Địa phương giải ngân chậm sẽ không được giao dự án mới

25/05/2023 14:21

Để đảm bảo hiệu quả giải ngân chung, việc điều chuyển vốn, không giao dự án mới cho chủ đầu tư yếu là một trong những biện pháp được tính đến.

Tình trạng chậm giải ngân diễn ra tại một số dự án giao thông giao Sở GTVT các địa phương làm chủ đầu tư, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả giải ngân chung của Bộ GTVT.

Giải ngân thấp do tập trung hoàn ứng

 

giai-ngan-1684549138.jpg Tại dự án tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột, tính đến trung tuần tháng 5/2023, sản lượng thi công dự án mới chỉ đạt gần 26%, chậm 40% so với kế hoạch

Trung tuần tháng 5/2023, có mặt tại dự án đường nối hai cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Hà Nội - Hải Phòng được Bộ GTVT giao Sở GTVT hai tỉnh Hưng Yên, Hà Nam làm chủ đầu tư, ghi nhận của PV, dù dự án bước vào giai đoạn nước rút, song nhân lực và thiết bị trên công trường có phần thưa vắng hơn trước.

Kỹ sư Nguyễn Văn Công, Chỉ huy trưởng dự án thuộc Doanh nghiệp Tư nhân Xuân Trường cho biết, nhà thầu đã cơ bản thông tuyến đường nối hai cao tốc dài gần 24km vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Dự kiến, hết tháng 6/2023 đơn vị sẽ hoàn thiện tất cả các hạng mục còn lại và bàn giao công trình, về đích sớm 8 tháng.

Tuy nhiên, cách đây 1 tháng, tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ các dự án giao thông do Sở GTVT các địa phương làm chủ đầu tư, dự án trên lại là một trong bốn dự án bị Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GTVT báo động về tiến độ giải ngân khi được giao hơn 233 tỷ đồng, kết thúc 3 tháng đầu năm sản lượng giải ngân mới đạt vỏn vẹn 1 tỷ đồng.

Về phía Sở GTVT Hưng Yên, ông Hoàng Hải Bình, Giám đốc Ban QLDA công trình giao thông khẳng định, số liệu giải ngân những tháng đầu năm 2023 thấp không phải do nhà thầu thi công chậm tiến độ mà là do Ban QLDA chỉ đạo nhà thầu tập trung làm hoàn trả vốn ứng.

“Tính đến nay, vốn ứng tại dự án đã thu hồi hơn 80%”, ông Bình nói và cho biết, năm 2023, dự án qua tỉnh Hưng Yên được bố trí 179 tỷ đồng. Hiện, khối lượng giải ngân đạt 505 triệu đồng. Khối lượng còn lại sẽ được hoàn thành sau khi công tác thi công các hạng mục còn lại về đích.

Với dự án đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Hà Nội - Hải Phòng qua Hà Nam, theo ông Đỗ Huy Tuấn, Phó giám đốc Ban QLDA Bảo trì đường bộ Hà Nam, thủ tục thanh toán những tháng đầu năm của dự án chậm là do khâu nhập dữ liệu, ảnh hưởng đến thời gian chuyển hồ sơ ra kho bạc.

Cùng đó, hai tháng đầu năm, khối lượng đăng ký giải ngân thấp còn do nhà thầu phải thực hiện hoàn ứng hợp đồng. Do đó, trong tháng 3 và tháng 4, Ban chỉ đăng ký giải ngân 4 tỷ đồng, nay đã giải ngân được 2,5 tỷ đồng, số còn lại đang hoàn thiện hồ sơ.

“Toàn bộ dự án đến nay đã giải ngân được khoảng gần 80% (bao gồm cả ứng vốn). So với tiến độ đăng ký với Bộ GTVT, tiến độ giải ngân bị chậm, song, tới đây triển khai các hạng mục có giá trị lớn nên chắc chắn giá trị giải ngân sẽ tăng cao”, ông Tuấn khẳng định.

Lo lắng nhất hiện nay là dự án tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột do Ban QLDA công trình giao thông và NNPTNT Đắk Lắk làm chủ đầu tư (Ban QLDA Đắk Lắk).

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), tính đến trung tuần tháng 5/2023, sản lượng thi công dự án mới đạt gần 26%, chậm 40% so với kế hoạch, chủ yếu do công tác GPMB chậm kéo dài (hiện mới đạt 65%).

Tính đến ngày 16/5/2023, trong tổng vốn được giao 472 tỷ đồng năm 2023, đến nay, sản lượng giải ngân dự án mới đạt được hơn 48 tỷ đồng, đạt khoảng 10%. Trong khi kế hoạch giải ngân đến hết tháng 5 phải đạt tới 147 tỷ đồng.

Ông Phan Xuân Bách, Phó giám đốc phụ trách Ban QLDA Đắk Lắk cho biết, theo quy định, công tác GPMB sẽ được thực hiện ngay ở bước lập dự án, song thực tế, việc GPMB triển khai sau khi tổ chức đấu thầu xây lắp dẫn đến thời gian chậm 7 tháng. Ngoài ra, chi phí bồi thường phát sinh cũng khiến thời gian GPMB dự án chậm thêm 5 tháng do thiếu nguồn vốn.

Giải quyết bất cập trên, ngày 20/4, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã họp và có nghị quyết bổ sung 332 tỷ đồng cho công tác GPMB cho dự án.

Không giao dự án mới cho chủ đầu tư yếu

Năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn gần 95.200 tỷ đồng (gồm hơn 94.100 tỷ đồng vốn giao năm 2023 và hơn 1.000 tỷ đồng vốn kéo dài).

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tốt sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Vì thế, tình trạng chậm giải ngân dự án giao thông của một số địa phương hiện nay cần sớm được khắc phục. Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm của ai, ở khâu nào. Nếu xuất phát từ quản lý kém, phải thay bộ máy quản lý, điều hành; Nhà thầu yếu thì thay thế nhà thầu, điều chuyển khối lượng công việc.

Nguyên ĐBQH Bùi Thị An

Trong đó, các chủ đầu tư thuộc Bộ GTVT được phân bổ gần 86.800 tỷ đồng, các chủ đầu tư khác được giao hơn 8.400 tỷ đồng (gồm gần 3.400 tỷ đồng được giao cho các Sở GTVT các địa phương).

Tính đến ngày 16/5, sản lượng giải ngân của các chủ đầu tư/Ban QLDA thuộc Bộ đạt hơn 28.000 tỷ đồng, đạt 29,5%; Các Sở GTVT địa phương giải ngân gần 1.000 tỷ đồng, đạt gần 30% kế hoạch được giao.

Một số dự án có tỷ lệ giải ngân thấp như: Tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột; Tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình qua Hưng Yên đạt hơn 1,9 tỷ đồng (đạt 1,1% kế hoạch năm 2023), dự án qua Hà Nam đạt hơn 2,2 tỷ đồng (đạt 4,2%); Tuyến tránh TP Cao Bằng đạt 1 tỷ (đạt 1,3%)…

Báo động là dự án cải tạo, nâng cấp QL21B đoạn Km41 – Km 57+950 (Chợ Dầu - Ba Đa). Năm 2023, dự án này được giao kế hoạch vốn gần 128 tỷ đồng, song, đến thời điểm cập nhật, hệ thống của Bộ GTVT vẫn chưa ghi nhận được giá trị giải ngân của dự án (sản lượng giải ngân vẫn bằng 0).

Đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, những tháng đầu năm, các dự án giao thông tại địa phương thường tập trung vào công tác hoàn ứng, giá trị giải ngân không cao. Dự kiến trong những tháng tới, sản lượng giải ngân sẽ tăng khi công tác hoàn ứng hoàn thành.

“Riêng đối với các Sở GTVT/Ban QLDA địa phương được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư dự án không tập trung giải quyết khó khăn, tiếp tục để dự án chậm tiến độ, Vụ sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT xem xét không giao dự án mới trong tương lai để đảm bảo hiệu quả giải ngân chung”, đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư thông tin.

Bên cạnh các dự án chưa đáp ứng tiến độ giải ngân, một số dự án được giao Sở GTVT địa phương làm chủ đầu tư đã ghi nhận tín hiệu tích cực.

Điển hình là dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp QL12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh Nhà máy xi măng sông Gianh.

Nếu trong quý 1/2023, sản lượng giải ngân của dự án chỉ đạt hơn 7 tỷ đồng trên tổng số 156 tỷ đồng kế hoạch vốn phân bổ năm 2023, tính đến nay, khối lượng giải ngân đạt hơn 30 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình GTVT Quảng Bình, những tháng đầu năm, dự án mới khởi công vào cuối năm 2022 nên khối lượng thực hiện chưa nhiều.

Thời gian qua, Ban đã đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân công, thiết bị thi công, đảm bảo giá trị sản lượng đáp ứng đúng số lượng giải ngân vốn như Sở đã đăng ký với Bộ GTVT.

Đến nay, dự án thành phần 1 đã giải ngân gần 27/122 tỷ đồng (đạt 22%); Dự án thành phần 2 giải ngân 3,7 trên tổng số gần 34 tỷ đồng (đạt 10,8%).

Bạn đang đọc bài viết "Địa phương giải ngân chậm sẽ không được giao dự án mới" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).