Doanh nghiệp 'ôm' hàng chục héc ta đất, bỏ hoang 14 năm

23/02/2022 10:08

Được giao đất, cấp phép xây dựng cho dự án nhà máy sản xuất, nhưng sau 14 năm, hiện trường dự án của các công ty này vẫn chỉ là bãi đất trống. Hàng chục héc ta đất được giải phóng mặt bằng (GPMB) rồi bị bỏ hoang, lãng phí khiến nhiều người dân tiếc nuối.

Hàng chục héc ta đất thực hiện dự án được giao bị bỏ hoang, cần được xử lý đúng quy định.

Đó là trường hợp xảy ra tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh (Hà Nội), trước những phản ánh của người dân về việc gần đây Công ty cổ phần Ngọc Bích (Công ty Ngọc Bích) tiến hành khởi công xây dựng lại tường bao quanh phần diện tích đất của công ty này. Trong quá trình Công ty Ngọc Bích tiến hành xây dựng thì các đơn vị quản lý chuyên môn cho rằng vì công ty chỉ xây dựng lại tường bao và cũng có báo cáo nên việc kiểm tra về giấy phép xây dựng là không cần thiết. Bên cạnh đó, một số người dân địa phương sống cạnh khu vực của công ty này và có ruộng đất phải GPMB để cho phía công ty có đất xây dựng nhà máy lại tỏ ra bức xúc và tiếc nuối vì đất được giao nhiều năm nhưng vẫn chỉ để hoang phí, trong khi người dân không còn ruộng đất để sản xuất.

Theo tìm hiểu được biết, Công ty Ngọc Bích được UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định giao đất từ tháng 5/2008 với nội dung cho phép Công ty Cổ phần Ngọc Bích chuyển mục đích sử dụng đất đã thỏa thuận bồi thường, GPMB, chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang thuê xây dựng Nhà máy may Kimono xuất khẩu tại xã Kim Hoa (huyện Mê Linh) với diện tích thu hồi và cho phép chuyển mục đích là 26.890 m2 đất (trong đó, diện tích đất nông nghiệp giao hộ gia đình là 26.033 m2; diện tích đất phi nông nghiệp do UBND xã quản lý là 857 m2) đã thỏa thuận bồi thường, GPMB tại xã Kim Hoa.

Công ty Ngọc Bích được cho thuê đất 49 năm để xây dựng 26.330 m2 Nhà máy, và 560 m2 là để mở rộng giao thông. Kèm theo đó là giấy phép xây dựng được Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cho xây dựng 4 công trình: Nhà điều hành, nhà xưởng, nhà ăn, nhà ở công nhân với tối đa 2 tầng có chiều cao là 9,1m tương ứng với vị trí đất đã được cấp giấy chứng nhận.

Liền kề với Công ty Ngọc Bích, Công ty TNHH dây và cáp điện Hoàng Sơn (Công ty Hoàng Sơn) cũng được UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định giao đất vào tháng 4/2008 với nội dung thu hồi, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã thỏa thuận bồi thường, GPMB và giao cho Công ty Hoàng Sơn thuê xây dựng Nhà máy sản xuất dây cáp điện và lắp ráp thiết bị vệ sinh cao cấp tại xã Kim Hoa.

Diện tích đất được thu hồi và cho phép chuyển mục đích là 83.086 m2 (trong đó, 77.059 m2 đất nông nghiệp; 6.026,6 m2 đất phi nông nghiệp) đất đã thỏa thuận bồi thường, GPMB.

Công ty Hoàng Sơn được cho thuê đất 49 năm và được xây dựng cơ bản 82.277 m2, còn lại 809 m2 để xây dựng đường vào nhà máy. Tiếp đó, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cũng đồng thời cấp giấy phép xây dựng cho Công ty Hoàng Sơn được xây dựng 8 công trình...

Tuy nhiên, suốt từ năm 2008 đến nay, khi mà địa giới hành chính thuộc huyện Mê Linh được sáp nhập về TP Hà Nội thì hàng chục héc ta đất của 2 công ty này vẫn chỉ là bãi đất trống, bỏ hoang, không có bất kỳ một hoạt động sản xuất, kinh doanh nào theo như nội dung được giao đất và cấp phép xây dựng.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Hà Minh Lập - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hoa cho biết: Hai công ty này được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất ngay trước thời điểm UBND huyện Mê Linh được sáp nhập vào TP Hà Nội nhưng họ để đấy, không sử dụng cho đến tận ngày nay. Gần đây, Công ty Ngọc Bích có văn bản báo cáo xã về việc đề nghị cho xây lại tường bao vì tường bao cũ bị đổ.

Và từ khi chuyển về Hà Nội xã cũng không nắm bắt được bất cứ hồ sơ lưu trữ gì nên cũng không biết được về hoạt động xây dựng, điều chỉnh quy hoạch hay những thông tin liên quan đến Công ty Ngọc Bích và Công ty Hoàng Sơn nên cũng không biết lãnh đạo hay trụ sở hoạt động của các công ty này ra sao?

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp 'ôm' hàng chục héc ta đất, bỏ hoang 14 năm" tại chuyên mục Doanh Nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).