Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường?

20/03/2022 20:41

Hàng loạt sản phẩm trong gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Phải chăng, việc thẩm định giá, xây dựng dự toán thiếu minh bạch?

Thời gian qua, việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị trong lĩnh vực giáo dục được nhiều cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng đội giá và dấy lên lo ngại về việc thiếu minh bạch trong công tác xây dựng dự toán, thẩm định giá.

Cũng trong năm 2022, có rất nhiều lãnh đạo, cán bộ sở, ngành trong lĩnh vực giáo dục bị Cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam do vi phạm và có tiêu cực trong đấu thầu.

Gần đây, Chuyên trang Pháp luật và Bạn đọc nhận được nhiều phản ánh về việc giá trúng thầu tại một số gói thầu do Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao bất thường. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 3/12/2021, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, ông Trần Đức Quý có ký quyết định số 1541/QĐ-ĐHCN-TCKT về việc phê duyệt hồ sơ mời thầu gói thầu: Cung cấp, lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo.

Gói thầu này được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước qua mạng với giá gói thầu là 12.900.533.000 đồng và sử dụng nguồn vốn từ nguồn thu sự nghiệp. 

Thông tin trên Hệ thống mạng đấu Quốc gia cho thấy, gói thầu này do Công ty Cổ phần Tư vấn, xây lắp Việt Nam đại diện là đơn vị mời thầu còn Công ty CP Đầu tư và phát triển Công nghệ mới - Vật liệu mới VSD là đơn vị thẩm định hồ sơ mời thầu.

Sau khi Hồ sơ mời thầu được đăng tải, chỉ có một nhà thầu là liên danh Công ty Cổ phần Nội thất Đồng Ca - Công ty Cổ phần Bảo Toàn - Công ty Cổ phần Đầu tư HCOM tham gia dự thầu và trúng thầu với giá 12.283.318.800 đồng.

Gói thầu mua sắm tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Vì sao giá sản phẩm cao hơn nhiều lần giá thị trường? - Ảnh 1.

Quyết định số 1941/QĐ-ĐHCN-TCKT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu "Cung cấp, lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo" tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Sau khi Hiệu trưởng Trần Đức Quý ký Quyết định số 1941/QĐ-ĐHCN-TCKT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhiều thông tin cho biết, các loại hàng hóa, trang thiết bị trong gói thầu có sự chênh lệch lớn so với giá thị trường. Cụ thể: Cùng cùng chủng loại, xuất xứ, thông số kỹ thuật và các tiêu chuẩn kỹ thuật mà chủ đầu tư đưa ra nhưng thực tế giá thị trường lại thấp hơn nhiều so với giá dự toán của chủ đầu tư và giá trúng thầu của nhà thầu.

Đơn cử, sản phẩm "Điều hòa âm trần Funiki CC50MMC", xuất xứ Malaysia có giá trúng thầu là 40.150.000 đồng nhưng cũng sản phẩm này, giá trên thị trường lại chỉ dao động từ 28 triệu đồng đến 31 triệu đồng. Như vậy, có thể thấy là giá chênh lệch hàng chục triệu đồng so với giá trúng thầu.

Cụ thể, trên website dienmayphuckhanh.vn (thuộc Công ty TNHH Thương Mại & DVKT Phúc Khánh), sản phầm này có giá được niêm yết là 28.000.000 đồng. Hay tại một đơn vị khác như Điện máy Hà Nội (website: dienmayhanoionline.asia) có giá cao hơn nhưng cũng chỉ ở mức 30.500.000 đồng.

Tất nhiên, giá trúng thầu là chưa bao gồm các phụ kiện khác như ống đồng, bảo ôn, ống thoát nước, dây cấp tín hiệu cho dàn nóng và dàn lạnh,... Các hạng mục phụ kiện này đều được đấu thầu và giá cũng không hề rẻ.

Gói thầu mua sắm tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Vì sao giá sản phẩm cao hơn nhiều lần giá thị trường? - Ảnh 2.

Sản phẩm điều hòa âm trần Funiki CC50MMC, xuất xứ Malaysia có giá trúng thầu là 40.150.000 đồng

 

Gói thầu mua sắm tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch hàng tỉ đồng với giá thị trường? - Ảnh 3.

Điều hòa âm trần Funiki CC50MMC, xuất xứ Maliasia tại dienmayphuckhanh.vn chỉ có 28.000.000 đồng.

Tiếp đến, sản phẩm "Camera Dahua DH-IPC-HFW123SP-S4" có giá trúng thầu là 1.705.000 đồng. Thế nhưng cũng với các yêu cầu về kỹ thuật mà bên mời thầu đưa ra như: Loại camera IP, độ phân giải 2.0 MP, cảm biến hình ảnh cảm biến CMOS 1/2.7, Max 25/30fps@1080P, ống kính cố định 3.6mm, chuẩn chống nước IP67…, giá tại Công ty Cổ phần đầu tư công nghệ HACOM (website: hanoicomputer.vn) chỉ có 890.000 đồng (đã bao gồm VAT).

Chưa hết, sản phẩm "Đầu ghi Dahua NVR 4108 HS" có giá trúng thầu là 3.850.000 đồng. Tuy nhiên, giá tại Công ty TNHH Kỹ nghệ Phúc Anh (phucanh.vn) và  Công ty CP đầu tư công nghệ HACOM chỉ 2.979.000 đồng.

Sản phẩm "Mic không dây (bao gồm mic và bộ thu) Bosch", mã hiệu MW1-RX-F5/MW1-HTX-F5 có giá trúng thầu là 15.950.000 đồng nhưng tại website sandienmay.vn chỉ có 10.239.315 đồng (chưa bao gồm VAT), chệnh lệch hơn 5 triệu đồng so với giá trúng thầu.

Gói thầu mua sắm tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch hàng tỉ đồng với giá thị trường? - Ảnh 4.

Sản phẩm Camera Dahua DH-IPC-HFW123SP-S4 có giá trúng thầu là 1.705.000 đồng, tuy nhiên giá tại hanoicomputer.vn chỉ có 890 nghìn đồng.

Sản phẩm "Âm ly kèm trộn - Hãng sản xuất Bosch", mã hiệu PLE-1ME240-EU, xuất xứ Trung Quốc có giá trúng thầu là 14.630.000 đồng nhưng tại sieuthivienthong.com chỉ có 11.336.000 đồng. Chênh lệch hơn 3 triệu đồng so với giá trúng thầu. Cùng sản phẩm này, tại website lapdatamthanh.com (thuộc Công ty TNHH TMDV và Công Nghệ Hải Hưng) có giá niêm yết cao hơn nhưng cũng chỉ ở mức 12.350.000 đồng.

Đặc biệt, sản phẩm "Màn hình kỹ thuật số chuyên dụng LG 75UL3J-B", xuất xứ Indonesia có giá trúng thầu là 82.075.800 đồng thế nhưng giá trên thị trường chỉ 35.140.000 (chưa bao gồm VAT). Đáng nói, mức giá này do chính Công ty CP Đầu tư HCOM, một trong 3 công ty liên danh trúng thầu đưa ra, chênh gần 47 triệu đồng (1,7 lần) so với giá trúng thầu. Với số lượng 25 chiếc thì con số chênh lệch lên đến hơn 1 tỉ đồng.

Gói thầu mua sắm tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Vì sao giá sản phẩm cao hơn nhiều lần giá thị trường? - Ảnh 3.

Báo giá của Công ty CP Đầu tư HCOM sản phẩm màn hình kỹ thuật số chuyên dụng LG 75UL3J chỉ có giá 35.140.000 (chưa bao gồm VAT)

Như vậy, chỉ với 6 sản phẩm trong số 84 sản phẩm thuộc gói thầu "Cung cấp, lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo" của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, so với giá trên thị trường đã chênh lệch nhiều tỉ đồng.

Cũng theo khảo sát của PV, rất nhiều sản phẩm bàn, ghế sinh viên, giảng viên thương hiệu Hòa Phát trong gói thầu mua sắm trên cũng có giá chênh lệch khá cao so với thị trường và số lượng lên đến hàng nghìn sản phẩm. Những thông tin này, sẽ được chúng tôi thông tin tiếp ở bài viết sau.

Qua thực tế khảo sát giá gói thầu trên và các thông tin phản ánh, có thể thấy, việc đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có nhiều vấn đề mà cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương cần vào cuộc làm rõ. Việc giá trúng thầu quá cao, dư luận có thể đặt nhiều dấu hỏi về việc giá dự toán được xây dựng trên cơ sở pháp lý và khảo sát giá thực tiễn thế nào? Và quan trọng là việc thẩm định giá có đúng quy trình và minh bạch, lợi ích nhóm hay không?

Được biết, vào tháng 3/2021, Liên danh Công ty Cổ phần Nội thất Đồng Ca và Công ty CP Bảo Toàn cũng đã trúng gói thầu "Cung cấp, lắp đặt trang thiết bị chuyên dụng phục vụ cho công tác đào tạo" của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội với trị giá hơn 5,3 tỉ đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường?" tại chuyên mục Đấu Thầu. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).