Động thái mới của Ấn Độ trong việc hỗ trợ Nga khiến Mỹ 'nóng mặt'

06/08/2022 08:24

Mỹ dường như không hài lòng khi một số tàu Nga bị nước này trừng phạt vẫn tiếp tục buôn bán với Ấn Độ.

Động thái mới của Ấn Độ trong việc hỗ trợ Nga khiến Mỹ 'nóng mặt' - Ảnh 1.

Động thái mới của Ấn Độ trong việc hỗ trợ Nga khiến Mỹ lo ngại. Ảnh: Getty

Những báo cáo mới nhất cho thấy ít nhất 7 tàu Nga bị Mỹ trừng phạt đã cập cảng Ấn Độ trong tháng qua. Các tàu này bị trừng phạt do liên kết với một số công ty vận tải biển có lịch sử vận chuyển vũ khí cho Điện Kremlin. Trong số bảy tàu này có sáu tàu chở hàng và một tàu chở dầu.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến của Mỹ, Jack Margolin cho biết: "Những con tàu này và chủ nhân của chúng đã được các nhà phân tích theo dõi trong nhiều năm".

Trung tâm đã chia sẻ dữ liệu về các tàu Nga bị trừng phạt với Foreign Policy. Ông Margolin nói: "Họ có lịch sử ủng hộ việc trốn tránh các lệnh trừng phạt của Nga lẫn buôn bán vũ khí".

Theo một cuộc điều tra của trang tin tức độc lập Meduza của Nga, hai trong số các tàu chở hàng này, Adler và Ascalon, trước đây đã tham gia vào việc vận chuyển một lô hàng tên lửa đất đối không S-400 từ Nga cho Trung Quốc vào năm 2018.

Trong khi đó, một con tàu khác tên là Maia 1, được cho là vận chuyển thiết bị quân sự, đã cập cảng Cochin ở miền nam Ấn Độ vào tháng trước.

Ngoài ra, tàu chở dầu Inda bị nhóm vận động chống hạt nhân Iran có trụ sở tại Mỹ cáo buộc vận chuyển dầu thô của Iran.

Ông Margolin lưu ý: "Những động thái trên sẽ tiếp tục là cứu cánh cho Nga và nỗ lực triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này".

Ấn Độ đã không tham gia cùng Mỹ và châu Âu trong nỗ lực trừng phạt Tổng thống Nga Vladimir Putin vì triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine. Một lý do chính cho điều này là bởi Ấn Độ và Nga có quan hệ chặt chẽ kéo dài từ thời Liên Xô.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Ấn Độ không phải là nước nhập khẩu dầu và khí đốt lớn của Nga, nhưng nước này phụ thuộc rất nhiều vào Moscow. Khoảng 85% thiết bị quân sự của New Delhi có nguồn gốc từ Nga hoặc Liên Xô, và phân tích của Trung tâm Stimson cho thấy Ấn Độ phụ thuộc rất nhiều vào Nga trong việc phát triển các công nghệ quân sự tiên tiến mới, bao gồm phòng không, tên lửa hành trình siêu thanh và động cơ hạt nhân hải quân.

Michael Kugelman, phó giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson cho biết: "Ấn Độ từ lâu đã coi Nga là một người bạn trung thành và đáng tin cậy, luôn giúp đỡ nước này trên trường quốc tế".

Bạn đang đọc bài viết "Động thái mới của Ấn Độ trong việc hỗ trợ Nga khiến Mỹ 'nóng mặt'" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).