của Quốc hội

Ông cũng nêu quan điểm: “Tôi nghĩ, rất có thể có hành vi tham nhũng trong việc mua thiết bị y tế giá cao, do giá thiết bị đó đã bị nâng khống, đội lên gấp nhiều lần giá trị thực. Nếu như vậy thì là điều không chấp nhận được”.

Cũng theo ông Hoà, chênh giá hàng chục tỷ đồng thì dư luận có quyền nghi ngại về những tiêu cực.

“Thậm chí, có hành vi tiêu cực giữa người có trách nhiệm trong ngành và những doanh nghiệp hay không? Phải làm rõ, tôi nghĩ không thể tự dưng có việc chênh lệch như vậy.

Cần làm rõ việc mua giá thiết bị y tế cao hơn tỉnh khác cả chục tỷ đồng thì có nhóm lợi ích và sự móc nối giữa quan chức và doanh nghiệp hay không. Nếu có thì đề nghị xử lý hình sự ở mức kịch khung. Bởi việc nâng khống giá thiết bị y tế đã âm thầm móc túi người bệnh, làm họ khốn khổ thêm bội phần sau những “phong bì”, “lót tay”, “bôi trơn”, “đút lót”, “cảm ơn”…”, ĐBQH Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.

Đồng quan điểm riêng khi chia sẻ ý kiến với PV xung quanh vấn đề chênh giá, đội giá ở các hoạt động đấu thầu trang thiết bị y tế, giáo dục, bà Bùi Thị An, ĐBQH khoá XIII cho rằng, Chủ trương của Đảng, Chính phủ là xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục là hoàn toàn đúng. Thực hiện tốt xã hội hóa có thể tận dụng thêm nhiều nguồn lực từ xã hội, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Chủ trương, chính sách tốt đẹp, nhân văn là thế, nhưng trong quá trình thực hiện có những lúc, có những nơi, có những vùng, có những miền chúng ta đã không để ý và giám sát cẩn thận nên để xảy ra tình trạng thiết bị thì kém chất lượng nhưng giá lại cao, hoặc thiết bị có chất lượng không tương xứng với giá thành chi cho sản phẩm, nhiều sản phẩm bị đội giá lên gấp nhiều lần, khiến ngân sách bị trục lợi hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỷ đồng.

“Câu chuyện đấu thầu cũng vì thế mà trở nên méo mó, làm giảm sút niềm tin trong dư luận. Tôi cho rằng, cần có sự vào cuộc ngay của các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Cơ quan chức năng cần làm rõ vấn đề để công bố công khai trước dư luận, sai đến đâu xử lý đến đó. Ai sai sẽ phải chịu trách nhiệm và chịu xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Không thể vì một số lợi ích của cá nhân hay một nhóm người mà làm câu chuyện chính sách bị xấu đi.

Tôi cũng nghĩ rằng, các địa phương khác nên chủ động rà soát lại tất cả các gói thầu cũng như những chính sách đã triển khai trong thời gian qua. Chúng ta vẫn nói phòng hơn chống, vậy thì với sai phạm cũng cần chủ động tìm ra và xử lý kịp thời, vừa củng cố niềm tin trong nhân dân, vừa giảm thiểu các thiệt hại không mong muốn. Đừng để sự đã rồi, việc đã vỡ lở, bị phát hiện, dư luận, báo chí vào cuộc phanh phui rồi mới vào xử lý kiểu vuốt đuôi, chạy theo, thả gà ra đuổi, như thế thì hiệu quả xử lý sẽ không cao”, bà An nhấn mạnh.

Từng trả lời báo chí, ông Bùi Đức Văn, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Cà Mau, lý giải, máy chụp CT có nhiều dòng máy. Máy của bệnh viện mua đã được thông qua tất cả các quy trình thẩm định của tỉnh và có tham khảo bộ Y tế về cấu hình.

Bạn đang đọc bài viết "Đấu thầu tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau – Bài 2: “Rất có thể có hành vi tham nhũng”" tại chuyên mục Đấu Thầu. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).