Đơn vị nào có trách nhiệm quản lý trạm biến áp tại chung cư Đại Kim Building?

29/08/2022 06:44

Theo tìm hiểu của Dân Việt, chủ đầu tư chung cư Đại Kim Building đã đề nghị Ban Quản trị (BQT) toà nhà tiếp nhận trạm biến áp và hệ thống điện trục đứng nhưng BQT toà nhà này đã từ chối nhận bàn giao.

5 năm ngành điện vẫn chưa tiếp quản

Theo phản ánh của người dân, chung cư Đại Kim Buiding phường Đại Kim, quận Hoàng Mai đã đi vào vận hành được 5 năm, cư dân cũng đã mua điện từ công tơ và hàng tháng vẫn đóng tiền điện trực tiếp cho Điện lực Hoàng Mai. Tuy nhiên, đến nay trạm biến áp của toà nhà lại vẫn thuộc quản lý của chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển nhà Hà Nội số 5 (Hadico 5).

img20220827175302-16616554416782035748037-1661684592.jpg
Trạm biến áp tại Chung cư Đại Kim Building 5 năm vận hành ngành điện vẫn chưa tiếp nhận. Ảnh: Phi LongTrạm biến áp tại Chung cư Đại Kim Building 5 năm vận hành ngành điện vẫn chưa tiếp nhận. Ảnh: Phi Long

Một số cư dân thuộc chung cư Đại Kim Building cho biết, từ khi đi vào vận hành, nhiều lần bên toà A của chung cư này bị mất điện do sự cố từ trạm biến áp.

Cũng chính vì sự cố này, phía Hadico 5 đã nhiều lần có công văn đề nghị Công ty Điện lực Hoàng Mai tiếp nhận tài sản là trạm biến áp và hệ thống điện trục đứng của chung cư Đại Kim Building là tài sản của Hadico 5 đầu tư, với hình thức không hoàn lại tiền đầu tư.

Tuy nhiên, Công ty Điện lực Hoàng Mai cho biết cần có một bên thứ 3 kiểm định thiết bị chứng minh các tài sản của trạm biến áp và hệ thống điện hoạt động bình thường.

Vì trước đó, theo Công ty Điện lực Hoàng Mai, sự cố điện xảy ra vài lần là do máy cắt tổng hạ thế 2500A trục trặc. Nếu không kiểm định, khi tiếp nhận phía ngành điện phải bỏ ra chi phí để đầu tư sửa chữa và thay thế máy cắt tổng hạ thế 2500A này với kinh phí lớn.

Trong khi, cư dân có hơn 600 hộ đã nhiều lần từ năm 2019, 2020 và 2021 bị mất điện do lỗi từ máy cắt tổng hạ thế 2500A.

"Chúng tôi đã có vài lần gọi điện tới Công ty điện lực Hoàng Mai và đường dây nóng của Công ty Điện lực Hà Nội để phản ánh tình trạng mất điện. Tôi là khách hàng, chỉ biết được mua điện tại công tơ, còn trạm biến áp nếu có trục trặc phải do ngành điện quản lý. Tuy nhiên, sự việc nhùng nhằng chuyện tiếp nhận suốt 5 năm đến nay vẫn chưa xong thì thật vô lý", anh N.V.H ở chung cư Đại Kim Building nói.

Anh N.V.H bức xúc cho rằng, nếu không có trạm biến áp thì bao năm nay ngành điện bán điện cho hơn 600 hộ dân ở chung cư của chúng tôi kiểu gì?

Đơn vị nào có trách nhiệm quản lý trạm biến áp tại chung cư Đại Kim Building? - Ảnh 2.

Nhiều người dân phản ánh, trạm biến áp toà A chung cư Đại Kim Building nhiều lần bị sự cố mất điện. Ảnh: Phi Long

Ban quản trị toà nhà không tiếp nhận

Đại diện BQT chung cư Đại Kim Building mới đây cho biết, đã nhận được công văn của Hadico5 về việc bàn giao trạm biến áp và hệ thống điện trục đứng cho BQT quản lý.

Theo văn bản của Hadico5, đơn vị này bàn giao toàn bộ quyển và nghĩa vụ trong công tác quản lý và vận hành tòa nhà Đại Kim Building cho BQT tòa nhà từ tháng 1/2018. Toàn bộ các hệ thống kỹ thuật tòa nhà cũng đã được BQT tòa nhà tiếp nhận và quản lý, vận hành tốt.

Trong các hạng mục bàn giao của hệ thống kỹ thuật điện tòa nhà có 2 trạm biến áp CT5A-CT5B với công suất 2000 kVA và hệ thống điện trục đứng là tài sản của các chủ sở hữu trong tòa nhà (Ban quản trị là người đại diện), đã được Công ty Điện lực Hoàng Mai tiếp nhận nguyên trạng để vận hành phục vụ các hộ dân ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp theo quy định.

Tuy nhiên, phúc đáp lại Hadico5, BQT chung cư Đại Kim Building đã từ chối tiếp nhận tài sản này.

"Chúng tôi cũng chỉ là những người đại diện cho cư dân của chung cư Đại Kim Building, được người dân bầu ra nên cũng chỉ như cư dân của toà nhà. Hiện chúng tôi đang mua điện từ ngành điện tới tận công tơ điện nên không có trách nhiệm, nghĩa vụ và cũng không đủ chuyên môn để quản lý, vận hành trạm biến áp nên chúng tôi từ chối không tiếp nhận", một vị đại diện BQT chung cư Đại Kim Building cho biết.

Cũng theo vị đại diện BQT chung cư này, việc trạm biến áp dù chủ đầu tư có lý giải là khi mua nhà đã có trong giá thành của giá nhà nhưng cư dân có quyền được hưởng dịch vụ điện tới tận công tơ theo Luật Điện lực. Do đó, cư dân không có trách nhiệm và nghĩa vụ phải quản lý, vận hành trạm biến áp. Vì nếu xảy ra hỏng hóc, cư dân lại phải góp tiền để sửa chữa, thay thế thiết bị với số tiền có thể rất lớn. 

Trao đổi với Dân Việt, một lãnh đạo của Công ty Điện lực Hoàng Mai cho biết, mới đây đơn vị này đã ngừng tiếp nhận do có văn bản chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI).

Vị lãnh đạo của Công ty Điện lực Hoàng Mai đã cung cấp cho phóng viên Công văn 2998 ngày 10/5/2022 của EVNHANOI về việc tạm dừng tiếp nhận tài sản công trình điện được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài Nhà nước. Theo đó, căn cứ văn bản số 2281/EVN-TCKT ngày 04/5/2022 của EVN chỉ đạo năm 2022, các đơn vị không thực hiện tiếp nhận tài sản từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước cho đến khi có văn bản hướng dẫn của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Theo văn bản này, đối với công trình đã được phê duyệt chủ trương nhưng chưa hoàn thành thủ tục tăng tài sản, ngành điện yêu cầm tạm dừng thực hiện thủ tục bàn giao tài sản; Làm việc với chủ tài sản về chủ trương EVN tạm dừng công tác tiếp nhận tài sản các công trình điện ngoài ngành trong khi chờ văn bản hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Lập Biên bản với khách hàng xác định rõ trách nhiệm quản lý vận hành trong thời gian chờ Nghị định được ban hành.

Theo Điểm I, Khoản 2, Điều 39 Luật Điện lực 2004 sửa đổi bổ sung 2012, quyền và nghĩa vụ của đơn vị phát điện là phải: đầu tư trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua, trừ trường hợp có thoả thuận khác với đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện hoặc bên mua điện. Tuy nhiên, chủ đầu tư chung cư Đại Kim Building đã bỏ tiền ra xây dựng 2 trạm biến áp nhưng sau 5 năm vẫn chưa thể bàn giao về cho ngành điện quản lý.

Trong thời gian chờ có hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền, trách nhiệm về việc quản lý vận hành, thay thế, sửa chữa khi có sự cố, hỏng hóc thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Công tác tiếp nhận tài sản sẽ được thực hiện sau khi có hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi lại lãnh đạo Công ty Điện lực Hoàng Mai văn bản trên là mới ban hành tháng 5/2022 còn trước đó chung cư Đại Kim Building đã vận hành được 5 năm, nhiều lần Hadico5 đã có văn bản bàn giao nhưng vì sao Công ty điện lực Hoàng Mai không tiếp nhận?

Một lãnh đạo Công ty Điện lực Hoàng Mai cho biết: "Đầu năm 2022 vừa qua, Công ty Điện lực Hoàng Mai và phía Hadico5 đã thống nhất được hồ sơ bàn giao 2 trạm biến áp nhưng sau đó chưa kịp thực hiện thì có chỉ đạo của EVNHANOI tạm dựng tiếp nhận các tài sản này".

Theo Điểm I, Khoản 2, Điều 39 Luật Điện lực 2004 sửa đổi bổ sung 2012, quyền và nghĩa vụ của đơn vị phát điện là phải: đầu tư trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua, trừ trường hợp có thoả thuận khác với đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện hoặc bên mua điện. Tuy nhiên, chủ đầu tư chung cư Đại Kim Building đã bỏ tiền ra xây dựng 2 trạm biến áp nhưng sau 5 năm vẫn chưa thể bàn giao về cho ngành điện quản lý. 

Bạn đang đọc bài viết "Đơn vị nào có trách nhiệm quản lý trạm biến áp tại chung cư Đại Kim Building?" tại chuyên mục Doanh Nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).