Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cho biết: Tính đến 31/12/2021, tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của các dự án là 6,61 tỷ USD (bằng 55% số vốn đăng ký).
Trong đó, PVN có số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện lớn nhất (gần 4 tỷ USD, chiếm 60% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài); tiếp theo là Viettel (1,46 tỷ USD, chiếm 22%); VRG đứng thứ ba (770,80 triệu USD, chiếm 12%). Tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của 03 doanh nghiệp này chiếm 94% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của khối DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Năm 2021, số vốn thu hồi từ các dự án đầu tư ra nước ngoài là 509,75 triệu USD (trong đó lợi nhuận chuyển về nước là 278,56 triệu USD). Số tiền này chủ yếu là từ các dự án của các tập đoàn, tổng công ty (công ty mẹ, công ty con): PVN (288,34 triệu USD), Viettel (147,12 triệu USD), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (35 triệu USD)...
Lũy kế đến ngày 31/12/2021, có 62 dự án đầu tư ra nước ngoài của 14 doanh nghiệp đã phát sinh thu hồi vốn đầu tư, với tổng số vốn đã thu hồi lũy kế là 3,64 tỷ USD (bao gồm lợi nhuận chuyển về nước là 1,74 tỷ USD), bằng 55% tổng số vốn đã đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, PVN có số vốn đầu tư thu hồi lớn nhất, là 2,63 tỷ USD (chiếm 72% tổng số vốn đã thu hồi của khối các DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước), đứng thứ hai là Viettel với 853,41 triệu USD (chiếm 23%).
"Số vốn đã thu hồi của hai doanh nghiệp này chiếm 95% tổng số vốn thu hồi từ các dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp", báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Năm 2021, có 88 dự án đầu tư ra nước ngoài phát sinh doanh thu, với tổng doanh thu là 7,78 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2020. Trong đó: 62 dự án có lợi nhuận, với tổng lợi nhuận sau thuế là 810,2 triệu USD (tăng 90% so với năm 2020). Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam là 284,82 triệu USD (tăng 166,3 triệu USD, gấp 2,4 lần năm 2020).
Bên cạnh các dự án có lãi, báo cáo của Chính phủ ghi nhận có 30 dự án bị lỗ, tổng số lỗ phát sinh trong năm là 335,53 triệu USD (tăng 42% so với số lỗ của các dự án báo lỗ năm 2020).
Số lỗ từ các dự án trong lĩnh vực viễn thông (8 dự án viễn thông bị lỗ với tổng số lỗ là 293,32 triệu USD chiếm tỷ trọng lớn (87%); chủ yếu là lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện của các dự án tại thị trường Myanmar của Viettel là 246,98 triệu USD do thị trường Myanmar có chính biến, tỷ giá biến động mạnh và lỗ kinh doanh tại thị trường Tanzania là 43,93 triệu USD do chính sách thắt chặt quản lý thông tin thuê bao của chính phủ và các loại thuế, phí cao).
Chính phủ băn khoăn khi các dự án đầu tư ra nước ngoài có lỗ phát sinh, lỗ lũy kế tiếp tục tăng.
"Đến 31/12/2021, vẫn còn 44 dự án có lỗ lũy kế, với tổng số lỗ lũy kế là 1,33 tỷ USD (giảm 2 dự án nhưng tăng 164,04 triệu USD so với năm 2020)", báo cáo nêu rõ.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư ra nước ngoài, Chính phủ kiến nghị Quốc hội thúc đẩy quan hệ ngoại giao cấp Nhà nước giữa Việt Nam với các quốc gia tiếp nhận vốn đầu tư của các DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước (như tại Lào, Campuchia, Myanmar) để kiến nghị nước sở tại có chính sách ưu đãi, đầu tư nhất quán, minh bạch, tạo môi trường đầu tư ổn định, an toàn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, chú trọng hơn về tái cấu trúc hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp trong tổng thể thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025; tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động đầu tư ra nước ngoài, thu lợi nhuận về nước của doanh nghiệp;... thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ra nước ngoài theo quy định.